Quyết định 66/2000/QĐ-TTg về chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 66/2000/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/06/2000
Ngày có hiệu lực 13/06/2000
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Công Tạn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66/2000/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 66/2000/QĐ-TTG NGÀY 13 THÁNG 6 NĂM 2000 VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HOÁ KÊNH MƯƠNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 08/1999/NQ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 7 năm 1999;
Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nhà nước khuyến khích các địa phương huy động mọi nguồn lực và tạo cơ chế thuận lợi nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc kiên cố hoá kênh mương các công trình thuỷ lợi. ưu tiên sử dụng vốn để thực hiện các công trình hoặc dự án đầu tư mới ở vùng khan hiếm nước, vùng tưới bằng trạm bơm điện, hồ chứa, đập dâng; các tuyến kênh tưới đắp nổi, thẩm thấu nước mạnh, kênh qua vùng đất xấu dễ bị sạt lở hoặc luôn bị bồi lấp; các tuyến kênh qua vùng ven đô thị, làng, bản.

Điều 2. Trình tự lập, xét duyệt các dự án đầu tư kiên cố hoá kênh mương.

- Kênh loại I do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt các dự án đầu tư gắn với các dự án thủy lợi, phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp và của địa phương.

- Kênh loại II do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt theo quy định hiện hành.

- Kênh loại III chỉ cần lập thiết kế, dự toán, được ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, không phải đấu thầu và giao ủy ban nhân dân xã tự tổ chức thực hiện, có sự giám sát của cộng đồng nhân dân vùng hưởng lợi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể về phân cấp các loại kênh.

Điều 3. Về cơ chế tài chính:

1. Về vốn đầu tư:

a) Kênh loại I do ngân sách Trung ương đầu tư, bố trí vào vốn xây dựng cơ bản hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Kênh loại II do ngân sách địa phương đầu tư, bố trí trong vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của địa phương.

c) Kênh loại III do nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp công sức làm là chính. ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tuỳ theo khả năng để xem xét, quyết định mức hỗ trợ vật tư, xi măng, sắt thép và kỹ thuật.

Các địa phương có trách nhiệm dành tối thiểu 40% thuế sử dụng đất nông nghiệp, một phần thuỷ lợi phí và các nguồn thu khác (viện trợ trực tiếp, vốn sự nghiệp kinh tế, v.v...) để thực hiện kiên cố hoá kênh mương đối với kênh do địa phương quản lý (loại II và loại III).

Đối với các tỉnh miền núi và các tỉnh có nguồn thu ngân sách, nguồn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuỷ lợi phí thấp, ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần vốn ngân sách qua kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của địa phương.

2. Về vốn tín dụng:

Ngoài phần vốn ngân sách và công lao động của nhân dân đóng góp quy định tại khoản 1 Điều này, hàng năm, Nhà nước dành một khoản vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng không (0%) để cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vay:

a) Đối với kênh loại II: Trong năm kế hoạch, nếu ngân sách địa phương không đảm bảo đủ vốn thì được vay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư, ngân sách địa phương bố trí trả lại trong các năm sau.

b) Đối với kênh loại III: Trong năm kế hoạch, nếu ngân sách địa phương không đủ để hỗ trợ (bằng vật tư, xi măng, sắt thép, kỹ thuật) thì cũng được vay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hỗ trợ, ngân sách địa phương bố trí trả lại trong các năm sau.

c) Nguồn và mức vốn tín dụng cho vay: Nguồn vốn tín dụng cho vay trên được bố trí trong tổng mức vốn tín dụng chung của Nhà nước theo kế hoạch hàng năm; mức vốn cho vay đối với một dự án tối đa bằng số vốn còn thiếu để hoàn thành dự án trong phạm vi tổng dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Thời gian hoàn trả vốn: Sau 1 năm bắt đầu trả nợ, thời gian hoàn trả vốn là 4 năm; riêng đối với các tỉnh miền núi, tỉnh có nguồn thu ngân sách khó khăn, thời gian hoàn trả nợ không quá 5 năm đối với từng khoản vay.

đ) Nguồn trả nợ vay: Lấy từ nguồn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp và các nguồn thu khác cân đối trong ngân sách địa phương. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có cam kết bằng văn bản bố trí đủ vốn trả nợ vay vào dự toán ngân sách hàng năm của địa phương.

Điều 4. Tổ chức thực hiện:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:

a) Phê duyệt kế hoạch kiên cố hoá kênh mương (loại II, loại III) trên địa bàn; cân đối vốn đầu tư từ ngân sách để thực hiện.

b) Xác định tổng mức vốn đầu tư và phân khai các nguồn vốn, trong đó: cân đối các nguồn vốn do địa phương huy động; số vốn thiếu đề nghị cho ngân sách địa phương vay; lập kế hoạch vay, trả nợ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Quỹ Hỗ trợ phát triển.

c) Chỉ đạo thực hiện việc cho vay vốn đối với kênh loại II và kênh loại III.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch kiên cố hoá kênh mương (kênh loại I) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để cân đối vốn đầu tư; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương các loại trong cả nước, định kỳ báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và vốn tín dụng cho vay trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Bộ Tài chính căn cứ vào tổng mức vốn đầu tư cho kiên cố hoá kênh mương (các loại) hàng năm được duyệt, khả năng cân đối vốn đầu tư từ ngân sách, khả năng trả nợ của ngân sách địa phương, quyết định mức vốn tín dụng cho vay cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Quỹ Hỗ trợ phát triển thực hiện cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vay vốn theo quyết định của Bộ Tài chính (không trực tiếp cho vay đối với từng huyện, từng dự án cụ thể) và có trách nhiệm thu hồi vốn vay khi đến hạn; tính toán nhu cầu cần cấp bù lãi suất và phí trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho các Bộ, ngành có liên quan và Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn để bù khoản chênh lệch lãi suất và phí cho vay trên.

6. Trong năm 2000, Nhà nước dành 500 tỷ đồng từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đã giao để cho các địa phương vay theo nội dung Quyết định này.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)