ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
623/QĐ-UBND
|
Hòa
Bình, ngày 14 tháng 03
năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TIÊU BIỂU
CÁC DÂN TỘC TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2018 - 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày
29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày
18/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP
ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di
sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;
Căn cứ Thông tư số
04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc
kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật
thể đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia.
Căn cứ Chương trình hành động số
27-CTr/TU ngày 03/10/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị
quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về
xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu
Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 236/TTr-SVHTTDL ngày 05/3/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các
dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 - 2030
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị
liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, thực hiện Đề án theo
quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc
các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học
và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các
Ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- Bộ VHTT&DL;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Ban Tuyên giáo TU;
- Các Sở, ngành: VHTT&DL, TC, KH&ĐT, KH&CN, GD&ĐT, TT&TT,
Ban DT tỉnh, Báo HB, Đài PT&TH tỉnh;
- UBND các huyện, TP;
- Chánh, Phó Chánh VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH, KGVX.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Quang
|
ĐỀ ÁN
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TIÊU BIỂU CÁC DÂN TỘC TỈNH
HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2018 - 2030
(Kèm theo Quyết định số: 623/QĐ-UBND ngày 14/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)
Phần thứ nhất
HIỆN TRẠNG VỀ
CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TIÊU BIỂU TỈNH
HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN VỪA QUA
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Hòa Bình, mảnh đất giàu truyền thống
lịch sử, văn hóa lâu đời. Lịch sử hình thành và phát triển, Hòa Bình được ghi
nhận từ dấu ấn về khảo cổ học thời tiền sử của nền “Văn
hóa Hòa Bình” cách nay khoảng 18 nghìn năm. Sự hình thành và phát triển vùng đất
này gắn liền với lịch sử đấu tranh chinh phục thiên nhiên và chống kẻ thù xâm
lược, đất và người nơi đây đã hun đúc nên bản lĩnh kiên cường, bất khuất và truyền thống yêu nước, cách mạng.
Quá trình đó bồi đắp nên những giá trị
nhân văn qua nhiều thế hệ, hình thành những giá trị văn hóa truyền thống mang sắc
thái riêng. Vốn là vùng đất thuần canh nông nghiệp lúa nước ruộng bậc thang và
làm nương rẫy do vậy các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán gắn
liền với nền sản xuất đó. Hòa Bình cũng là vùng đất gần sát với Thăng Long kinh
kỳ nên việc giao thương và giao lưu văn hóa cũng diễn ra mạnh mẽ. Cư dân Hòa
Bình với bản tính năng động, cởi mở và giao lưu văn hóa đã tạo cho vùng đất này
một kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể rất phong phú và độc đáo.
Xác định di sản văn hóa phi vật thể
các dân tộc Hòa Bình là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông ta để lại cho thế
hệ trẻ hôm nay và mai sau là phần hồn của nền văn hóa dân tộc. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa rất
quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của
dân tộc. Bên cạnh đó, nó còn là phương tiện để giới thiệu quảng bá về hình ảnh
vùng đất con người cho các du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện để thực
hiện chiến lược phát triển du lịch Hòa Bình góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội
của tỉnh.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Nghị quyết Đại hội XII của Đảng;
- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày
09/6/2014 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát
triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;
- Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6
năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18
tháng 6 năm 2009;
- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng
9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản
văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;
- Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc kiểm
kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể
đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia.
- Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình, nhiệm kỳ 2016 - 2020;
- Chương trình hành động số 27-CTr/TU
ngày 03/10/2014 của Tỉnh ủy Hòa Bình về việc thực hiện Nghị quyết
số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về
“xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển
bền vững đất nước”.
III. HIỆN TRẠNG VỀ CÔNG TÁC BẢO TỒN
VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA CÁC DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA
BÌNH.
1. Hiện trạng về đời sống văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình
Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính
cùng chung sống lâu đời (trong tổng số trên 83 vạn dân), đông nhất là dân tộc
Mường chiếm 63%; dân tộc Kinh chiếm 27,7%; các dân tộc Thái; dân tộc Dao; dân tộc
Tày; dân tộc Mông và các dân tộc khác chiếm 9,3%. Cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước, đồng bào các dân tộc tỉnh ta luôn
đoàn kết, chịu thương chịu khó, có ý chí phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống
ngày một tốt đẹp. Đồng thời, mỗi dân tộc đều thể hiện được nét bản sắc văn hóa
riêng biệt, độc đáo tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn...
Người Mường sống tập trung ở những khu vực có địa hình thấp, các trung tâm trù phú nhất của người Mường
là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Trong hoạt động kinh tế, từ
bao đời nay, người Mường sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, tập quán trồng
lúa nước thâm nhập vào tín ngưỡng của người Mường. Trong đời sống văn hóa, người
Mường vẫn lưu giữ được nhiều yếu tố truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân
tộc. Nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa của dân tộc Mường như dân ca, nghệ thuật
Chiêng, Mo, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước... Vẫn lưu giữ và được đánh giá cao. Ngôi
nhà sàn truyền thống của người Mường đã có phần mai một, tuy nhiên, hiện nay,
nhiều nơi trong tỉnh như Lạc Sơn, Tân Lạc... người Mường đang phục dựng nhà sàn
bằng vật liệu bê tông thay cho nhà gỗ trước kia, tạo điều kiện cho việc bảo tồn
các giá trị văn hóa trong không gian nhà sàn.
Người Kinh đến Hòa Bình rải rác vào
nhiều thời điểm khác nhau. Trong đó có 2 thời điểm quan trọng nhất là từ nửa sau thế kỷ XVIII và những năm 60 của thế kỷ trước thuộc phong trào
khai hoang từ các tỉnh đồng bằng lân cận. Hiện nay, đồng bào Kinh chiếm 27,7%
trong tổng số dân toàn tỉnh. Trong sản xuất và đời sống,
người Kinh ở Hòa Bình không có sự khác biệt lớn với người Kinh ở đồng bằng sông
Hồng. Trong đời sống văn hóa, người Kinh ở Hòa Bình cũng
giữ được nét truyền thống người Kinh của cả nước. Dân tộc
Kinh sống trải khắp trên địa bàn 11 huyện, thành phố, nhưng
tập trung nhất ở thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn. Trong
những năm gần đây, sự giao lưu về kinh tế, văn hóa mở rộng, người dân tộc Kinh
từ nhiều tỉnh, thành phố đã đến làm ăn, sinh sống ở Hòa
Bình.
Người Thái chiếm 3,9% dân số toàn tỉnh,
trong đó, cư trú chủ yếu ở huyện Mai Châu, thuộc ngành Thái Trắng. Người Thái chủ yếu là cư dân nông nghiệp sống định cư, cư trú thành
bản ở các thung lũng màu mỡ, ven sông, suối. Bên cạnh các ngành nghề khác, người
Thái còn biết trồng bông, nuôi tằm, dệt vải, dệt thổ cẩm. Người Thái ở
Mai Châu vẫn còn gắn bó với ngôi nhà sàn và giữ được bản sắc văn hóa truyền thống
như lễ hội Xên Bản -Xên Mường, múa Xòe. Nhiều bản làng người Thái đang phát triển
văn hóa du lịch cộng đồng như: Bản Lác (Chiềng Châu), bản Văn, Poom Cọong (thị
trấn Mai Châu), bản Nhót (Nà Phòn), bản Bước (xã Xăm Khòe) cùng các làng bản ở
Mai Hạ, Mai Hịch... được du khách gần xa đến tham quan, du lịch.
Người Tày ở Hòa Bình cư trú tập trung
ở huyện Đà Bắc, chiếm 3,23 % dân số toàn tỉnh. Khu vực cư trú của người Tày nằm
trên địa bàn các xã vùng cao: Tân Minh, Tân Pheo, Trung Thành, Đoàn Kết, Đồng
Ruộng, Đồng Chum, Mường Tuổng, Suối Nánh, Đồng Nghê... Người Tày sinh sống chủ
yếu dựa vào nghề nông; quần tụ thành các làng bản ở dưới chân núi, ven sông, suối
và các thung lũng. Người Tày cũng có kinh nghiệm trồng lúa nước và trồng ngô,
khoai, sắn như người Thái, người Kinh và tạo ra cho dân tộc mình một đặc trưng
riêng trong hoạt động sản xuất. Nhà ở của người Tày Đà Bắc đa số là nhà sàn gỗ,
lợp tranh hoặc cọ. Người Tày vẫn giữ được những nét bản sắc
văn hóa riêng biệt, độc đáo của dân tộc mình, như các làn điệu dân ca, dân vũ,
hát then, duy trì việc truyền dạy học chữ cổ trong cộng đồng...
Người Dao (Hòa Bình có hai ngành Dao
Quần chẹt và Dao Tiền) cư trú tại một số huyện và thành phố Hòa Bình, chiếm gần
1,76 % dân số trong toàn tỉnh. Người dân tộc Dao sống phân bố ở các huyện Đà Bắc,
Kim Bôi, Mai Châu, Cao Phong, Kỳ Sơn, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình. Người
Dao trước đây có cuộc sống du canh, du cư. Nay, nhờ chính sách định cư, định
canh của Đảng, Nhà nước, cuộc sống người Dao đã ổn định và từng bước đi lên.
Người Dao vẫn giữ được những nét bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo của dân tộc
mình, như phong tục Cấp Sắc, Tết Nhảy, duy trì học chữ cổ trong gia đình, dòng
họ...
Người Mông sống tập trung tại 2 xã Pà
Cò, Hang Kia (huyện Mai Châu). Trước đây, cuộc sống người Mông có nhiều khó
khăn, nhưng nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước người Mông dần tiếp cận những tiến
bộ của khoa học, kỹ thuật đời sống vật chất và tinh thần dần được ổn định và có
bước phát triển. Người Mông vẫn giữ được những nét bản sắc văn hóa của riêng
mình như: Trang phục, kiến trúc nhà ở, nghề rèn, ngôn ngữ, Tết Mông cùng với
các lễ hội, âm nhạc - khèn Mông...
2. Hiện trạng công tác bảo tồn và
phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong địa bàn tỉnh
- Nhìn chung các dân tộc ở tỉnh Hòa Bình vừa có những nét văn hóa và tín ngưỡng chung, nhưng đều có
một nét văn hóa truyền thống và tín ngưỡng riêng của từng
dân tộc, độc đáo, rất phong phú và đa dạng. Đại đa số các dân tộc vẫn còn giữ
được những nét cơ bản trong phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình.
Các giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết (trừ dân tộc Mường)
được bảo tồn; các tri thức dân gian, trang phục còn được lưu giữ ở mức trung
bình.
Đã có những tín hiệu tích cực trong
công tác bảo tồn trong nhân dân như: sự phát triển của hệ thống lễ hội truyền
thống; sự phát triển của Chiêng Mường; Giá trị của Mo Mường và vai trò của các
ông Mo đã được nhân dân coi trọng, tôn vinh. Đã xuất hiện nhiều lớp truyền dạy
chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu Chiêng Mường, múa Mường... thể hiện ý thức
của nhân dân đã có sự thay đổi tích cực.
- Trong những năm qua được sự quan
tâm của các cấp lãnh đạo Tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương đã xây dựng
chương trình và kế hoạch hành động về văn hóa và công tác bảo tồn phát huy
các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã có sự đầu tư kết quả đạt
được: 01 làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp
tỉnh; thực hiện được gần 30 đề tài khoa học về văn hóa, dân tộc; đầu tư thực hiện
được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm
lớp dạy chữ dân tộc; phục dựng và duy trì 59 lễ hội;
- Thực hiện Luật Di sản văn hóa và
Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ
sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc
gia. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật
thể các dân tộc tỉnh Hòa Bình và chỉ đạo thực hiện từ năm 2012 - 2014. Kết quả
kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn 11 huyện, thành phố
trong tỉnh đối với 5 dân tộc thiểu số gồm các loại hình:
tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn
dân gian, tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và
tri thức dân gian. Tổng cộng đã kiểm kê được 786 di sản
văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh.
- Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn
hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh, từ năm 2013 đến nay. Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có chủ trương cho phép tổ chức
tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho 02 di sản văn hóa phi vật
thể đó là Mo Mường Hòa Bình và Nghệ thuật Chiêng Mường Hòa Bình đề nghị Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa
phi vật thể Quốc gia năm 2016. Tổ chức xây dựng bộ chữ phiên âm tiếng Mường từng
bước áp dụng vào nhân dân. Xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường
Hòa Bình trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cần bảo vệ khẩn cấp.
- Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay
với sự bùng nổ phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng sự du nhập ảnh
hưởng của các nền văn hóa bên ngoài; đã có tác động không
nhỏ đến ý thức của nhân dân các dân tộc, ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức truyền
thống; kết cấu gia đình; phong tục tập quán và đặc biệt là các giá trị văn hóa,
văn nghệ dân gian đang có nguy cơ bị thay thế, mai một. Tầng lớp nắm giữ tri thức
dân gian hiện nay tập trung ở những người lớn tuổi cũng bị mai một dần. Lớp trẻ hiện nay đại đa số
không am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình thậm chí một số còn không biết
nói ngôn ngữ của dân tộc mình. Đây là những vấn đề cấp bách cần quan tâm giải
quyết.
IV. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
Bên cạnh những kết quả đã đạt được
công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu
trong địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế đó là:
1. Tồn tại, hạn chế
- Công tác bảo tồn và phát huy các
giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn nhiều hạn
chế, chưa tương xứng với bề dày lịch sử và các giá trị của di sản văn hóa các
dân tộc Hòa Bình, một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ bị
mai một, thất truyền.
- Việc phát huy giá trị văn hóa phi vật
thể của các dân tộc trong các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế. Trong đó
điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng cán bộ, các cơ chế chính sách
về lĩnh vực quản lý di sản văn hóa phi vật thể chưa đáp ứng kịp thời; thiếu đội
ngũ chuyên gia xây dựng mô hình bảo tồn di sản văn hóa lễ hội cộng đồng. Công
tác quảng bá hình ảnh về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Hòa Bình và gắn
kết các di sản văn hóa với hoạt động du lịch, tham quan còn hạn chế...
- Công tác tuyên truyền về di sản văn
hóa phi vật thể chưa được chú trọng, chưa có sự kết hợp chặt
chẽ giữa các cấp, các ngành trong tổ chức khai thác du lịch gắn với giá trị di
sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc.
- Chưa có chính sách tôn vinh, đãi ngộ
nghệ nhân có công nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật
thể trong địa bàn tỉnh. Nguồn kinh phí hỗ trợ các nghệ nhân mở lớp truyền dạy
di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm.
- Công tác xã hội hóa trong bảo tồn
và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Hoà Bình còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài cụ thể để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Nguồn lực do
nhân dân đóng góp chưa được qui tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước một
cách chặt chẽ nên không được sử dụng hiệu quả.
2. Nguyên nhân
a) Nguyên nhân khách quan
- Là một tỉnh miền núi khó khăn về
nhiều mặt, vị trí địa lý, trình độ dân trí chênh lệch.
- Sự du nhập ồ ạt của các nền văn hóa
ngoài vào dẫn đến sự tiếp biến không chọn lọc.
- Tốc độ phát triển của đô thị hóa,
công nghiệp hóa.
Những yếu tố trên đã có ảnh hưởng
không nhỏ đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc
trong tỉnh, tác động đến đời sống của nhân dân.
b) Nguyên nhân chủ quan
- Nhận thức của các cấp, các ngành và
toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn
hóa phi vật thể đã được nâng cao nhưng chưa sâu sắc, toàn diện và chưa được cụ
thể hóa bằng các biện pháp, kế hoạch, chương trình thực hiện.
- Chưa thực hiện được việc xây dựng đề
án và quy hoạch, lựa chọn những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các
dân tộc để ưu tiên đầu tư nghiên cứu phục dựng bảo tồn trong nhân dân.
- Việc đầu tư cho công tác sưu tầm,
phục dựng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc
từ ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế hiện
nay.
- Năng lực tham mưu của đội ngũ cán bộ
làm công tác văn hóa cơ sở đã có những chuyển biến, góp phần giữ gìn và phát
huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc của tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa
cao, khả năng vận động quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát
huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc chưa thực
sự hiệu quả.
Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NHIỆM
VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TỈNH
HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2018 - 2030
I. NỘI DUNG
1. Mục tiêu tổng quát
- Huy động sức mạnh của toàn xã hội
nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trong
tỉnh, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần
của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo
an ninh - quốc phòng.
- Bảo tồn, phát huy các giá trị văn
hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế,
trước mắt cần đặc biệt chú trọng các di sản văn hóa phi vật
thể tiêu biểu có nguy cơ mai một, nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao. Phát huy
vai trò của các chủ thể văn hóa trong bảo tồn và phát huy
các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc.
- Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền
thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, giảm dần sự chênh lệch về mức sống và
hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế
du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu
các dân tộc Hòa Bình.
- Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội
hóa huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát
huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế và phát triển văn hóa.
2. Mục tiêu cụ thể
- Hoàn thành phân loại, tư liệu hóa
các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong 5 dân tộc
thiểu số trong tỉnh.
+ Tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại
hình phong tục, tín ngưỡng lễ hội dân gian truyền thống.
+ Tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại
hình nghệ thuật và diễn xướng dân gian, (dân ca thường đang, bộ mẹng, dân nhạc,
dân vũ, mo, trượng, mỡi, mùn, then, khắp, nghệ thuật chiêng sắc bùa, múa các dân tộc...).
+ Tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyện cổ
tích, truyện ngụ ngôn, truyện thơ,...).
+ Tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại
hình tri thức dân gian, (tri thức về lịch tiết, xem ngày tốt xấu, các loại lịch
dân tộc, tri thức về canh tác, tri thức về quản lý cộng đồng, quản lý gia
đình...).
- Kiểm kê bổ sung di sản văn hóa phi
vật thể của các dân tộc Hòa Bình.
- Hoàn thành quy hoạch lễ hội tỉnh Hòa Bình đầu tư hỗ trợ phục dựng và phát triển một số lễ hội trọng
điểm.
- Triển khai thực hiện các đề tài
nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
các dân tộc Hòa Bình.
- Lập hồ sơ khoa học 10 di sản văn
hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc trong tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch phê duyệt đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Hoàn thành đề án và hồ sơ khoa học
di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường Hòa Bình trình tổ chức UNESCO thế giới công
nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
- Tổ chức thực hiện một số dự án truyền
dạy các di sản văn hóa phi vật thể như: Nghệ thuật Chiêng Mường, kết cấu và
cách dựng nhà sàn dân tộc Mường, nghệ thuật hát thường đang, bộ mẹng dân tộc Mường,
nghệ thuật hát (khắp) dân tộc Thái, dân tộc tày...
- Biên soạn xuất bản, phát hành các ấn
phẩm giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
- Thành lập các câu lạc bộ di sản văn
hóa văn hóa phi vật thể của các huyện, thành phố.
3. Nhiệm vụ và thời gian thực hiện
3.1. Xây dựng
Quy hoạch lễ hội tỉnh Hòa Bình năm 2018 hoàn thành.
3.2. Hỗ trợ tổ chức 13 lễ hội truyền
thống cấp huyện hàng năm (mỗi năm 01 lễ hội) lộ trình từ năm 2020 đến năm 2030.
3.3. Phân loại, tư liệu hóa các loại
hình di sản văn hóa phi vật thể trong 5 dân tộc thiểu số trong tỉnh khoảng 800
địa chỉ di sản văn hóa, lộ trình từ năm 2018 đến năm 2028 hoàn thành.
3.4. Kiểm kê bổ sung khoảng 40 địa chỉ
di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Hòa Bình, lộ trình từ năm 2018 đến
năm 2027 hoàn thành.
3.5. Triển khai thực hiện 10 đề tài
nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Hòa Bình, lộ
trình từ năm 2018 đến năm 2027 hoàn thành.
3.6. Lập hồ sơ khoa học 13 di sản văn
hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc trong tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch phê duyệt đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật
thể quốc gia, lộ trình từ năm 2018 đến năm 2030 hoàn thành.
3.7. Tổ chức thực hiện một số dự án
truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể 11 lớp cho 11 huyện thành phố, lộ
trình từ năm 2018 đến năm hoàn thành 2030.
3.8. Biên soạn xuất bản, phát hành
các ấn phẩm giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Hòa Bình,
lộ trình năm 2020 và năm 2025.
3.9. Thành lập và hỗ trợ kinh phí hoạt
động cho 11 câu lạc bộ di sản văn hóa phi vật thể của các
huyện, thành phố, lộ trình từ năm 2018 đến năm 2022 hoàn thành.
3.10. Hoàn thành đề án và hồ sơ khoa
học di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường Hòa Bình trình tổ chức UNESCO thế giới
công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm
2019 hoàn thành. (có đề án và dự toán kinh phí riêng)
3.11. Năm 2030 Tổng kết Đề án.
(Có biểu dự toán đính kèm)
4. Giải pháp thực hiện
4.1. Giải pháp về công tác chỉ đạo,
điều hành
- Thống nhất và nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát
huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc tỉnh Hòa
Bình. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản
văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế
hoạch nhà nước ở các cấp.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn
hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền,
giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người
dân về văn hóa và nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật
thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
4.2. Giải pháp về cơ chế chính sách
- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút
nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa
phi vật thể tiêu biểu của tỉnh.
- Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ
đối với các nghệ nhân là những người gìn giữ, bảo tồn được các giá trị di sản
văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
- Xây dựng cơ chế chính sách đào tạo
nguồn nhân lực, thu hút học sinh, sinh viên là con em các dân tộc thiểu số học
chính quy tại các trường văn hóa, nghệ thuật về công tác tại địa phương.
- Ứng dụng công
tác đề tài đã nghiên cứu, đồng thời triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ để
bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
4.3. Giải pháp về phát triển nguồn
nhân lực
- Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa
chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực văn hóa có đủ năng lực,
trình độ và phẩm chất để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được
giao. Ưu tiên việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa là người dân tộc
thiểu số của địa phương.
- Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp
vụ cho công chức văn hóa xã hội cấp xã, chủ nhiệm nhà văn hóa, chủ nhiệm các
câu lạc bộ văn hóa, đội trưởng các đội văn nghệ quần chúng.
- Đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường
học thân thiện, học sinh tích cực”, giáo dục văn hóa truyền thống trong các trường
học.
II. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nhu cầu kinh phí thực hiện
Tổng số nhu cầu nguồn kinh phí đầu tư
thực hiện đề án là 10.760.000.000 đồng ( Mười tỷ, bảy trăm sáu mươi triệu đồng)
(Trong đó không có dự án lập hồ sơ cấp nhà nước cho Di sản văn hóa Mo Mường).
Kinh phí được chi từ nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm của tỉnh, lộ trình từ
năm 2018 đến năm 2030.
2. Căn cứ
nội dung, nhiệm vụ được giao hàng năm, cơ quan đơn vị lập dự toán chi tiết gửi
Sở Tài chính thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình xem xét, phê duyệt.
III. HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN
1. Về kinh tế
- Góp phần khai thác phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Hòa Bình, từng bước chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề sản xuất ở nông thôn và vùng cao, vùng
sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bền
vững.
- Góp phần giải phóng sức lao động, tạo
nguồn lực trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra các sản phẩm cụ thể
phục vụ chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.
2. Về xã hội
- Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo
văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện đoàn kết dân tộc và đổi
mới bộ mặt xã hội, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh nông thôn, xây
dựng nông thôn mới.
- Bảo tồn và phát huy các giá trị di
sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình gắn với thực hiện
những nhiệm vụ chính trị của Tỉnh, góp phần ngăn chặn sự mai một các giá trị
văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
- Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng tin
tưởng, phấn khởi trong nhân dân các dân tộc, tạo dựng cơ sở vững chắc xây dựng
nền văn hóa và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển
bền vững đất nước làm nền tảng tinh thần, là động lực, nhân tố thúc đẩy sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Phụ trách đề án: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch.
2. Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Cơ quan
phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc, Báo Hòa
Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hòa Bình, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố.
4. Phân công trách nhiệm
4.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Là cơ quan thường trực có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban
nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đề án. Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị, địa phương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Tổng hợp báo cáo định kỳ
với Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
và các ngành liên quan về kết quả thực hiện đề án.
4.2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Chỉ đạo
định hướng chính trị tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị và cán bộ,
công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
4.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hàng năm
có kế hoạch phân bổ đề án đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn và
phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
4.4. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng
ngân sách và chế độ tài chính hiện hành. Thẩm định dự toán kinh phí, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh Hòa Bình xem xét, phê duyệt.
4.5. Sở Khoa học Công nghệ: Tham mưu
cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ về bảo
tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu của các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
4.6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tổ chức
triển khai thực hiện giáo dục văn hóa truyền thống trong các trường học. Tăng
cường tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống trong hệ thống
trường học.
4.7. Ban Dân tộc: Phối hợp thực hiện
nội dung bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của đề án.
4.8. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ
đạo các cơ quan Báo chí, truyền hình của tỉnh tăng cường
công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn
thể và người dân về mục tiêu, nhiệm vụ của việc thực hiện đề án trong toàn tỉnh.
4.9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố: Đưa nội dung thực hiện nhiệm vụ đề án bảo tồn và phát huy các giá trị các
di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh vào chương trình kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội hàng năm để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và xã,
phường, thị trấn tại địa phương. Đôn đốc, kiểm tra trong quá trình thực hiện đề
án và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
5. Chế độ báo cáo
Báo cáo định kỳ, sơ kết, tổng kết
hàng năm các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch) về kết quả thực hiện đề án và các vấn đề liên quan theo quy định./.