Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 62/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án: "Phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2006 - 2015" do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 62/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/05/2007
Ngày có hiệu lực 18/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Đình Chi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 08 tháng 05 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẠI GIA SÚC GIAI ĐOẠN 2006 - 2015.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 08/5/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về Phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2006 - 2015;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 635/TTr-SNN.KHĐT ngày 23/4/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án: Phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2006 - 2015. (Có Đề án kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẠI GIA SÚC GIAI ĐOẠN 2006 - 2015
(Kèm theo Quyết định số: 62/2007/QĐ-UBND ngày 08/5/2007 của UBND tỉnh)

PHẦN MỞ ĐẦU

Những năm qua, nông nghiệp Nghệ An phát triển và thu được những kết quả quan trọng. Trong đó, ngành chăn nuôi đại gia súc đã có những bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tại thời điểm tháng 8/2005, tổng đàn trâu bò toàn tỉnh là 681.000 con. Nhịp độ phát triển đàn trâu bò giai đoạn 2001-2005 là 121,92% (tăng bình quân 4,05%/năm). Nghệ An đang là tỉnh đứng đầu toàn quốc về số lượng tổng đàn trâu, bò và cả tổng đàn bò lai Zêbu, đứng thứ 4 toàn quốc (sau Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội) về kết quả cải tạo đàn bò. Các chương trình dự án chăn nuôi như: Chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Zê bu hóa, Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao, Chương trình lợn hướng nạc…. đã góp phần cải tạo, nâng cấp chất lượng đàn giống nên đã nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi tiên tiến, với quy mô vừa và lớn đã được hình thành và phát triển. Tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp năm 2005 đạt 32,88% (bình quân toàn quốc là 23%).

Tuy nhiên, so với tiềm năng, ngành chăn nuôi đại gia súc Nghệ An phát triển chưa tương xứng. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chưa nhiều, chất lượng chưa cao. Quy mô chăn nuôi trâu, bò đa phần là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phân tán, mang tính tự cung tự cấp, hiệu quả thấp.

Để đạt được mục tiêu phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp lên 50% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Trong đó, tổng đàn trâu bò năm 2010 là 1 triệu con (đàn bò sữa 10.000 con) là nhiệm vụ cấp bách nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Những căn cứ xây dựng Đề án:

Về chủ trương chính sách:

- Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI và chiến lược phát triển kinh tế xã hội Nghệ An giai đoạn 2001-2010.

- Căn cứ Quyết định số 167/2001/QĐ-TTg ngày 26/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam 2001-2010.

- Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-UBND ngày 18/01/2006 của UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp và thủy sản.

Về điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển chăn nuôi tại Nghệ An:

- Là tỉnh có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn, nông dân Nghệ An có kinh nghiệm chăn nuôi các loại gia súc: bò, trâu. Nguồn thức ăn tương đối phong phú: Hàng năm có khoảng 26.000 - 28.000 ha lạc, cho sản lượng trên 49.000 tấn; trên 60.000 ha ngô, cho sản lượng trên 210.000 tấn; 25.000 - 27.000 ha mía; trên 180.000 ha lúa, cho sản lượng trên 840.000 tấn; gần 10.000 ha đậu các loại, có 1 lượng lớn phế phụ phẩm làm thức ăn để phát triển chăn nuôi. Ngoài ra ở các địa phương đã có nhiều diện tích đất đang được chuyển từ trồng cây nông nghiệp sang trồng cỏ chăn nuôi.

- Các nhà máy chế biến nông sản, như: Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy bia, 4 nhà máy đường, nhà máy chế biến dứa xuất khẩu, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, đã và đang tạo nguồn phế phụ phẩm làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn hỗn hợp và thức ăn bổ sung cho chăn nuôi trâu bò với khối lượng lớn.

Về thị trường tiêu thụ:

- Chúng ta có thị trường của gần 80 triệu dân Việt Nam, đặc biệt ở các cụm kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Nam đang có nhu cầu thực phẩm các loại thịt, trứng, sữa ngày càng cao.

[...]