Quyết định 167/2001/QĐ-TTg về biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam thời kỳ 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 167/2001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 26/10/2001
Ngày có hiệu lực 10/11/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Công Tạn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 167/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 167/2001/QĐ-TTG NGÀY 26 THÁNG 10 NĂM 2001 VỀ VIỆC MỘT SỐ BIỆN PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SỮA Ở VIỆT NAM THỜI KỲ 2001-2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phát triển chăn nuôi bò sữa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước, từng bước thay thế sữa nhập khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Đến năm 2005 đạt 100 nghìn bò sữa, đáp ứng trên 20% lượng sữa tiêu dùng trong nước; đến năm 2010 đưa đáp ứng trên 40% lượng sữa tiêu dùng trong nước; sau những năm 2010 đạt 1,0 triệu tấn sữa.

Điều 2. Phát triển chăn nuôi bò sữa phải gắn với các cơ sở chế biến sữa, với vùng chuyên canh tập trung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, được tổ chức chặt chẽ, như: mía đường, dứa, cao su, cà phê, chè,... và phát triển đồng cỏ và ở nơi có điều kiện về đất đai, lao động, khí hậu phù hợp, bảo đảm môi trường sinh thái và vệ sinh môi trường, cụ thể là:

1. Các tỉnh phía Bắc: Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Sơn La và các huyện ngoại thành Hà Nội.

2. Các huyện Trung du thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung: Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Phú Yên,...

3. Các tỉnh phía Nam: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, An Giang và các huyện ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh.

4. Các tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.

Điều 3. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước đầu tư chăn nuôi và lai tạo giống bò sữa để cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi của nhân dân theo hướng:

1. Hình thành đàn bò cái nền lai, trên cơ sở:

- Tiếp tục chương trình cải tạo đàn bò vàng Việt Nam. Bộ Tài chính bố trí kế hoạch vốn ngân sách hàng năm để thực hiện.

- Mua gom tuyển chọn bò cái tốt đã được cải tạo trên phạm vi cả nước.

- Hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung bò cái nền với hình thức chăn nuôi hộ gia đình, hộ trang trại, nhất là đối với hộ công nhân viên trong các nông trường trồng cao su, cà phê, chè, mía đường, dứa,... và các lâm trường ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Phủ Quỳ (Nghệ An), Thanh Hoá...

- Người chăn nuôi đàn bò cái nền được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng, vacxin tiêm phòng. Phấn đấu sau 2-3 năm về cơ bản phải tạo được đàn cái nền tốt đủ cung cấp cho việc lai tạo đàn bò sữa theo kế hoạch hàng năm.

2. Trên cơ sở đàn bò cái nền tốt tổ chức lai với bò đực ngoại hướng sữa như bò đực Holtein năng suất và chất lượng sữa cao để tạo ra bò sữa lai 50% và 75% máu bò ngoại HF cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi bò sữa của cả nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty, Công ty xây dựng, thực hiện các dự án cải tạo đàn bò vàng, lai tạo và phát triển bò sữa.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty, Công ty xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án cải tạo đàn bò, lai tạo bò sữa, sản xuất của địa phương hoặc đơn vị mình.

Điều 4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh nêu tại Điều 2 Quyết định này, cần rà soát lại quỹ đất đai hiện có, dành một phần đất đai phù hợp để hướng dẫn nông dân phát triển trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa.

Đối với một số diện tích trồng cây hàng năm hoặc lâu năm (cà phê, cao su, chè,...) hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, đào tạo trong ngành và phối hợp với các đơn vị ngoài ngành tuyển chọn và nhân nhanh các giống cỏ có năng suất cao như: Voi, Păng gô la, Ghi nê, Ru Zi, cỏ họ đậu..., để cung cấp giống cho dân trồng. Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, trồng xen cỏ hoà thảo với họ đậu, đảm bảo năng suất và chất lượng cỏ cao. Ban hành và hướng dẫn các qui trình chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn thô để nuôi bò sữa: ủ thức ăn, bảo quản cỏ khô... sử dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản như (ngọn mía, rỉ đường mật, bã mía, bã bia và bã rượu) làm thức ăn cho bò sữa.

Điều 5. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến sữa gắn với vùng nguyên liệu. Các nhà máy chế biến phải có công nghệ tiên tiến để làm ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng.

- Các cơ sở chế biến sữa phải tổ chức mạng lưới mua gom sữa phù hợp với địa bàn tiêu thụ và thuận tiện cho việc bán sữa của người chăn nuôi; đồng thời phải ký hợp đồng tiêu thụ sữa với giá có lợi với người chăn nuôi bò sữa.

Các cơ sở chế biến sữa phải đa dạng hoá sản phẩm chế biến từ sữa và tăng cường công tác tiếp thị để tiêu thụ hết sản phẩm làm ra đạt hiệu quả cao.

Bộ Công nghiệp chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở chế biến sữa phù hợp vùng nguyên liệu, nâng cao hiệu quả đầu tư.

[...]