ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 617/QĐ-UBND
|
Huế, ngày 27
tháng 02 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KHOA HỌC
CÔNG NGHỆ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày
09/6/2000;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày
17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học và
Công nghệ;
Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 03/8/2004
của Tỉnh uỷ về Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện kết luận Hội nghị
Trung ương 6 (khoá IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá
VIII), phương hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 3g/2006/NQBT-HĐND của
Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5
năm 2006-2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ tại Tờ trình số 45/TTr-SKHCN ngày 01/02/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình Phát triển khoa học và công nghệ
tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020 (văn kiện đầy đủ của Chương
trình kèm theo), gồm các nội dung chính sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2010 tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định được
vị thế là trung tâm khoa học công nghệ (KHCN) của quốc gia, có trình độ và năng
lực KHCN ở mức khá của cả nước; trong một số lĩnh vực đạt mức hàng đầu trong cả
nước (khoa học xã hội nhân văn, y học, bảo tồn di tích,…), có những kết quả nổi
bật trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng các thành
tựu KHCN vào sản xuất và đời sống, phát huy được những thế mạnh vốn có của địa
phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải
thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, hướng
tới phát triển bền vững.
2. Các nhóm mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đến
2010
Chương trình phát triển KHCN đến 2010 phấn đấu
đạt 03 nhóm mục tiêu với các chỉ tiêu chủ yếu là:
Nhóm mục tiêu 1: KHCN đảm bảo
nguồn lực cho phát triển thông qua cung cấp các luận cứ khoa học cho các quyết
sách, quy hoạch phát triển tổng thể lãnh thổ, quy hoạch ngành và cho các dự án
đầu tư; cung cấp nhân lực có trình độ cho các ngành kinh tế - xã hội; có các
công nghệ tiên tiến và thích hợp cho các ngành sản xuất và dịch vụ được nghiên
cứu tại chỗ, hoặc chuyển giao từ các địa phương khác hoặc từ nước ngoài.
Chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng dịch vụ KHCN
là 20%/năm, đến cuối năm 2010 hình thành thị trường dịch vụ KHCN, góp phần phát
triển các hoạt động dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh.
Nhóm mục tiêu 2: Trình độ và năng
lực KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế đạt mức khá của quốc gia, mức tiên tiến ở một số
lĩnh vực có thế mạnh.
Chỉ tiêu
về nhân lực: tỷ lệ nhân lực KHCN
trên dân số năm 2010 đạt 1,8%, trong đó nhân lực trình độ cao (có bằng thạc sĩ
trở lên) chiếm 7,5%; có cơ cấu trình độ, chuyên môn phù hợp với các hướng KHCN
ưu tiên và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ tiêu về trình độ, năng lực: các ngành
y tế, bảo tồn đạt trình độ đứng đầu cả nước; các ngành công nghệ thông tin, du
lịch, khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV) đạt trình độ tương đương với các thành
phố lớn. Có các công trình KHCN xuất sắc đạt giải thưởng quốc gia, tham gia các
hội thảo KHCN quốc tế và được công bố ở các tạp chí có uy tín cấp quốc gia và
quốc tế; sáng tạo được công nghệ để sản xuất sản phẩm mới cạnh tranh được trên
thị trường.
Chỉ tiêu tốc độ đổi mới công nghệ (tiên tiến
và thích hợp): của các tổ chức kinh tế trên địa bàn đạt 20%/năm.
Nhóm mục tiêu 3: Bảo đảm tốc độ
tăng đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước lớn hơn tốc độ tăng chi ngân sách
nhà nước, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hoá các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà
nước cho KHCN.
Chỉ tiêu
về đầu tư từ ngân sách cho KHCN: trong
giai đoạn 2006-2010, hàng năm tỉnh đảm bảo cho hoạt động KHCN bằng 2% của tổng
mức chi ngân sách địa phương.
Chỉ tiêu về đầu tư của toàn xã hội cho KHCN:
tổng mức đầu tư của toàn xã hội cho các hoạt động KHCN đạt 1,5% GDP của địa
phương vào năm 2010.
3. Tầm nhìn đến năm 2020
Vào năm 2020, Thừa Thiên Huế được công nhận là
trung tâm KHCN mạnh của cả nước và khu vực ASEAN cả về nguồn lực, năng lực khoa
học, trình độ công nghệ, đóng góp cho tăng trưởng chung và riêng cho các ngành
và tốc độ phát triển KHCN; KHCN là yếu tố quan trọng để Thừa Thiên Huế đóng vai
trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây
Nguyên.
Năng lực khoa học và trình độ công nghệ đạt mức
tiên tiến quốc gia. Một số lĩnh vực, chuyên ngành (y tế, du lịch, cảng biển,
bảo tồn, CNTT...) đạt mức tiên tiến khu vực ASEAN. Huế trở thành trung tâm đào
tạo chất lượng cao có uy tín trong khu vực, thu hút được sinh viên nước ngoài,
bằng tốt nghiệp do Đại học Huế cấp được các quốc gia trong khu vực ASEAN công
nhận; có thể trao đổi sinh viên và giảng viên đại học với các nước trong khu
vực; có các phòng thí nghiệm được công nhận ở cấp ASEAN.
Tỷ lệ nhân lực KHCN trên dân số đến năm 2020 đạt
2%, trong đó nhân lực trình độ cao (có bằng thạc sĩ trở lên) chiếm 10%; có cơ
cấu trình độ, chuyên môn phù hợp với các hướng KHCN ưu tiên và nhu cầu phát
triển kinh tế - xã hội của thời kỳ mới.
Tốc độ đổi mới công nghệ (tiên tiến và thích
hợp) của các tổ chức kinh tế trên địa bàn đạt 25%/năm. Các dịch vụ KHCN đóng
góp khoảng 20% nguồn thu của toàn ngành dịch vụ của tỉnh.
Chi cho hoạt động KHCN từ ngân sách nhà nước địa
phương đạt 3% tổng mức chi ngân sách vào năm 2020 (khoảng 0,75% GDP), tương
đương với mức chi cho KHCN của các nước phát triển vào thời điểm năm 2005.
4. Các nhiệm vụ trọng tâm của KHCN Thừa Thiên
Huế đến 2010
4.1 Bốn chương trình nghiên cứu triển khai
ưu tiên
Chương trình 1: Nghiên cứu
KHXHNV phục vụ kinh tế - xã hội, gọi tắt là chương trình nghiên cứu KHXHNV.
Mục tiêu của chương trình là tạo lập các luận cứ
khoa học, đề xuất các chính sách, mô hình, giải pháp về kinh tế, văn hoá, xã
hội và KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Tập trung nội dung nghiên cứu vào các vấn đề về
quản lý kinh tế, về các vấn đề văn hoá, xã hội đặc thù của tỉnh, nhằm bảo tồn
và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể Huế; nghiên cứu các
chính sách, xây dựng các mô hình, đề xuất các giải pháp huy động và phát huy
các nguồn lực, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho
các ngành, các địa phương và toàn tỉnh.
Xây dựng mô hình thành phố Festival quốc gia tại
Huế để phát huy thế mạnh đô thị Huế có hai di sản thế giới được UNESCO công
nhận.
Chương trình 2: Điều tra cơ bản
phục vụ hoạch định chính sách và xây dựng các dự án đầu tư phát triển, bảo vệ
môi trường, phòng chống thiên tai, gọi tắt là chương trình điều tra cơ bản.
Mục tiêu của
chương trình là cung cấp các luận cứ khoa học về các nguồn lực tự nhiên của
tỉnh, của các địa phương để có kế hoạch sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững.
Nội dung của chương trình tập trung vào ứng dụng
công nghệ và kỹ thuật cao, như công nghệ viễn thám, công nghệ GIS,… để nghiên
cứu, đánh giá các loại tài nguyên thiên nhiên, quan trắc và dự báo tai biến, sự
cố môi trường,… đặc biệt quan tâm đến vùng đầm phá, ven biển. Xây dựng bộ cơ sở
dữ liệu (CSDL) về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường và xã
hội phục vụ công tác quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã
hội. Đến năm 2010, hoàn thành việc xây dựng các CSDL GIS dùng chung về các điều
kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường và kinh tế - xã hội của tỉnh
và tất cả các ngành, các địa phương (huyện, thành phố Huế) đưa các CSDL GIS này
vào ứng dụng một cách có hiệu quả.
Chương trình 3: Nghiên cứu và ứng
dụng KHCN y dược, góp phần xây dựng Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả
nước và khu vực ASEAN, gọi tắt là chương trình KHCN y dược.
Mục tiêu của chương trình là góp phần tạo điều
kiện để KHCN y dược trở thành yếu tố quan trọng để Huế trở thành trung tâm y tế
chuyên sâu của cả nước và khu vực.
Nội dung nghiên cứu của chương trình tập trung
vào các công trình nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu phục hồi và phát huy giá trị
các phương pháp y học dân tộc, đặc biệt là các phương pháp ngự y, tiếp thu, làm
chủ và cải tiến các công nghệ khám, chữa bệnh hiện đại; triển khai các chương
trình y học dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…; nghiên cứu sản xuất các dược
phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tận dụng được các nguyên liệu trong nước và của
địa phương.
Chương trình 4: Nghiên cứu, ươm
tạo và phát triển một số công nghệ mang thương hiệu Huế, gọi tắt là chương
trình ươm tạo công nghệ.
Mục tiêu của chương trình là sáng tạo được những
công nghệ cao hoặc thích hợp tại chỗ, phục vụ các ngành sản xuất hoặc dịch vụ.
Từ các công nghệ này sẽ có các sản phẩm mới có chất lượng, có giá trị gia tăng
cao, cạnh tranh được trên thị trường.
Căn cứ vào năng lực và nhu cầu thực tiễn để đầu
tư cho các ý tưởng sáng tạo, cho toàn bộ hoặc một số khâu trong quy trình từ
nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, ươm tạo và phát triển công nghệ đến thử nghiệm,
triển khai sản xuất, xâm nhập thị trường các sản phẩm. Ưu tiên cho các sản phẩm
công nghệ cao như CNTT, công nghệ sinh học, vật liệu mới…; đồng thời khuyến
khích các sản phẩm phục vụ đời sống và sản xuất như các công cụ sản xuất, chế
biến nông sản, công nghệ sản xuất hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch, công
nghệ xử lý chất thải, cải thiện môi trường, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng,
sử dụng năng lượng sạch…
4.2 Tạo lập thị trường dịch vụ KHCN
Các nội dung chính của nhiệm vụ này là:
Phòng trưng bày (showroom) công nghệ
và chợ công nghệ ảo: thành lập và đưa vào hoạt động Phòng trưng bày
(showroom) công nghệ làm điểm giới thiệu công nghệ mới, công nghệ cần thiết cho
các ngành kinh tế - xã hội của địa phương của các tổ chức KHCN địa phương và
trung ương, trong và ngoài nước.
Văn phòng Thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ
thuật trong thương mại (TBT): đưa Văn phòng TBT vào hoạt động ở địa phương,
phù hợp với các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.
Trung tâm Kỹ thuật Đo lường - Chất lượng:
thành lập Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Chất lượng làm nhiệm vụ kiểm định các
phương tiện đo, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá, kiểm định hàng hoá
xuất nhập khẩu.
Hỗ trợ các tổ chức tư vấn KHCN: hỗ trợ
việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn, môi giới, dịch vụ chuyển giao
và thẩm định công nghệ, sở hữu trí tuệ (SHTT), an toàn bức xạ, hạt nhân, thông
tin KHCN...thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả tổ chức nước ngoài.
4.3 Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới để nâng
cao trình độ công nghệ
Các nội dung chính của nhiệm vụ này là:
Tổ chức đánh giá trình độ công nghệ: triển
khai đánh giá trình độ và năng lực công nghệ một số doanh nghiệp đại diện cho
các ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh dưới hình thức một nhiệm vụ KHCN cấp nhà
nước, do Bộ KHCN hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật đánh giá, chuyển giao công nghệ
đánh giá và bộ các tiêu chí đánh giá cho các doanh nghiệp để đánh giá định kỳ.
Xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công
nghệ của các ngành, các doanh nghiệp: các ngành và các doanh nghiệp
xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện lộ trình đầu tư đổi mới công nghệ,
tiếp nhận công nghệ tiên tiến hoặc thích hợp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm
đã có, đưa ra các sản phẩm mới, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên
thị trường, chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất
lượng ở các doanh nghiệp: khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng
các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến bằng các hình thức thích
hợp, không vi phạm quy tắc của WTO.
Triển khai thực hiện chương trình phát triển
tài sản SHTT doanh nghiệp: xây dựng và tổ chức triển khai chương
trình phát triển tài sản SHTT trong các doanh nghiệp với sự hỗ trợ của Nhà nước
(Bộ KHCN).
Đẩy mạnh phong
trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở các doanh nghiệp; đồng thời
triển khai các thủ tục quản lý nhà nước về công nhận sáng kiến, cải tiến kỹ
thuật.
4.4 Phát triển nguồn lực KHCN
4.4.1 Phát triển nguồn nhân lực
Nhiệm vụ phát triển nhân lực KHCN là một phần
của đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao do Sở Kế hoạch và Đầu tư
đang chủ trì xây dựng, gồm 3 nội dung chính sau:
Kế hoạch đào tạo 100 tiến sĩ và thạc sĩ ở
nước ngoài: lựa chọn 100 cán bộ, công chức (ưu tiên cho công chức, viên
chức trẻ, dưới 30 tuổi nếu học thạc sĩ, dưới 35 tuổi cho tiến sĩ) trong 10
ngành kinh tế - xã hội ưu tiên của tỉnh, là những người có năng lực (qua kiểm
tra kiến thức và hoạt động thực tiễn hoặc kết quả học tập), có nguyện vọng, có
cam kết trở về phục vụ địa phương để đưa đi đào tạo trên đại học (80 thạc sĩ và
20 tiến sĩ) ở nước ngoài. Những tiêu chuẩn lựa chọn, cách thức tuyển chọn người
đi học phải đảm bảo tính minh bạch và sẽ được cụ thể hoá khi đề án được phê
duyệt.
Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ: Xây dựng và thực
hiện đề án thành lập quỹ hỗ trợ tài năng trẻ nhằm tìm kiếm và cung cấp học bổng
cho các sinh viên có triển vọng đang học ở các ngành mà tỉnh xác định là ưu
tiên, có nguyện vọng về địa phương công tác sau khi tốt nghiệp. Những sinh viên
này sẽ được xét tuyển thẳng vào các đơn vị có nhu cầu theo giới thiệu của tỉnh.
Kế hoạch liên kết đào tạo theo nhu cầu các
ngành và doanh nghiệp: nghiên cứu nhu cầu đào tạo của các ngành, các tổ
chức kinh tế (ít nhất là của một số ngành quan trọng của tỉnh) về số lượng,
chất lượng, trình độ. Nghiên cứu khả năng đào tạo của các tổ chức đào tạo trong
nước và quốc tế (chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, phương thức đào tạo...)
cho các ngành mà địa phương đang cần, đặc biệt là khả năng đào tạo các kỹ năng
thực hành. Tổ chức ký kết các hợp đồng đào tạo giữa hai phía với các phương
thức và sản phẩm khác nhau (đưa người đi học hoặc mở lớp tại địa phương, bằng
cấp chính thức hay chứng chỉ, giấy chứng nhận...). Chi phí cơ bản của đề án sẽ
do các tổ chức kinh tế có nhu cầu phát triển nhân lực đảm bảo.
4.4.2 Phát triển các tổ chức KHCN
Tập trung xây dựng một số tổ chức KHCN và
cơ sở hạ tầng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực cho một số hướng KHCN trọng
điểm. Tích cực xúc tiến và tham gia xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên khu vực
duyên hải miền Trung tại Thừa Thiên Huế theo quy hoạch của Nhà nước.
Thực hiện thoả thuận hợp tác với Viện KHCN Việt
Nam và Viện Khoa học xã hội Việt Nam (sẽ ký trong tương lai) để hình thành các
tổ chức KHCN liên kết. Xây dựng một số tổ chức KHCN trọng điểm, đảm bảo cho các
tổ chức này có đầy đủ những trang thiết bị nghiên cứu, thực nghiệm, thông tin -
tư liệu, đội ngũ cán bộ KHCN đạt trình độ tiên tiến trong cả nước và khu vực.
Xây dựng và đưa vào hoạt động mạng lưới các
phòng thí nghiệm dưới hình thức một tổ chức hội nghề nghiệp nhằm nâng cao khả
năng tiếp cận thị trường dịch vụ KHCN, phát huy hết năng lực trang thiết bị và
con người, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội. Củng cố và tăng
cường phòng thí nghiệm của các doanh nghiệp lớn của trung ương, địa phương và
các doanh nghiệp được chuyển giao công nghệ cao.
4.4.3 Phát triển nguồn lực thông tin KHCN
Khai thác thông tin từ các nguồn khác nhau, đặc
biệt là internet để phát triển nguồn lực thông tin KHCN của địa phương.
Xây dựng hệ CSDL chuyên ngành và tổng hợp, các
CSDL về công nghệ, thị trường, các kết quả nghiên cứu KHCN, các thông tin về
SHTT, số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên và tiềm lực KHCN.
Xây dựng mạng thông tin về thị trường và KHCN
phục vụ doanh nghiệp. Lập và triển khai đề án thiết lập các kênh thông tin
(mạng, ấn phẩm nhiều kỳ, các lớp đào tạo, hội thảo, hội chợ...) về thị trường
và công nghệ dành cho các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các
doanh nghiệp tiếp cận và cập nhật thường xuyên các thông tin về các kết quả
nghiên cứu khoa học, thị trường, công nghệ, tiêu chuẩn, về đối thủ cạnh tranh,
các thông tin về SHTT… Kết nối thông tin giữa đơn vị có công nghệ và đơn vị sản
xuất có nhu cầu tiếp cận công nghệ.
Nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở thông tin KHCN
hiện có, xây dựng và phát triển hệ thống thông tin KHCN của tỉnh liên thông với
quốc gia, khắc phục tình trạng lạc hậu về thông tin hiện nay của tỉnh ta.
Đẩy mạnh phổ biến kiến thức KHCN cho nhân dân,
chú ý vùng nông thôn và 2 huyện miền núi.
4.5 Hoàn thiện tổ chức và đổi mới cơ chế
quản lý KHCN
4.5.1 Hoàn thiện tổ chức về quản lý KHCN
Củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước
từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Hệ thống này bao gồm (1) Sở KHCN - cơ quan đầu mối
về quản lý nhà nước theo luật định, (2) bộ phận quản lý KHCN ở UBND các huyện
(nằm trong phòng Công thương), thành phố Huế (phòng Kinh tế).
4.5.2 Đổi mới cơ chế quản lý KHCN
Xây dựng và thực hiện các chính sách về nhân
lực KHCN: xây dựng các văn bản có tính pháp quy của Ủy ban nhân dân tỉnh
về: (1) Thu hút các cá nhân, các viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín của
nước ngoài liên kết hoặc mở phân viện, phân hiệu hoặc tổ chức các chương trình
đào tạo nhân lực KHCN tại Thừa Thiên Huế; (2) Thu hút Việt kiều về địa phương
tham gia các hoạt động KHCN (thành lập các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ KHCN,
đào tạo...); (3) Tạo động lực vật chất và tinh thần mạnh mẽ cho các cá nhân
hoạt động KHCN, sử dụng hợp lý nhân lực KHCN, trọng dụng và tôn vinh nhân tài
KHCN.
Cơ chế tổ chức và thực hiện nhiệm vụ KHCN:
cơ chế tổ chức và thực hiện nhiệm vụ KHCN phải được đổi mới theo hướng mở rộng
sự tham gia của các nhà khoa học và doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đảm bảo dân
chủ, cạnh tranh, khách quan, công khai và bình đẳng trong việc tuyển chọn tổ
chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN; đổi mới căn bản công tác đánh giá
KHCN, lấy chất lượng và hiệu quả làm tiêu chuẩn, bảo đảm sự tương hợp với chuẩn
mực quốc tế nhằm đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.
Cơ chế quản lý các tổ chức KHCN: thực
hiện các cơ chế quản lý mới đối với các tổ chức KHCN trên cơ sở tách biệt về
quản lý giữa khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp trong hệ thống KHCN theo
hướng dẫn của Bộ KHCN.
Cơ chế quản lý tài chính: xây dựng và
thực hiện cơ chế, chính sách đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KHCN;
khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Thành lập quỹ phát triển
KHCN và quỹ đầu tư mạo hiểm có vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Chỉ đạo chương trình
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chương trình thông
qua các thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các
huyện và thành phố Huế, lãnh đạo Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và các
tổ chức KHCN trung ương đóng trên địa bàn; giao trách nhiệm cho Sở KHCN làm đầu
mối điều phối các hoạt động triển khai thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả
hàng năm và tổ chức tổng kết cuối kỳ.
2. Phân công trách nhiệm thực hiện các nhiệm
vụ
Sở KHCN là cơ quan thường trực của chương trình,
xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình này trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt; chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Sở Tài chính, các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố Huế chịu trách
nhiệm triển khai thực hiện; hướng dẫn các ngành và địa phương xây dựng và tổ
chức thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm phù hợp với điều kiện cụ thể của địa
phương; tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức hội nghị sơ và tổng kết tình hình thực hiện
đề án.
Sở Nội vụ chủ
trì, phối hợp với Sở KHCN, các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố Huế chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện đề án hoàn thiện tổ
chức hệ thống quản lý nhà nước về KHCN trên địa bàn toàn tỉnh; tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh tăng cường biên chế cho hoạt động quản lý nhà nước về KHCN của
các ngành và các địa phương trong tỉnh; thực hiện cải cách hành chính trong
công tác quản lý KHCN; xây dựng các cơ chế, chính sách về tổ chức, nhân lực
KHCN.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở KHCN xác định tỷ lệ ngân sách hàng năm chi cho KHCN trình Hội
đồng nhân dân tỉnh quyết định, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ trong chương
trình này; xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách tài chính và chế độ quản lý
tài chính trong lĩnh vực KHCN để sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho
KHCN.
Các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các đoàn
thể quần chúng cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ của chương trình này trong các lĩnh vực và chức năng, nhiệm vụ
được giao và theo hướng dẫn về chuyên môn của Sở KHCN; tổ chức kiểm tra, tổng
hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở
KHCN; tổ chức hội nghị sơ và tổng kết tình hình thực hiện chương trình của đơn
vị mình.
Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Huế có
trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của chương
trình này trên địa bàn và theo hướng dẫn về chuyên môn của Sở KHCN; tổ chức
kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
thông qua Sở KHCN; tổ chức hội nghị sơ và tổng kết tình hình thực hiện chương
trình trên địa bàn.
Các đơn vị được phân công xây dựng và thực hiện
các đề án/dự án cụ thể (xem Phụ lục 2 và sẽ cụ thể hóa trong kế hoạch thực
hiện) chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện sau khi đề án/dự
án được phê duyệt, báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua
Sở KHCN.
3. Thời gian thực hiện chương trình
Từ 2007 đến hết 2010.
4. Kinh phí thực hiện chương trình
Kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của
chương trình được lấy từ nhiều nguồn. Một mặt phải xã hội hóa mạnh các nguồn
đầu tư, đặc biệt là các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, mặt khác cần
khai thác có hiệu quả các nguồn ngân sách trung ương, từ các chương trình KHCN
cấp nhà nước đến các chương trình/đề tài/dự án của các bộ, ngành. Sử dụng hợp
lý và đúng mục đích các nguồn sự nghiệp KHCN và nguồn xây dựng cơ sở vật chất
cho KHCN của địa phương.
Tổng nhu cầu kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ
của chương trình là 278,54 tỷ đồng, trong đó, từ ngân sách địa phương là 89,40
tỷ đồng, từ ngân sách trung ương (bao gồm cả vốn vay ODA) là 144 tỷ đồng và vốn
huy động từ các doanh nghiệp, cá nhân là 45,14 tỷ đồng.
Các đơn vị được phân công chủ trì thực hiện các
nhiệm vụ/đề án/dự án tiến hành xây dựng kế hoạch/đề cương/đề án/dự án, trình
các cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung và kinh phí trước khi tổ chức thực
hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện và thành phố Huế, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, các cơ
quan trung ương trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.