UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 6123/2002/QĐ-UB
|
Hải Dương, ngày 25
tháng 12 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG VIỆC GIAO ĐẤT VÀ CHO
THUÊ ĐẤT CỦA SỞ ĐỊA CHÍNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi)
ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-TU, ngày
25/4/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy
theo Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII) và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành
chính.
- Theo đề nghị của Ban Tổ chức Chính quyền
tỉnh và Sở Địa chính tại Công văn số 803/CV-ĐC ngày 17/12/2002 về việc đề nghị
phê duyệt đề án cải cách thủ tục hành chính trong việc giao đất, cho thuê đất.
QUYẾT ĐỊNH
Điều I: Phê
duyệt đề án cải cách thủ tục hành chính trong việc giao đất, cho thuê đất của
Sở Địa chính (có đề án kèm theo).
Sở Địa chính có trách nhiệm tổ chức thực hiện
việc giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân theo nội dung đề
án đã được phê duyệt.
Điều II: Các
ông (bà): Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh; Trưởng ban Ban TCCQ tỉnh; Giám đốc
Sở Tài chính – Vật giá, Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá, Giám đốc Sở Địa chính;
Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thành
phố thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
|
T/M UBND TỈNH HẢI
DƯƠNG
CHỦ TỊCH
Nguyễn Trọng Nhưng
|
ĐỀ ÁN
CẢI
CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG VIỆC GIAO ĐẤT VÀ CHO THUÊ ĐẤT CỦA SỞ ĐỊA CHÍNH SỐ
804/ĐA-ĐC
Ngày
17 tháng 12 năm 2002
Căn cứ Quyết định số 2648/QĐ-UB ngày 10/6/2002
của UBND tỉnh Hải Dương về việc chọn một số đơn vị thực hiện thí điểm cải cách
thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa” và Kế hoạch số 437/KH-BCĐ ngày
10/6/2002 của Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh về thực hiện đề án “Đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính 2002 - 2005”.
Sở Địa chính xây dựng đề án cải cách thủ tục
hành chính trong lĩnh vực giao đất và cho thuê đất như sau:
I- THỰC TRẠNG TRONG
LĨNH VỰC GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT:
1- Hồ sơ, trình tự, thủ tục:
* Hồ sơ xin giao đất để xây dựng cơ bản của
các tổ chức:
1- Đơn xin giao đất (có chữ ký của chủ tịch
đầu tư, UBND cấp xã, UBND cấp huyện).
2- Dự án đầu tư hoặc luận chứng kinh tế kỹ
thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3- Quy hoạch mặt bằng có chữ ký của chủ đầu tư,
UBND cấp xã, UBND cấp huyện và thẩm định của Sở Xây dựng được UBND tỉnh duyệt.
4- Bản đồ địa chính khu đất (trích lục, hoặc
trích đo): có chữ ký người (đơn vị) đo vẽ; cán bộ địa chính và UBND cấp xã; cán
bộ địa chính cấp huyện; cán bộ kiểm tra kỹ thuật và lãnh đạo Sở Địa chính.
5- Phương án đền bù (dự kiến): Chủ đầu tư
cùng chính quyền địa phương họp với người có đất bị thu hồi thực hiện dự án để
xác định diện tích đất của từng hộ và dự kiến phương thức bồi thường (lập thành
văn bản lưu kèm hồ sơ xin giao đất).
6- Quyết định thành lập tổ chức xin giao đất.
(ở những vị trí khu đất có liên quan đến các
công trình như: Đê điều, đường điện, đường ống xăng dầu... thì phải có ý kiến
của cơ quan quản lý có liên quan).
* Hồ sơ xin thuê đất của tổ chức, cá nhân
trong nước:
Tương tự như hồ sơ xin giao đất để xây dựng
cơ bản của các tổ chức trong nước.
Ngoài ra chủ đầu tư còn phải làm đơn xin cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện,
thành phố để được xét cấp giấy chứng nhận.
* Hồ sơ xin thuê đất của tổ chức nước ngoài:
1- Đơn xin giao đất (có chữ ký của chủ đầu tư,
UBND cấp xã, UBND cấp huyện).
2- Giấy phép đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư
hoặc UBND tỉnh cấp.
3- Bản đồ địa chính khu đất trích lục hoặc
trích đo như mẫu của tổ chức xin giao đất để xây dựng cơ bản.
* Hồ sơ xin giao đất để làm nhà ở:
1- Tờ trình xin chuyển mục đích để làm đất ở
của UBND cấp xã.
2- Tờ trình xin chuyển mục đích để làm đất ở
của UBND thành phố.
3- Bản đồ địa chính khu đất (có chữ ký của
cán bộ Địa chính và UBND cấp xã, phòng Quản lý đô thị thành phố).
4- Quy hoạch chi tiết đã được Sở Xây dựng
thẩm định.
Việc giao đất để làm nhà ở tại đô thị chủ yếu
thực hiện theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất trừ trường hợp giao đất
bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc giao đất cho đối tượng chính sách thì mới
lập danh sách các hộ xin giao đất kèm theo hồ sơ.
2- Đánh giá chung
Trong những năm qua công chức của ngành Địa
chính đã nỗ lực giải quyết các công việc liên quan đến lĩnh vực giao đất, cho
thuê đất và về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của các chủ đầu tư.
Tuy nhiên với những thủ tục hành chính quy
định như trên và với cách làm hiện tại thì chủ đầu tư thông thường phải làm
việc với tất cả các cấp chính quyền, ngay 1 cấp chính quyền cũng phải qua nhiều
người, nhiều lĩnh vực chuyên môn:
Địa chính, Văn phòng, Kế hoạch Đầu tư, Xây
dựng, Tài chính – Vật giá; nhiều ngành, nhiều cấp tham gia thẩm định kiểm tra,
thời gian để thực hiện 1 dự án đầu tư kéo dài, có những dự án tới hàng năm và
do không xác định rõ thời hạn giải quyết công việc ở mỗi cấp mỗi ngành nên chủ
đầu tư thường bị động trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện đầu tư. (Trừ việc
xin giao đất cho dân làm nhà ở).
Công khai, tuyên truyền thủ tục hồ sơ, bước
đi, cách thức chưa được sâu rộng; Phân công, phân nhiệm có việc chưa cụ thể,
còn đan xen chồng chéo, khó quy trách nhiệm.
Riêng thủ tục cho tổ chức nước ngoài thuê đất
có giản tiện hơn. Song vì chưa lập được quy hoạch chi tiết trước khi ra quyết
định thu hồi đất nên khi thực hiện giao đất có nơi không phù hợp với quy hoạch
chung của khu vực gây ảnh hưởng đến sử dụng đất của các khu đất còn lại.
Các nguyên nhân chính của tồn tại trên:
+ Nguyên nhân khách quan:
Các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, rõ ràng,
nhất là về chính sách hỗ trợ, bồi thường đối với người bị thu hồi đất và hỗ trợ
ngân sách địa phương nơi có đất bị thu hồi.
Ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng
đất bị thu hồi đất, kể cả cán bộ cơ sở ở một số nơi chưa nghiêm túc.
Số lượng cán bộ ngành Địa chính và trang
thiết bị phục vụ công tác chưa đáp ứng được yêu cầu.
+ Nguyên nhân chủ quan:
Tính chủ động giải quyết công việc, sự phân
công, xây dựng chương trình kế hoạch công tác của ngành, của cơ quan sở có lúc,
có việc chưa hợp lý và chưa khoa học.
II- PHƯƠNG ÁN CẢI
CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH.
1- Cơ sở pháp lý để thực hiện đề án:
a) Văn bản của Trung ương:
- Luật Đất đai ngày 14/7/1993, Luật sửa đổi
bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 02/12/1998 và Luật sửa đổi bổ sung
một số điều của Luật Đất đai ngày 29/6/2001.
- Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11/2/2000
về thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Nghị định số 66/2001/NĐ-CP
ngày 28/9/2001 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2000/NĐ-CP.
- Chỉ thị 245-TTg ngày 22/4/1996 của Thủ tướng
Chính phủ về tổ chức thực hiện một số việc cấp bách trong quản lý, sử dụng đất
của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
- Thông tư số 2074/2001/TT-TCĐC ngày 14/12/2001
của Tổng cục Địa chính hướng dẫn trình tự lập, xét duyệt hồ sơ xin giao đất,
thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình cá nhân trong nước.
- Thông tư số 679/TT-ĐC ngày 12/5/1997 của
Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư nước
ngoài tại Việt Nam.
b) Văn bản của tỉnh:
- Quyết định số 1892/QĐ-UB ngày 16/10/1994
của UBND tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương) ban hành bản quy định về việc thực
hiện Luật Đất đai năm 1993 trong toàn tỉnh.
- Quy định về thủ tục hồ sơ giao đất, thu hồi
đất, cho thuê đất của Sở Địa chính (số 235/QĐ-ĐC ngày 06/4/1999).
- Quyết định tạm thời số 745/2002/QĐ-UB ngày
25/3/2002 của UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về trình tự chấp thuận dự án
đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
2- Phạm vi áp dụng của đề án:
Quy định các thủ tục hồ sơ trong giao đất,
cho thuê đất thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai và Nghị
định 66/2001/NĐ-CP ngày 28/9/2001 của Chính phủ về: Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định 04/2000/NĐ-CP ngày 11/02/2000 của Chính phủ.
3- Trình tự lập, xét duyệt hồ sơ xin giao
đất, thuê đất đối với tổ chức, cá nhân trong nước: (thuộc thẩm quyền
quyết định của UBND tỉnh).
a) Trình tự lập, xét duyệt hồ sơ giao đất để
làm nhà ở của hộ gia đình cá nhân nội thành, nội thị.
- Hộ gia đình cá nhân có nhu cầu sử dụng đất
làm nhà ở nộp đơn xin giao đất (02 bản) tại UBND phường nơi có đất (mẫu số 1a).
- UBND phường căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất đã được xét duyệt lập hồ sơ trình UBND thành phố xét duyệt; Hồ sơ
gồm có:
+ Tờ trình của UBND phường về việc giao đất.
+ Danh sách kèm theo đơn xin giao đất làm nhà
ở của hộ gia đình. (Trường hợp xin đấu giá quyền sử dụng đất thì chưa có danh
sách).
+ Trích lục bản đồ địa chính (mẫu 2a), hoặc
trích đo (mẫu 2b).
+ Quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền
phê duyệt. Hồ sơ lập thành 2 bộ gửi phòng Quản lý đô thị thành phố.
- Trong thời gian không quá 20 ngày làm việc
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ phòng Quản lý đô thị thành phố Hải Dương hoàn
tất việc thẩm định hồ sơ, xác minh thực địa, lập biên bản thẩm định (mẫu số 3)
trình UBND thành phố.
UBND thành phố lập tờ trình gửi hồ sơ (1 bộ)
đến Sở Địa chính.
- Hồ sơ được giao nhận tại nơi tiếp nhận hồ
sơ của Sở Địa chính. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
hợp lệ, phòng Đăng ký thống kê hoàn tất việc thẩm định (kể cả việc phối hợp với
các phòng ban của sở và các đơn vị khác có liên quan), lập tờ trình của Sở
trình UBND tỉnh quyết định.
Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Sở Địa chính
nhận quyết định từ UBND tỉnh và giao cho Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố
Hải Dương (có ký nhận vào giao nhận quyết định), Trưởng phòng Quản lý đô thị
báo cáo UBND thành phố để tổ chức triển khai thực hiện. Sau khi các hộ hoàn
thành nghĩa vụ tài chính theo quy định phòng Quản lý đô thị thành phố Hải Dương
giao giao đất tại thực địa cho từng hộ và trình UBND thành phố cấp GCNQSD đất
cho các hộ.
(Thời gian không quá 20 ngày làm việc).
b) Trình tự lập, xét duyệt hồ sơ xin giao đất
cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. (Giao đất không thu tiền sử dụng
đất).
- Hồ sơ gồm có:
+ Đơn xin giao đất (mẫu 1c): Có chữ ký của chủ
đầu tư, UBND cấp xã, UBND cấp huyện. (Thời gian xem xét giải quyết ở mỗi cấp
không quá 10 ngày làm việc).
+ Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê
duyệt.
+ Quy hoạch mặt bằng được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
+ Trích lục bản đồ địa chính theo Mẫu 2a hoặc
trích đo bản đồ địa chính khu đất (mẫu 2b). Có chữ ký của người đo, vẽ, UBND
cấp xã và Sở Địa chính.
- Trình tự xét duyệt:
+ Hồ sơ được nộp tại nơi tiếp nhận hồ sơ của
Sở Địa chính.
+ Trong thời hạn 20 ngày làm việc (kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ hợp lệ), Sở Địa chính hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, xác minh thực
địa lập tờ trình trình UBND tỉnh quyết định.
+ Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Sở Địa
chính nhận quyết định về và giao cho chủ đầu tư (quyết định gửi các cơ quan
liên quan do Văn phòng UBND tỉnh gửi); Nhận được quyết định Sở Tài chính – Vật
giá hướng dẫn chủ đầu tư và chính quyền địa phương lập phương án bồi thường cho
người bị thu hồi đất xong
Sở Địa chính chủ trì cùng phòng Địa chính cấp
huyện, UBND cấp xã giao đất cho chủ đầu tư và trình UBND tỉnh cấp GCNQSD đất
cho tổ chức.
c) Trình tự lập, xét duyệt hồ sơ các tổ chức
trong nước và cá nhân ở nội thành xin thuê đất.
Các tổ chức trong nước xin thuê đất thực hiện
theo Quyết định số 745/QĐ-UB ngày 25/3/2002 của UBND tỉnh ban hành quy định tạm
thời về trình tự chấp thuận các dự án đầu tư trong nước:
- Các nhu cầu xin thuê đất nộp hồ sơ tại Sở
Kế hoạch và Đầu tư. Sở kế hoạch và Đầu tư thẩm định dự án trình UBND tỉnh.
Trong quá trình thẩm định dự án khả thi Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất về địa
điểm với Sở Địa chính, Sở Xây dựng, chủ đầu tư và chính quyền địa phương.
- Sau khi có chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh,
chủ đầu tư chuyển giao hồ sơ đến Sở Địa chính (bộ phận tiếp nhận hồ sơ). Hồ sơ
gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản
sao).
+ Dự án đầu tư được cấp cso thẩm quyền phê
duyệt (hoặc chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh).
- Sở Địa chính chủ trì trích lục bản đồ địa
chính hoặc trích đo (mẫu 2a, 2b) và hướng dẫn chủ dự án viết đơn xin thuê đất
(mẫu 1d).
- Trong thời gian này Sở Xây dựng tiến hành
thẩm định quy hoạch mặt bằng chi tiết theo quy định.
- Trong thời gian 20 ngày làm việc kể từ ngày
nhận hồ sơ Sở Địa chính kiểm tra xác minh và lập tờ trình, trình UBND tỉnh
quyết định.
Khi có quyết định của UBND tỉnh, Sở Địa chính
nhận về và giao cho chủ đầu tư (quyết định gửi các cơ quan liên quan do Văn
phòng UBND tỉnh gửi); nhận được quyết định Sở Tài chính – Vật giá hướng dẫn
UBND huyện, thành phố thành lập ban giải phóng mặt bằng bồi thường thiệt hại
cho chủ sử dụng đất bị thu hồi.
Sau khi hoàn tất các việc về tài chính, Sở
Địa chính chủ trì cùng phòng Địa chính huyện và UBND cấp xã giao đất cho chủ
đầu tư, ký hợp đồng thuê đất, (trên cơ sở quyết định phê duyệt giá cho thuê đất
của UBND tỉnh) và trình UBND tỉnh cấp GCNQSD đất cho chủ dự án.
d) Trình tự lập, xét duyệt hồ sơ xin giao
đất, cho thuê đất của các tổ chức; cá nhân ở nội thành phố để xây dựng cơ bản,
sản xuất kinh doanh. (Trong trường hợp khu đất xin giao, thuê hiện đã có tổ
chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý sử dụng).
- Hồ sơ gồm có:
+ Đơn xin giao đất (mẫu số 1b) hoặc đơn xin
thuê đất (mẫu số 1dd).
+ Giấy phép đầu tư hoặc dự án đầu tư được cấp
có thẩm quyền phê duyệt hay chấp thuận.
+ Các văn bản pháp lý liên quan đến quyền sử
dụng đất của khu đất xin giao, thuê.
+ Văn bản thống nhất ý kiến của đơn vị đang
sử dụng đất về việc chuyển giao quyền sử dụng đất hoặc xác nhận là không còn
nhu cầu sử dụng.
+ Bản đồ địa chính khu đất hoặc GCNQSD đất
của đơn vị đang sử dụng phù hợp với hiện trạng sử dụng đất được Sở Địa chính
kiểm tra xác nhận (trường hợp không còn bản đồ hay giấy chứng nhận thì Sở Địa
chính chủ trì đo vẽ lập lại bản đồ địa chính khu đất theo quy định) (mẫu số
2bb).
- Trình tự xét duyệt:
+ Sau khi được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép
đầu tư hoặc dự án được duyệt, được chấp thuận, chủ đầu tư liên hệ trực tiếp với
Sở Địa chính (qua bộ phận tiếp nhận hồ sơ) để được hướng dẫn thủ tục.
+ Trong thời gian 20 ngày làm việc kể từ ngày
tiếp nhận hồ sơ Sở Địa chính kiểm tra xác minh và lập tờ trình trình UBND tỉnh
quyêt định (chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn tất đơn xin giao, thuê đất theo mẫu
quy định).
- Sau khi có quyết định của UBND tỉnh các bước
thực hiện quyết định như đã nêu trong mục b, c ở trên. Riêng việc giao đất thực
địa theo quy định như sau:
Khi chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài
chính thì Sở Địa chính chủ trì cùng phòng địa chính cấp huyện, đơn vị bị thu
hồi đất và đơn vị được giao, thuê đất tiến hành bàn giao đất trên thực địa (có
mời UBND cấp xã dự chứng kiến).
e) Trình tự lập, xét duyệt hồ sơ đối với các
tổ chức cá nhân nước ngoài xin thuê đất:
- Các nhu cầu xin thuê đất được gửi đến Sở Kế
hoạch và Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định dự án trình UBND tỉnh quyết
định cấp giấy phép đầu tư.
- Sau khi có giấy phép đầu tư, Sở Kế hoạch và
Đầu tư trao đổi ý kiến với địa phương, các sở ngành liên quan và chuyển hồ sơ
đến Sở Địa chính. Hồ sơ gồm:
+ Giấy phép đầu tư.
+ Các văn bản khác có liên quan (văn bản chỉ
đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh).
- Trong 20 ngày làm việc (kể từ ngày nhận hồ sơ),
Sở Địa chính chủ trì trích lục (hoặc trích đo) bản đồ địa chính theo mẫu 2aa,
2b tổng hợp diện tích các loại đất. Hướng dẫn chủ đầu tư lập đơn xin thuê đất
(mẫu 1d) thẩm tra hồ sơ, trình UBND tỉnh quyết định.
- Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Sở Tài
chính Vật giá hướng dẫn UBND huyện, thành phố thành lập Ban giải phóng mặt bằng
bồi thường thiệt hại cho chủ sử dụng đất bị thu hồi. Khi các việc về tài chính
đã hoàn thành, Sở Địa chính chủ trì giao đất, ký hợp đồng thuê đất và trình
UBND tỉnh cấp GCBQSD đất cho chủ dự án.
(Riêng các dự án đầu tư vào khu công nghiệp:
Khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về các khu công nghiệp và ban quản lý
khu công nghiệp, các dự án đầu tư vào khu công nghiệp theo các quy định của ban
quản lý khu công nghiệp).
4- Sơ đồ và thời gian thực hiện quy trình
giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất.
SƠ ĐỒ THỰC HIỆN NHƯ
SAU:
5- Đánh giá ưu điểm khi thực hiện đề án:
Thực hiện tốt đề án cải cách thủ tục hành
chính trong giao đất, cho thuê đất sẽ khắc phục cơ bản các tồn tại như đã nêu ở
phần thực trạng đó là:
- Về thủ tục hồ sơ: Đã loại bỏ bớt một số văn
bản trùng lặp hoặc chưa nhất thiết phải có khi lập hồ sơ ban đầu, do vậy thủ
tục hồ sơ đã đơn giản và rõ ràng hơn trước đây như:
+ Trong hồ sơ giao đất cho các cơ quan Nhà nước,
tổ chức xã hội:
• Bỏ văn bản dự kiến phương án bồi thường cho
người bị thu hồi đất.
• Lược bỏ chữ ký của cán bộ Địa chính cấp xã
trong bản đồ địa chính.
+ Hồ sơ thuê đất của tổ chức trong nước và cá
nhân ở nội thành:
• Ngoài việc bỏ văn bản dự kiến phương án bồi
thường, lược bỏ chữ ký của cán bộ Địa chính cấp xã ở bản đồ địa chính còn: Bỏ
đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa nhất thiết phải có ngay
bản vẽ quy hoạch mặt bằng.
+ Hồ sơ giao đất, cho thuê đất (trong trường
hợp khu đất đã có tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang sử dụng):
• Lược bỏ chữ ký của UBND cấp xã trong đơn
xin giao đất.
• Không nhất thiết phải lập lại bản đồ địa
chính khu đất (khi bản đồ còn phù hợp với hiện trạng đất đai).
- Về thời gian giải quyết công việc: Đã rút ngắn
hơn so với trước (từ 15 –20 ngày) và xác định được rõ thời hạn giải quyết công
việc ở mỗi cấp, mỗi bộ phận.
- Trên cơ sở thủ tục hồ sơ đã được đơn giản,
rõ ràng, thời hạn giải quyết công việc được xác định cụ thể (đạt được yêu cầu
“rõ việc, rõ người, rõ thời gian”) sẽ khắc phục được tình trạng phiền hà, sách nhiễu
và nâng cao trách nhiệm của công chức trong thực thi nhiệm vụ đồng thời tạo
điều kiện cho chủ đầu tư chủ động trong xây dựng kế hoạch đầu tư.
6- Lệ phí địa chính:
Sở Địa chính trực tiếp thu các khoản (theo
văn bản số 3763/TC-TCT ngày 18/4/2002 của Bộ Tài chính về việc thu lệ phí địa
chính).
- Cấp giấy chứng nhận cho tổ chức: 100.000
đồng/giấy.
- Chứng nhận đăng ký biến động về đất đai đối
với tổ chức: 20.000 đồng/lần.
- Trích lục hồ sơ địa chính: 5000 đồng/văn
bản hoặc thửa đất.
Trường hợp trích đo vản đồ thì chủ đầu tư
phải hợp đồng kinh tế với đơn vị có tư cách pháp nhân, có giấy phép hành nghề,
tuân theo quy trình, quy phạm và đơn giá do Tổng cục Địa chính quy định.
Đề nghị cho Sở Địa chính được sử dụng toàn bộ
số kinh phí này để chi cho việc bổ sung văn phòng phẩm, in ấn hồ sơ, biểu mẫu,
mua sắm vật tư chuyên dùng và phụ cấp cho công chức tham gia giải quyết công
việc ngoài giờ để đảm bảo tiến độ công việc.
III- TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
* Theo kế hoạch 437/KH-BCĐ ngày 10/6/2002 của
Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, các sở có bộ phận “tiếp nhận và trả hồ
sơ” thuộc phòng Hành chính Tổng hợp, có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển hồ sơ
đến phòng chuyên môn chịu trách nhiệm chính của sở nghiên cứu xử lý.
- Trong điều kiện hiện tại số cán bộ chưa đủ,
phòng làm việc thiếu, trang thiết bị chưa có, Sở Địa chính giao cho phòng Đăng
ký thống kê bố trí một phòng làm việc được sắp xếp và trang bị một số phương
tiện làm việc; công khai quy định các loại tài liệu phải có trong từng loại hồ
sơ, phân công cán bộ có trách nhiệm, trực tiếp nhận và trả hồ sơ cho các tổ chứ
và hộ gia đình, xử lý các mối quan hệ trong công việc.
- Cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ phải am
hiểu về luật pháp, các quy định của địa phương trong từng lĩnh vực, kiểm tra
lại từng văn bản trong hồ sơ, đối chiếu với các quy định. Nếu hồ sơ đầy đủ các
thủ tục thì vào sổ nhận hồ sơ, người giao hồ sơ ký vào sổ giao nhận và người
nhận hồ sơ cấp lại cho người giao hồ sơ: “Phiếu nhận hồ sơ” (ghi rõ họ tên,
ngày giờ, tên từng loại văn bản trong hồ sơ đã nhận, hẹn ngày trả hồ sơ). Chỉ
có cán bộ được phân công mới được hướng dẫn, tiếp nhận và trả hồ sơ.
- Sau khi đã nhận đủ hồ sơ, trưởng phòng Đăng
ký thống kê trực tiếp chỉ đạo việc giải quyết. Các công việc trong nội bộ phòng
thì phân công cán bộ giải quyết (giao rõ nội dung và thời gian hoàn thành), các
công việc liên quan đến các phòng ban khác hoặc phòng Địa chính huyện, phòng
Quản lý đô thị thành phố thì lãnh đạo phòng trực tiếp hoặc phân công cán bộ giải
quyết theo từng nội dung và quy định rõ thời gian hoàn thành; việc liên quan
đến thủ trưởng các ngành, lãnh đạo các huyện thì báo cáo lãnh đạo sở giải
quyết.
Trưởng phòng Đăng ký thống kê chịu trách
nhiệm hoàn tất các tài liệu theo quy định của từng loại hồ sơ, ký văn bản thẩm
định về số lượng, chất lượng hồ sơ (được lưu cùng hồ sơ), lập tờ trình trình
lãnh đạo sở ký duyệt trình UBND tỉnh (tờ trình có ký tắt của Trưởng phòng).
- Các quy định được thông báo công khai tại
phòng tiếp nhận hồ sơ của Sở.
* Các điều kiện thực hiện đề án:
- Về cán bộ:
Phải bố trí cán bộ công chức đủ trình độ,
năng lực, nghiệp vụ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, am hiểu công việc, thông
thạo kỹ năng hành chính, thái độ ân cần, tận tình khi tiếp xúc giải quyết các
công việc để trực tiếp làm việc với các phòng, ban, các ngành, các huyện trong
việc thẩm định hồ sơ, xác minh thực địa, chủ trì trích đo hoặc trích lục bản đồ
địa chính. (Các công việc này trước đây không phải do Sở làm...). Trước mắt Sở
tự bố trí sắp xếp trong đội ngũ cán bộ hiện có.
Về lâu dài đề nghị UBND tỉnh cho thêm 2 cán
bộ có trình độ đại học được biên chế bổ sung vào năm 2003.
- Các điều kiện khác:
+ Cơ sở vật chất:
Sở bố trí một phòng làm việc để tiếp nhận và
trả hồ sơ, phương tiện cần có để làm việc gồm:
+ 1 máy photocopy: 30.555.000 đ
+ 1 máy vi tính (gồm cả máy in và bàn ghế đi
theo máy): 20.000.000 đ.
+ 2 bàn làm việc của 2 cán bộ: 2.200.000 đ
+ 1 bộ xa lông: 2.000.000 đ
+ 1 tủ đựng tài liệu: 1.600.000 đ
+ 1 quạt trần điện cơ: 300.000 đ
+ 1 máy điện thoại: 1.200.000 đ
+ 1 siêu điện + phích nước, ấm chén: 250.000
đ
+ 1 đồng hồ treo tường: 100.000 đ
+ Sửa chữa và nội thất lại phòng làm việc như
vôi ve, điện thắp sáng dự kiến khoảng: 500.000 đ.
Số tiền dự kiến trang bị cho 1 phòng như đã
nêu trên là: 58.705.000 đ
+ Kinh phí:
In ấn mẫu hồ sơ, túi đựng hồ sơ, kẻ vẽ biểu
bảng công khai thủ tục hồ sơ: 3.000.000 đ.
+ Kinh phí cho đi học tập kinh nghiệm theo sự
hướng dẫn của Tổng cục Địa chính tại Sở Địa chính tỉnh Quảng Bình và Sở Địa
chính nhà đất thành phố Đà Nẵng là 2 tỉnh làm tốt các thủ tục hành chính trong
ngành hiện nay, dự kiến 6.000.000 đ.
Tổng kinh phí cho việc cải cách thủ tục hành
chính của Sở Địa chính năm 2002là: 67.705.000 đ. (Sáu bảy triệu bảy trăm lẻ năm
ngàn đồng chẵn)
Sở Địa chính kính đề nghị UBND tỉnh, Ban chỉ
đạo cải cách hành chính của tỉnh xét phê duyệt.
|
SỞ ĐỊA CHÍNH HẢI
DƯƠNG
GIÁM ĐỐC
Nguyễn Tá Dước
|