Quyết định 61/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 61/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/11/2011
Ngày có hiệu lực 18/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Xuân Hoà
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 61/2011/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 08 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ-TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khoá XII về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận tại Tờ trình số 63/TTr-SNNPTNT ngày 06 tháng 6 năm 2011 và Báo cáo kết quả thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 1202/BC-STP ngày 26 tháng 10 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 tỉnh Ninh Thuận (kèm theo Đề án), với các nội dung cụ thể như sau:

1. Quan điểm, mục tiêu xây dựng đề án nông thôn mới đến năm 2020:

a) Quan điểm:

- Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Nông dân là chủ thể trong quá trình phát triển và xây dựng nông thôn mới gắn với kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, các cơ sở dịch vụ và làng nghề; xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo phương châm dựa vào nội lực của công đồng dân cư đồng thời bảo đảm nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ”.

- Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển nông thôn mới. Trong quá trình phát triển, kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh quốc phòng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đa dạng và bền vững kết hợp phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống;

b) Mục tiêu chung: xây dựng nông thôn mới Ninh Thuận có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa;

c) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2015, xây dựng 23% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

+ Quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Đến năm 2011, cơ bản hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh.

+ Về hạ tầng kinh tế - xã hội:

- Đến 2015: có 11 xã (bằng 23%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 47/47 xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bêtông hoá; có 17 xã đường liên thôn được cứng hoá, ngõ xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa, đường trục chính nội đồng được cứng hoá; có 21 xã có hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu và kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá; có 21 xã các công trình phục vụ việc chuẩn hoá giáo dục đạt chuẩn; có 14 xã có nhà văn hoá, khu thể thao của thôn, xã đạt chuẩn; có 33 xã có các công trình y tế được chuẩn hoá, có 47 xã đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, có 31 xã hoàn chỉnh hoàn chỉnh trụ sở xã và các công trình phụ trợ, xoá 2.946 căn nhà tạm và dột nát.

- Đến 2020: có thêm 13 xã (bằng 27,6%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, để đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 33 xã đường liên thôn được cứng hoá, ngõ xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa, đường trục chính nội đồng được cứng hoá; có 36 xã có hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu và kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá; có 36 xã các công trình phục vụ việc chuẩn hoá giáo dục đạt chuẩn; có 35 xã có nhà văn hoá, khu thể thao của thôn, xã đạt chuẩn; có 42 xã có các công trình y tế được chuẩn hoá, có 40 xã hoàn chỉnh hoàn chỉnh trụ sở xã và các công trình phụ trợ; chợ nông thôn được nâng cấp, xây dựng chuẩn hoá theo quy định.

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ