Quyết định 61/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 61/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 07/05/2007
Ngày có hiệu lực 10/06/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
**********

Số: 61/2007/QĐ-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*****************

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2007

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HOÁ DƯỢC ĐẾN NĂM 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 207/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam đến năm 2010 (có tính đến năm 2020);
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Nghiên cứu tạo ra những công nghệ có chất lượng cao ở trong nước, kết hợp với nhập khẩu, làm chủ và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để sản xuất nguyên liệu hoá dược phục vụ ngành công nghiệp dược và công nghiệp bào chế thuốc chữa bệnh, tiến tới chủ động sản xuất thuốc ở trong nước;

- Nghiên cứu khai thác và sử dụng có hiệu quả các hoạt chất thiên nhiên chiết tách, tổng hợp hoặc bán tổng hợp được từ các nguồn dược liệu và tài nguyên thiên nhiên quý giá và thế mạnh của nước ta, phục vụ tốt công nghiệp bào chế một số loại thuốc đặc thù của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh trong nước và xuất khẩu;  

- Xây dựng và tăng cường mạnh mẽ tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực hoá dược, phục vụ có hiệu quả cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hợp tác quốc tế, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất trong lĩnh vực này;

- Đưa khoa học và công nghệ về hoá dược của nước ta đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực then chốt đạt trình độ của các nước phát triển trên thế giới;  

- Góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hoá dược để chủ động sản xuất và cung cấp nguyên liệu hoá dược phục vụ phát triển ngành công nghiệp bào chế thuốc trong nước và ngành công nghiệp dược ở Việt Nam.

2. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:

a) Giai đoạn từ nay đến năm 2010:

- Nghiên cứu tạo ra những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất ở trong nước, triển khai sản xuất thử nghiệm sản phẩm hóa dược ở quy mô pilot, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kết hợp với việc nhập, làm chủ và sử dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để sản xuất nguyên liệu hoá dược làm thuốc;

- Sử dụng có hiệu quả năng lực đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật về hoá dược hiện có ở nước ta. Xây dựng tiềm lực, đầu tư chiều sâu để nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của các viện nghiên cứu, trường đại học, hiện đại hoá dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị của hệ thống phòng thí nghiệm trong lĩnh vực hoá dược; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có chất lượng và trình độ cao, mở rộng hợp tác quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hoá dược của đất nước;

- Góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hóa dược ở Việt Nam.

b) Giai đoạn 2011 - 2015:

- Tập trung các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hóa dược của giai đoạn then chốt này;

- Đẩy mạnh việc sản xuất thử sản phẩm, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, sản phẩm mới và ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất để tạo ra những nguyên liệu hóa dược có chất lượng cao phục vụ sản xuất thuốc thiết yếu ở trong nước, góp phần phát triển mạnh ngành công nghiệp hóa dược ở nước ta;

- Tăng cường mạnh mẽ tiềm lực cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực, đưa khoa học công nghệ trong lĩnh vực hoá dược của nước ta đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực then chốt đạt trình độ của các nước phát triển trên thế giới.  

c) Tầm nhìn đến năm 2020:

Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực hóa dược ở nước ta đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, góp phần phát triển ngành công nghiệp hoá dược thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn để sản xuất và cung cấp đủ nguyên liệu làm thuốc thiết yếu, tiến tới chủ động sản xuất thuốc chữa bệnh ở trong nước.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai (R-D) và sản xuất thử sản phẩm ở quy mô pilot (dự án P) phục vụ phát triển ngành công nghiệp hoá dược:

Lĩnh vực 1: Kế thừa và phát huy các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trước đây để sản xuất các hoạt chất thiên nhiên từ thanh hao hoa vàng, hoa hoè, chè xanh, gấc,...Chiết tách, bán tổng hợp một số hoạt chất chính sau đây để làm nguyên liệu sản xuất thuốc:

- Nghiên cứu hoàn thiện và thương mại hoá công nghệ chiết tách artemisinin phục vụ sản xuất thuốc phòng, chống và chữa trị sốt rét, đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước và tham gia xuất khẩu. Quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu thanh hao hoa vàng, kỹ thuật trồng trọt, chăm bón và cung cấp giống mới có năng suất cao;

- Tạo vùng nguyên liệu cây dừa cạn (Catharanthus roseus L.) ở một số vùng cát ven biển thuộc miền Bắc và miền Trung. Nghiên cứu chiết tách vinblastin, vincristin, vindolin và catharanthin từ cây dừa cạn; bán tổng hợp vinblastin từ vindolin và catharanthin để làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư;

- Nghiên cứu hoàn thiện và thương mại hoá công nghệ sản xuất các hoạt chất thiên nhiên có giá trị cao khác như: b-caroten, shikimic axit, polyphenol, troxerutin, palmatin, mangifein,...để sản xuất thuốc trong nước.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ