Quyết định 60/2007/QĐ-UBND Quy định thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2007-2010 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 60/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/12/2007
Ngày có hiệu lực 14/12/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Ngọc Phi
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2007/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 04 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG GIAI ĐOẠN 2007-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương;

Căn cứ Nghị quyết số 08/2007/NQ-HĐND ngày 11/5/2007 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XIV kỳ họp thứ 9 nhiệm kỳ 2004-2009 về chương trình kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2007-2010;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại tờ trình số 94/TTr-SNN&PTNT ngày 02/10/2007, Báo cáo kết quả thẩm định số 83/BC-STP ngày 28/9/2007 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2007-2010 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phi

 

QUY ĐỊNH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG GIAI ĐOẠN 2007-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/2007/QĐ-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thích từ ngữ

Kiên cố hóa kênh mương (KCHKM): là việc nâng cấp kênh đất thay bằng kênh bê tông, bê tông cốt thép, gạch xây, đá xây, xây toàn bộ hoặc một phần mặt cắt kênh để dòng chảy trong kênh được thuận lợi.

Điều 2. Phân loại kênh

1. Phân theo loại kênh:

a) Kênh loại I: Là kênh liên huyện, liên tỉnh có lưu lượng Q>10m3/s, hiện do các công ty khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) quản lý;

b) Kênh loại II: Kênh liên huyện, liên xã và trong xã có lưu lượng 0,5m3/s£Q£ >10m3/s do các công ty KTCTTL, các nông trường, trạm trại quản lý;

c) Kênh loại III: kênh liên thôn, nội đồng do các xã, phường, thị trấn, các Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hoặc do các công ty KTCTTL, các nông trường, trạm trại quản lý có lưu lượng Q<0,5m3/s, được chia thành hai loại như sau:

- Kênh loại IIIA: Kênh chính lấy nước trực tiếp từ đầu mối các trạm bơm, hồ, đập;

- Kênh loại IIIB: Các tuyến kênh nhánh lấy nước từ kênh cấp I trở xuống;

d) Kênh mặt ruộng: Là kênh nội đồng trong phạm vi thôn, xóm, cánh đồng có mặt cắt và lưu lượng rất nhỏ tháo nước trực tiếp vào ruộng.

[...]