Nghị quyết 08/2007/NQ-HĐND về chương trình kiên cố hoá kênh mương giai đoạn 2007 – 2010 do Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XIV kỳ họp thứ 9 ban hành
Số hiệu | 08/2007/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 11/05/2007 |
Ngày có hiệu lực | 21/05/2007 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Vĩnh Phúc |
Người ký | Trịnh Đình Dũng |
Lĩnh vực | Đầu tư |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2007/NQ-HĐND |
Vĩnh Yên, ngày 11 tháng 05 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HOÁ KÊNH MƯƠNG GIAI ĐOẠN 2007 – 2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
các cấp ngày 26-11-2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16-12-2002;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07-02-2005 và Nghị định số
112/2006/NĐ-CP ngày 29-09-2006 của Chính Phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng
công trình;
Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13-06-2000 của Thủ tướng Chính phủ về một
số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh
mương;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 38/TTr – UBND ngày 19-04-2007 của UBND tỉnh về
chương trình kiên cố hoá kênh mương giai đoạn 2007 – 2010 và đến năm 2012; Báo
cáo thẩn tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thảo luận,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương giai đoạn 2007-2010 với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu:
Đến năm 2010 hoàn thành kiên cố 673,5km kênh mương trên toàn tỉnh bao gồm: Kênh loại I: 47.3km; Kênh loại II: 252.6km; Kênh loại III: 373.6km (không kể 887km kênh mặt ruộng).
2. Biện pháp thực hiện.
2.1-Công tác lãnh đạo và tuyên truyền:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền chủ trương chính sách về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng công trình để các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện hiệu quả chương trình kiên cố hoá kênh mương trên địa bàn tỉnh.
2.2-Thực hiện kiên cố hoá kênh mương trên cơ sở quy hoạch thuỷ lợi, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật chuyên nghành và đảm bảo theo thứ tự ưu tiên:
+ Việc kiên cố hoá kênh mương phải tuân thủ quy hoạch thuỷ lợi được UBND tỉnh phê duyệt và phù hợp với các quy hoạch: Vùng sản xuất, giao thông nội đồng, công nghiệp, đô thị ...
+ Thứ tự ưu tiên từ kênh loại I đến loại II sau đến kênh loại III. Mỗi loại kênh ưu tiên làm trước các tuyến kênh nổi, kênh ở miền núi, vùng khó khăn về nguồn nước, kênh qua vùng thấm nước mạnh, qua vùng đất xấu, vùng thường bị lũ lụt, dễ sạt lở hoặc bồi lấp. Đối với các hồ đập, trạm bơm do các xã, HTX quản lý được ưu tiên đầu tư kiên cố các tuyến kênh chính trước.
+ Các tuyến kênh kiên cố phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống, hợp lý về quy mô, kích thước và các thông số kỹ thuật; đảm bảo cao trình khống chế tưới tự chảy và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật chuyên nghành.
2.3-Tăng cường quản lý Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện:
+ Các đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng công trình thuỷ lợi, các chủ đầu tư, các ngành, các đoàn thể và nhân dân địa phương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương.
+ Việc triển khai chương trình kiên cố hoá kênh mương phải đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo yêu cầu chất lượng,kỹ thuật, mỹ thuật công trình.
2.4-Quản lý, khai thác khi công trình hoàn thành:
+ Các công ty Khai thác công trình thuỷ lợi có trách nhiệm quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các công trình đầu mối của hệ thống, các tuyến kênh loại I, loại II và kênh loại III đối với các Công ty đã hoàn thành việc nhậ bàn giao quản lý khai thác từ các xã, HTX.
+ Các xã, HTX quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các công trình đầu mối và các tuyến kênh loại III, kênh của các công trình trạm bơm, hồ đập do địa phương quản lý, khai thác.
+ Việc quản lý, khai thác của các Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi; các xã, HTX theo Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.
2.5-Kinh phí đầu tư:
Giai đoạn 2007-2010: Trên cơ sở các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm bố trí vốn để kiên cố xong 47.3km kênh loại I, 252.6km kênh loại II và 373.6km kênh loại III.
2.6-Cơ chế huy động nguồn vốn:
+ Kênh loại I: Do ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đầu tư.
+ Kênh loại II: Ngân sách tỉnh đầu tư 100%.
+ Kênh loại III: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% giá trị xây lắp hoàn thành thực tế trên cơ sở thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 50% còn lại do ngân sách cấp huyện, vốn từ nguồn thuỷ lợi phí của các Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi, xã, HTX có quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, huy động các nguồn lực của người dân vùng hưởng lợi và nguồn vốn hợp pháp khác.