Quyết định 581A-TC/QĐ/TCNH năm 1996 về Quy chế tạm thời về các quy định chung của hợp đồng bảo hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 581a-TC/QĐ/TCNH
Ngày ban hành 01/07/1996
Ngày có hiệu lực 01/07/1996
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bảo hiểm

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 581a-TC/QĐ/TCNH

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ CÁC QUY ĐỊNH CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Bộ Luật dân sự công bố theo Lệnh số 44L/CTN ngày 9-1-1995 của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ NGhị định 178/CP ngày 28-10-1994 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 100/CP ngày 18-12-1993 của Chính phủ quy định về kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ vào tình hình thực tế kinh doanh bảo hiểm và nhằm bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và tổ chức tài chính.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời về các quy định chung của hợp đồng bảo hiểm.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc các doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ CÁC QUY ĐỊNH CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 581a/TC/QĐ/TCNH ngày 1 tháng 7 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Những quy định trong Quy chế này áp dụng chung cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm; trừ hợp đồng bảo hiểm hàng hải quy định trong Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 12-7-1990.

Hợp đồng bảo hiểm là một thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm (sau đây gọi là người được bảo hiểm) với bên bảo hiểm (sau đây gọi là doanh nghiệp bảo hiểm) theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro trên cơ sở thu phí bảo hiểm của người được bảo hiểm để nhận trách nhiệm bồi thường hay trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bất ngờ thuộc trách nhiệm bảo hiểm (dưới đây gọi là sự kiện bảo hiểm).

Doanh nghiệp bảo hiểm là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với người được bảo hiểm kể cả trường hợp đã tái bảo hiểm những rủi ro nhận bảo hiểm đó.

II. CÁC QUY ĐỊNH ÁP DỤNG CHO TẤT CẢ CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

1. Hình thức hợp đồng bảo hiểm:

- Hợp đồng bảo hiểm phải được lập bằng văn bản. Chỉ khi hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết, giấy chứng nhận hay đơn bảo hiểm được cấp và có hiệu lực hoặc khi có văn bản chấp nhận bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở thu phí bảo hiểm thì cam kết trách nhiệm bảo hiểm mới có giá trị.

- Đề nghị bằng văn bản của người được bảo hiểm xin gia hạn, tái tục, sửa đổi hay xin tiếp tục hợp đồng bị đình chỉ coi như đã được chấp nhận, nếu không bị từ chối trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm nhận được đề nghị đó, trừ khi hợp đồng bảo hiểm có những thoả thuận khác.

- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm kết hợp với các loại hình dịch vụ khác như vận tải hành khách, du lịch... để tiến hành bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm và người có thẩm quyền tiến hành các dịch vụ kết hợp bảo hiểm vẫn phải ký kết hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc với đủ nội dung quy định. Trong trường hợp này tờ vé (theo giá có phí bảo hiểm) đã dược bán cho người sử dụng dịch vụ sẽ được coi là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm.

2. Đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm: là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm và phải được làm bằng văn bản rõ ràng, do doanh nghiệp bảo hiểm cấp theo yêu cầu của người được bảo hiểm.

3. Nội dung đơn bảo hiểm

- Đơn bảo hiểm phải đề ngày, tháng, năm lúc được cấp và phải ghi đủ những nội dung chính sau:

- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm và người được hưởng quyền lợi bảo hiểm.

- Những rủi ro được bảo hiểm.

- Điều kiện bảo hiểm.

- Số tiền bảo hiểm.

[...]