Quyết định 573/QĐ-TCTHADS năm 2020 về phân công công tác giữa Tổng Cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng của Tổng cục Thi hành án dân sự

Số hiệu 573/QĐ-TCTHADS
Ngày ban hành 16/07/2020
Ngày có hiệu lực 16/07/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng cục Thi hành án dân sự
Người ký Nguyễn Quang Thái
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN
DÂN SỰ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 573/QĐ-TCTHADS

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG CÔNG TÁC CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG VÀ CÁC PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;

Căn cứ Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp;

Căn cứ Thông tư số 09/2015/TT-BTP ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Tổng Cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng

1. Nguyên tắc phân công

a) Bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hệ thống Thi hành án dân sự.

b) Bảo đảm thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của Tổng Cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng theo Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp và Quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tư pháp.

c) Bảo đảm chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực công tác, tạo điều kiện để Lãnh đạo Tổng cục nắm và hiểu rõ các mặt công tác của Hệ thống Thi hành án dân sự.

d) Bảo đảm tính ổn định, kế thừa và có sự điều chỉnh từng bước cho phù hợp. Khi có sự điều chỉnh việc phân công giữa các Phó Tổng cục trưởng thì các Phó Tổng cục trưởng phải bàn giao nội dung công việc, hồ sơ, tài liệu liên quan cho nhau và báo cáo Tổng Cục trưởng.

đ) Bảo đảm tính hợp lý, hiệu lực, hiệu quả và thuận lợi trong giải quyết công việc.

2. Quan hệ công tác giữa Tổng Cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng

a) Tổng Cục trưởng là người đứng đầu Tổng cục Thi hành án dân sự (sau đây gọi chung là Tổng cục), chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các lĩnh vực công tác thi hành án dân sự thuộc Tổng cục phụ trách; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất quản lý công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo, điều hành những vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục.

b) Tổng Cục trưởng phân công các Phó Tổng cục trưởng giúp Tổng Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo, xử lý các công việc trong các lĩnh vực, đơn vị và địa bàn công tác được phân công. Trường hợp cần thiết, Tổng Cục trưởng trực tiếp xử lý công việc đã phân công cho các Phó Tổng cục trưởng.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, Phó Tổng cục trưởng chủ động chỉ đạo, xử lý công việc; sử dụng quyền hạn của Tổng Cục trưởng và nhân danh Tổng Cục trưởng để kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các công việc thuộc các lĩnh vực, đơn vị, địa bàn công tác được phân công. Phó Tổng cục trưởng không giải quyết các vấn đề không thuộc thẩm quyền của Phó Tổng cục trưởng, trừ trường hợp được Tổng Cục trưởng phân công.

Trong khi thực thi nhiệm vụ, nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực, đơn vị, địa bàn do Phó Tổng cục trưởng khác phụ trách thì các Phó Tổng cục trưởng chủ động phối hợp với nhau để giải quyết. Trường hợp các Phó Tổng cục trưởng có ý kiến khác nhau hoặc liên quan đến lĩnh vực, đơn vị, địa bàn do Tổng Cục trưởng trực tiếp phụ trách thì Phó Tổng cục trưởng đang phụ trách giải quyết công việc đó báo cáo Tổng Cục trưởng xem xét, quyết định.

c) Căn cứ tình hình thực tế, để đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chung của Hệ thống Thi hành án dân sự, Tổng Cục trưởng sẽ xem xét, điều chỉnh việc phân công công tác giữa Tổng Cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng quy định tại Điều 3 Quyết định này.

d) Tổng Cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng duy trì các cuộc hợp, giao ban Lãnh đạo Tổng cục định kỳ theo Quy chế làm việc của Tổng cục và hợp, giao ban, hội ý đột xuất khi cần thiết đế phối hợp xử lý công việc.

Điều 2. Nội dung công tác được phân công và trách nhiệm, quyền hạn của Phó Tổng cục trưởng

Phó Tổng cục trưởng giúp Tổng Cục trưởng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổng Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Tổng Cục trưởng, trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trước pháp luật. Trong phạm vi lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công, Phó Tổng cục trưởng có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Tổng cục xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, hằng năm, các cơ chế, chính sách, các đề án, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Tổng cục trình Tổng Cục trưởng ban hành, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành các văn bản quy phạm pháp luật.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Tổng cục, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các nhiệm vụ thi hành án dân sự; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề nghị Tổng Cục trưởng sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật cho phù hợp, xử lý các hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

3. Thường xuyên theo dõi và xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền được phân công và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau với các đơn vị thuộc Bộ, Thủ trưởng đơn vị thuộc Tổng cục; chủ động phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức, các hội nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực được phân công.

[...]