Quyết định 56/2004/QĐ-UB về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2004 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 56/2004/QĐ-UB
Ngày ban hành 11/03/2004
Ngày có hiệu lực 21/03/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ: 56/2004/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 03 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ KẾ HOẠCH CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ NĂM 2004.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch và ngân sách Nhà nước năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết Thành ủy lần thứ 15, khóa VII, ngày 23 tháng 12 năm 2003 và Nghị quyết số 45/2004/NQ-HĐ ngày 09 tháng 01 năm 2004 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2004;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội thành phố năm 2004.

Điều 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc thành phố căn cứ theo nhiệm vụ, tình hình của đơn vị và nội dung Kế hoạch để xây dựng chương trình hành động cụ thể, nhằm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị và các doanh nghiệp thuộc thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận :  
- Như điều 3
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Ủy ban nhân dân thành phố
- Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố,
- Văn phòng Thành ủy,
- Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy,
- Các Đoàn thể thành phố
- VPHĐ-UB : PVP, các Tổ NCTH
- Tổ TH (6b)
- Lưu (TH-LT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Hải

 

 

KẾ HOẠCH

CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI THÀNH PHỐ NĂM 2004.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56 /2004/QĐ-UB ngày 11 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Năm 2004 là năm thứ tư triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VII về kế hoạch 5 năm 2001 - 2005. Đây là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm của thành phố.

Căn cứ Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ, Nghị quyết Hội nghị Thành ủy lần thứ 15, khóa VII; Nghị quyết kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố lần thứ 14, khóa VI và để khắc phục những tồn tại yếu kém, Kế hoạch chỉ đạo, điều hành năm 2004 tiếp tục phát huy thành quả trong việc chấn chỉnh trật tự kỷ cương, nếp sống văn minh đô thị, chọn cải cách hành chánh làm khâu đột phát nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về kinh tế-xã hội, quản lý đô thị, giải quyết khiếu nại - tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố; cụ thể như sau :

1. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và tập trung triển khai các dự án đầu tư phát triển :

Tiếp tục thực hiện 12 chương trình và công trình trọng điểm ; tập trung đầu tư cho các công trình lớn và rà soát lập danh mục cụ thể để triển khai thực hiện dứt điểm.

Các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách chương trình, công trình trọng điểm chỉ đạo sở - ngành, quận - huyện rà soát lại tiến độ thực hiện 3 năm qua, kế hoạch, dự án tiếp tục thực hiện trong năm 2004 để triển khai đồng bộ ngay trong quý I.

1.1- Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố trong quý I kế hoạch đầu tư phát triển và danh mục dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Các biện pháp huy động vốn để đạt được trên 42.000 tỷ đồng như vốn tín dụng, vốn của các doanh nghiệp, vốn trong nhân dân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài,… Tập trung các giải pháp tăng quy mô, hiệu quả đầu tư và điều chỉnh cơ cấu đầu tư.

1.2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, phấn đấu huy động từ 1.500 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng (không tính tiền đấu giá 3 khu đất năm 2003 tiếp tục thu thêm trên 400 tỷ đồng). Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra tiến độ xây dựng các dự án đã có quyết định giao thuê đất nhưng chưa triển khai hoặc thực hiện không đúng mục đích được giao để thu hồi và đấu giá; trong đó, tập trung làm thí điểm ở khu tứ giác Trần Não - Lương Định Của - Liên tỉnh lộ 25 và Xa lộ Hà Nội tại quận 2.

1.3. Sở Tài chính và Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố chuẩn bị kế hoạch trình Ủy ban nhân dân thành phố việc tiếp tục thực hiện phát hành trái phiếu đô thị và hợp vốn các ngân hàng để đầu tư phát triển; chuẩn bị về cơ chế, chính sách, điều lệ và nguồn vốn để sớm hình thành Quỹ phát triển nhà của thành phố.

1.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch trình Ủy ban nhân dân thành phố về huy động vốn tín dụng ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển Quốc gia :

+ Tập trung cho đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sông Sài Gòn giai đoạn 1, đầu tư xây dựng mạng cấp nước, đầu tư chương trình xe buýt (hai giai đoạn).

+ Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

1.5. Ban Quản lý các dự án ODA tập trung thực hiện nhanh việc giải ngân vốn ODA, nhằm tranh thủ tối đa vốn cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh công tác đền bù, tái định cư và giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư. Bảo đảm cân đối đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA. Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi và báo cáo thường xuyên việc thực hiện các dự án ODA để Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo kịp thời.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Ban Quản lý dự án ODA tổng hợp và trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định về tổ chức quản lý các dự án ODA; củng cố tổ chức bộ máy, nhân sự Ban quản lý các dự án ; hình thành tổ chức thống nhất để quản lý các dự án ODA ; cải tiến quy trình thủ tục để hài hòa các yêu cầu quản lý của các nhà tài trợ, tập trung ở khâu phê duyệt dự án, đấu thầu, theo dõi đánh giá dự án ; triển khai công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án.

1.6. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp danh mục dự án và trình Ủy ban nhân dân thành phố về tiếp tục thực hiện chương trình kích cầu thông qua đầu tư; trong đó đẩy mạnh thực hiện việc xã hội hóa đầu tư trong ngành giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ-thiết bị.

[...]