ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
549/2008/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
11 tháng 03 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BỔ SUNG KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Thanh tra và Luật phòng, chống tham
nhũng;
Căn cứ Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày
20/10/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật phòng, chống tham nhũng;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Văn bản
số 100/CV-TTTH ngày 14/02/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Bổ sung Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về phòng, chống
tham nhũng tại Quyết định số 3184/2006/QĐ-UBND ngày 06/01/2006. (có kế hoạch
kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10
ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh,
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Mai Văn Ninh
|
BỔ SUNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 549/2008/QĐ-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2008 của
UBND tỉnh Thanh Hóa)
Ngày 06/11/2006, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành
Quyết định số 3184/2006/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động của Ủy ban
nhân dân tỉnh về phòng, chống tham nhũng.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện Kế hoạch này, UBND
tỉnh bổ sung một số nội dung để thực hiện trong năm 2008, như sau:
I. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC VỀ PHÒNG, CHỐNG
THAM NHŨNG
1. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã,
thành phố:
Phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về
phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, công chức viên chức, trong đó, tập trung
vào các văn bản sau:
- Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 của
Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng;
- Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của
Chính phủ về minh bạch tài sản và thu nhập;
- Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của
Chính phủ về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng;
- Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà và nộp lại quà tặng của
cơ quan, tổ chức đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước của cán bộ, công chức,
viên chức;
- Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 Quy định
danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối
với cán bộ, công chức, viên chức;
- Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ
tướng Chính phủ về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ
ngân sách nhà nước;
- Các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc
thi hành các văn bản trên.
2. Sở Tư pháp.
- Chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh tập huấn Nghị
định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập
và Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ hướng
dẫn thi hành một số điều của Nghị định 37/2007/NĐ-CP;
- Phối hợp, hướng dẫn các ngành, UBND huyện, thị
xã, thành phố phổ biến các văn bản về phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và
của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nêu trên.
II. BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN, TRIỂN KHAI
THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
- Thanh tra tỉnh chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh
ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 của
Chính phủ và Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính
phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; chủ trì, phối hợp với UBMT Tổ quốc tỉnh và
các thành viên của Mặt trận tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản thực hiện
Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ về vai trò, trách nhiệm
của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
- Sở Tài chính chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh ban
hành văn bản thực hiện Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ tướng
Chính phủ về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách
nhà nước.
- Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh ban
hành văn bản thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 quy định
danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối
với cán bộ, công chức, viên chức.
III. TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO KẾT QUẢ CÔNG
TÁC THANH TRA, ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ CÁC HÀNH VI THAM NHŨNG
1. Tăng cường tổ chức, cán bộ làm công tác
phòng, chống tham nhũng.
- Sở Nội vụ chủ trì tham mưu đề xuất phương án
thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem
xét, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
- Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá về
số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra của huyện, ngành, đề xuất UBND
tỉnh những biện pháp để củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian
tới.
2. Tăng cường giải quyết tố cáo hành vi tham
nhũng.
- Lãnh đạo các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị
xã, thành phố rà soát những vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng còn tồn đọng; những
vụ việc tham nhũng đã được kiểm tra, thanh tra kết luận nhưng chưa xử lý để tập
trung thanh tra và xử lý dứt điểm.
- Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh phải thường xuyên
theo dõi và nắm chắc tình hình, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham nhũng;
khi có hành vi tham nhũng xảy ra do tự phát hiện hoặc qua phản ánh của nhân dân
và của báo chí phải báo cáo kịp thời lên Chủ tịch UBND tỉnh để tập trung chỉ đạo,
xử lý.
3. Nâng cao kết quả công tác thanh tra, điều
tra.
a) Thanh tra tỉnh.
- Có kế hoạch và biện pháp cụ thể triển khai thực
hiện Chương trình, công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng năm 2008 đã được
Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, trong đó; tập trung thanh tra các lĩnh vực đầu tư
xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý thu chi ngân sách, quản lý tài sản
công, thanh tra các công trình dự án có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, dư luận
quan tâm.
- Tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các kết
luận, kiến nghị thanh tra của các ngành, huyện, thị xã, thành phố; làm rõ trách
nhiệm và kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm khắc những trường hợp chưa
thực hiện nghiêm túc quyết định xử lý liên quan đến tham nhũng, tiêu cực là việc
thu hồi về tiền và tài sản của nhà nước.
- Qua công tác thanh tra, đề xuất với UBND tỉnh bãi
bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách để khắc phục kịp thời những
sơ hở trong công tác quản lý dễ lợi dụng tham nhũng, tiêu cực; góp phần chấn chỉnh,
tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, phát triển kinh tế - xã hội.
b) Công an tỉnh.
- Chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa, tăng
cường công tác điều tra, xử lý các hành vi tham nhũng, trong đó tập trung điều
tra, xử lý dứt điểm những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được dư luận quan tâm,
vụ việc báo chí nêu.
- Thường xuyên phối hợp với Thanh tra tỉnh và các
ngành trong công tác phòng ngừa, thanh tra, điều tra các hành vi tham nhũng.
c) Các cấp, các ngành Xây dựng Kế hoạch phòng, chống
tham nhũng của ngành và địa phương và chỉ đạo tổ chức thực hiện có kết quả.
4. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan: Thanh
tra, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong công tác thanh tra,
điều tra, truy tố và xét xử các hành vi tham nhũng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Lãnh đạo các ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện,
thị xã, thành phố có trách nhiệm tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định
số 3184/2006/QĐ-UBND ngày 6/11/2006 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Ủy
ban nhân dân tỉnh về phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch này.
Thanh tra tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra,
đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh./.