Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 47/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Số hiệu 47/2007/NĐ-CP
Ngày ban hành 27/03/2007
Ngày có hiệu lực 04/05/2007
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

SỐ 47/2007/NĐ-CP
Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2007

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VỀ VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA XÃ HỘI TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Tổng Thanh tra,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phòng, chống tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; trách nhiệm của Ban thanh tra nhân dân và của công dân trong phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Vai trò, trách nhiệm của báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, trách nhiệm của Ban thanh tra nhân dân và của công dân trong phòng, chống tham nhũng

1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh với người có hành vi tham nhũng, biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong phòng, chống tham nhũng; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng.

2. Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên của mình xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; tích cực tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; thông báo về hành vi tham nhũng và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh, kết luận về hành vi tham nhũng; kiến nghị với Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhằm phòng, chống tham nhũng.

3. Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

4. Công dân tự mình, thông qua Ban thanh tra nhân dân hoặc tổ chức mà mình là thành viên tham gia phòng, chống tham nhũng.

Điều 3. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan nhà nước

Cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp và chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, tạo điều kiện để cơ quan báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, Ban thanh tra nhân dân, công dân trong phòng, chống tham nhũng.

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC PHỐI HỢP VỚI ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Điều 4. Phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho các thành viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân.

2. Cơ quan nhà nước tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho nhân dân; động viên hội viên, đoàn viên, nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Trong trường hợp cơ quan nhà nước chủ trì việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp có liên quan tham gia phối hợp.

3. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho nhân dân trong địa phương.

Điều 5. Phối hợp trong hoạt động giám sát việc thực biện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

1. Khi thực hiện nhiệm vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở, cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, tiếp thu kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp, Ban thanh tra nhân dân và ý kiến của nhân dân phản ánh thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Hội đồng nhân dân các cấp khi thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm mời đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tham gia xây dựng kế hoạch giám sát, tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Hội đồng nhân dân.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

4. Người đứng đầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm:

a) Cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên;

b) Cử đại diện tham gia hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên khi được đề nghị;

c) Xem xét, giải quyết và trả lời yêu cầu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng;

[...]