Quyết định 54/QĐ-UBND-HC năm 2008 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 54/QĐ-UBND-HC
Ngày ban hành 15/01/2008
Ngày có hiệu lực 15/01/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Trương Ngọc Hân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 54/QÐ-UBND-HC

Thành phố Cao Lãnh, ngày 15 tháng 01năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2008

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 102/2007/NQ-HÐND.K7 ngày 13 tháng 12 năm 2007 của Hội đồng nhân dân Tỉnh (khóa VII), kỳ họp lần thứ 9 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2008 và số 91/2007/NQ-HÐND.K7 ngày 13 tháng 12 năm 2007 về việc phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2008;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính và Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Ðiều 1. Tập trung giải pháp chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp tiếp tục phát huy những ưu điểm, tập trung khắc phục có hiệu quả những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành; phát huy sức mạnh tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, giải quyết công việc đúng thẩm quyền, chủ động, sáng tạo trong khuôn khổ quy định của pháp luật, đồng thời đề cao tinh thần phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp tiếp tục phương thức chỉ đạo, điều hành sâu sát cơ sở, nắm chắc đầu việc, theo dõi sát bộ phận nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh, đảm bảo giải quyết công việc nhanh chóng, không để tồn đọng kéo dài. Thực hiện phân công giao nhiệm vụ, đảm bảo mỗi việc phải có đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm, gắn với công tác kiểm tra chặt chẽ quá trình thực hiện. Nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấp hành nghiêm Quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân Tỉnh, chế độ thông tin, báo cáo, thỉnh thị xin ý kiến cấp trên đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, gởi lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan trong tháng 02 năm 2008; tham mưu thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3 năm 2008; tham mưu trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh trong tháng 4 năm 2008 văn bản chỉ đạo các ngành và huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch ngành, địa phương đến năm 2020.

4. Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết, cụ thể hoá các chương trình, đề án phát triển, báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh kết quả thực hiện trong quý II năm 2008.

Ðiều 2. Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

1. Tiếp tục tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.

a) Các cơ quan liên quan, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức trách được giao, có trách nhiệm phổ biến, cụ thể hoá và áp dụng kịp thời, đầy đủ, minh bạch, công bằng những cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Thường xuyên chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách đã ban hành phù hợp với các quy định mới của Trung ương; đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện để xử lý kịp thời những tồn tại, vướng mắc hoặc đề xuất giải pháp tháo gỡ đối với những trường hợp vượt thẩm quyền.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phốp hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố rà soát tất cả các loại thủ tục hành chính và trong khuôn khổ quy định của pháp luật, nghiên cứu rút ngắn quy trình giải quyết, đề xuất loại bỏ các loại thủ tục gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo kết quả rà soát trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh trong quý I năm 2008.

c) Các sở, ban, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức trách được giao, triển khai thực hiện tốt nội dung Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, ban hành kèm theo Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Các sở, ban, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân các cấp tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo giải quyết các yêu cầu của công dân và doanh nghiệp; có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động.

đ) Các cơ quan liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh lại công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo đúng quy định tại Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ và Chỉ thị số 22/2001/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

e) Duy trì thường xuyên chế độ tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh; đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các ngành Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cũng phải thực hiện nghiêm chế độ này.

2. Thúc đẩy các loại hình kinh tế phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

a) Các sở, ban, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 90/2001/NÐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Thúc đẩy việc hình thành các hiệp hội ngành nghề hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.

b) Ngân hàng Nhà nước Tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại trong, ngoài tỉnh phát triển mạng lưới kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

c) Sở Bưu chính Viễn thông tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển, ban hành kèm theo Quyết định 191/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Sở Khoa học và Công nghệ có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá.

3. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 trong tháng 02 năm 2008. Nghiên cứu tổng kết một số mô hình trong sản xuất trong quý I năm 2008.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo chuyên đề về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản vào quý I năm 2008.

c) Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lập, phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết vùng nuôi cá tra, cá ba sa đến năm 2010 ngay trong quý I năm 2008.

d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, không để tái phát lây lan ra diện rộng; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư nông nghiệp; tăng khả năng sản xuất và cung ứng giống mới có năng suất và khả năng kháng sâu bệnh cao cho nông dân.

[...]