UỶ BAN NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
54/2006/QĐ-UBND
|
TP. Hồ Chí
Minh, ngày 10 tháng 4 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI CÁC TRƯỜNG BÁN CÔNG MẦM
NON, PHỔ THÔNG SANG CÔNG LẬP
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm
2005;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18
tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y
tế, văn hoá và thể dục thể thao;
Căn cứ Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16
tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho các đơn vị sự
nghiệp có thu;
Căn cứ Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT
ngày 24 tháng 6 năm 2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phê duyệt Đề án “quy hoạch
phát triển xã hội hoá giáo dục giai đoạn 2005 - 2010”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
tại Tờ trình số 249/GD-ĐT ngày 28 tháng 02 năm 2006 và Kế hoạch số 288/GD-ĐT
ngày 08 tháng 3 năm 2006 về chuyển đổi loại hình trường bán công thuộc ngành học
Mầm non, Phổ thông trên địa bàn thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay phê duyệt kèm theo Quyết định này, Kế hoạch chuyển đổi
các trường bán công thuộc ngành học Mầm non, Phổ thông trên địa bàn thành phố
sang trường công lập thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở -
ngành liên quan hướng dẫn Uỷ ban nhân dân quận - huyện và các trường xây dựng đề
án chuyển đổi trường bán công sang công lập tự chủ về tài chính cho phù hợp với
yêu cầu thực tế của từng trường, thông qua Hội đồng thẩm định trình cơ quan thẩm
quyền xem xét phê duyệt theo quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành
phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện và
Hiệu trưởng các Trường bán công thuộc ngành học Mầm non, Phổ thông trên địa bàn
thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Tài
|
KẾ HOẠCH
CHUYỂN ĐỔI CÁC TRƯỜNG BÁN CÔNG THUỘC NGÀNH HỌC MẦM NON, PHỔ
THÔNG SANG CÔNG LẬP
(Kèm theo Quyết định số 54/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2006 của Uỷ ban
nhân dân thành phố)
Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005, Nghị quyết số
05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các
hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao; Đề án quy hoạch phát triển
xã hội hoá giáo dục - đào tạo giai đoạn 2005 - 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành kèm theo Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24 tháng 6 năm 2005.
Căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của hệ
trường bán công trên địa bàn thành phố, nhằm đảm bảo tính ổn định, hoàn thành
nhiệm vụ năm học 2005 - 2006 đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc triển
khai nhiệm vụ năm học 2006 - 2007 và các năm tiếp theo.
Uỷ ban nhân thành phố thống nhất phương án chuyển
đổi các trường bán công ở bậc học mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố như
sau:
I - MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC:
1. Mục tiêu:
- Tiếp tục huy động sự tham gia của xã hội vào
việc phát triển sự nghiệp giáo dục bên cạnh sự gia tăng ngân sách đầu tư hàng
năm, đảm bảo yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo ngang tầm với yêu
cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước;
- Việc chuyển đổi mô hình hệ các trường bán công
sang công lập nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo một
cách toàn diện mà còn nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ
máy, nhân sự và tính năng động của nhà trường với cơ chế tài chính thích hợp,
phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố.
2. Nguyên tắc:
Quá trình chuyển đổi các trường bán công phải đảm
bảo các nguyên tắc cơ bản như sau:
- Đúng luật: thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giáo dục
năm 2005, các Nghị quyết, chủ trương của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo về
đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục;
- ổn định: phát huy được các mặt mạnh vốn có của
hệ thống giáo dục của thành phố Hồ Chí Minh;
- Khả thi: phù hợp với thực tiễn và đặc điểm của
các trường bán công trên địa bàn thành phố, được sự đồng tình ủng hộ của xã hội;
- Tiếp tục thực hiện công bằng trong giáo dục.
II - PHƯƠNG ÁN CHUYỂN ĐỔI CÁC
TRƯỜNG BÁN CÔNG MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ:
1. Về cơ chế tài chính: Chuyển các trường bán công
sang trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực
hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính, đồng thời thực hiện chế độ tài
chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP
ngày 16 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị
sự nghiệp có thu, theo 2 mức độ sau đây:
- Trường Công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính
(Đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên).
- Trường Công lập tự chủ một phần tài chính (Đơn
vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên).
- Cơ sở để áp dụng cơ chế tài chính cho từng trường
phải căn cứ quyết toán tài chính trong 03 năm liền kề để xác định mức khoán và
hỗ trợ kinh phí cho 03 năm tiếp theo; cần thiết ngân sách thành phố sẽ tiếp tục
đầu tư cơ sở vật chất để nâng cấp trường.
Trong khi chờ khung học phí mới của Chính phủ,
hướng dẫn của Liên Bộ, các trường tiếp tục thực hiện mức thu theo quy định của
Uỷ ban nhân dân thành phố tại Quyết định số 336/2004/QĐ-UB ngày 30 tháng 12 năm
2004 về mức thu học phí trường lớp bán công, lớp tăng cường tin học và điều tiết
học phí công lập của ngành Giáo dục - đào tạo thành phố và các khoản thu khác đối
với ngành học mầm non tại Quyết định số 49/2000/QĐ-UB ngày 10 tháng 8 năm 2000
của Uỷ ban nhân dân thành phố về cho phép thực hiện các khoản thu, chi học phí,
tiền cơ sở vật chất và thu khác của ngành Giáo dục - đào tạo thành phố năm học
2000 - 2001.
2. Phương án chuyển đổi cụ thể như sau:
a) Ngành học Mầm non:
- Từ năm học 2007 - 2008, ngành học Mầm non mỗi
năm tăng thêm 5% tổng số học sinh học ngoài công lập.
- Khu vực Mầm non có 48 trường (03 trường thuộc
Sở quản lý; 45 trường thuộc quận - huyện quản lý) được chuyển thành trường mầm
non công lập thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm
vụ, tổ chức bộ máy và tài chính.
- Chế độ tài chính áp dụng cho các trường này
là: “đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường
xuyên” (theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2002
của Chính phủ). Mức thu các trường mầm non này tiếp tục thực hiện mức thu theo
quy định tại Quyết định số 49/2000/QĐ-UB-VX ngày 10 tháng 8 năm 2000 của Uỷ ban
nhân dân thành phố.
b) Ngành học phổ thông:
Tiểu học:
- Bậc Tiểu học có 05 trường bán công: Trường Tiểu
học bán công Lương Thế Vinh (quận 1), Trường Tiểu học bán công Lê Ngọc Hân (quận
1), Trường Tiểu học bán công Đống Đa (quận 4), Trường Tiểu học bán công Nam Sài
Gòn (quận 7), Trường Tiểu học bán công Triệu Thị Trinh (quận 10) được chuyển
sang trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực
hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính.
- Chế độ tài chính áp dụng cho các trường này
là: “đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường
xuyên” (theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2002
của Chính phủ). Mức thu được thực hiện theo Quyết định số 336/2004/QĐ-UB ngày
30 tháng 12 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân thành phố.
Trung học cơ sở:
- Bậc học Trung học cơ sở có 24 trường bán công
hiện hữu được chuyển thành trường Trung học cơ sở công lập hoạt động theo cơ chế
tự chủ chế độ tài chính, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ
máy và tài chính.
- Chế độ tài chính áp dụng cho các trường này là:
“đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên”
(theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2002 của
Chính phủ). Mức thu được thực hiện theo quy định tại Quyết định số
336/2004/QĐ-UB ngày 30 tháng 12 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân thành phố.
Trung học phổ thông:
- Trường Trung học phổ thông bán công:
Trung học phổ thông có 16 trường bán công hiện hữu
được chuyển thành trường công lập thực hiện cơ chế tự chủ chế độ tài chính, tự
chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính (theo quy định
tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ về chế độ
tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu). Mức thu ở các trường này được
tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 336/2004/QĐ-UB ngày 30 tháng
12 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân thành phố.
- Lớp bán công trong trường công:
Từ năm học 2007 - 2008, không tổ chức tuyển sinh
học sinh lớp 10 bán công ở các trường công lập. Số học sinh bán công hiện có ở
các trường công lập thực hiện theo phương thức cuốn chiếu (lớp 10 lên 11, 11
lên 12) và sau 03 năm (2010) sẽ không còn học sinh bán công trong trường công lập.
Từ năm 2010 các trường công lập hiện tại sẽ tổ
chức thành trường công lập 2 buổi/ngày. Mỗi quận, huyện cần có kế hoạch tăng cường
xây dựng trường lớp để đủ chỗ cho học sinh trên địa bàn và thực hiện chỉ đạo của
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố về kế hoạch đầu tư xây dựng các trường trung
học phổ thông trên địa bàn thành phố tại Công văn số 505/VP-VX ngày 19 tháng 02
năm 2004 của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố.
III.- QUY TRÌNH - LỘ TRÌNH THỰC
HIỆN KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI:
Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện “Quy
hoạch phát triển xã hội hoá giáo dục giai đoạn 2005 - 2010” của Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Uỷ ban nhân dân thành phố quy định quy trình, lộ trình và thời gian thực
hiện kế hoạch chuyển đổi cụ thể như sau:
1. Quy trình chuyển đổi:
a) Lập Hội đồng thẩm định các cấp:
+ Hội đồng thẩm định cấp thành phố:
Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Phó Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân thành phố; các thành viên: gồm đại diện Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo (Uỷ viên Thường trực) và Văn phòng
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố.
Nhiệm vụ: thẩm định đề án chuyển đổi các Trường
Trung học Phổ thông và các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, trình Uỷ
ban nhân dân thành phố phê duyệt.
+ Hội đồng thẩm định cấp quận, huyện:
Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Phó Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân quận - huyện; các thành viên gồm đại diện: Phòng Nội vụ, Phòng Tài
chính - Kế hoạch, Phòng Giáo dục (Uỷ viên thường trực).
Nhiệm vụ: thẩm định đề án chuyển đổi các Trường
mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trình Uỷ ban nhân dân quận - huyện phê duyệt
(riêng đối với các trường trung học cơ sở phải có ý kiến của Hội đồng thẩm định
thành phố trước khi quyết định).
b) Các bước chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển đổi:
- Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, hướng dẫn
các quận, huyện và các trường xây dựng đề án chuyển đổi trình Hội đồng thẩm định
theo phân cấp xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định trước khi thực hiện.
- Căn cứ Đề án hướng dẫn (mẫu) của Sở Giáo dục
và Đào tạo, từng trường nhất thiết phải xây dựng đề án chuyển đổi, đề án chuyển
đổi khi thông qua phải lấy ý kiến của Chi bộ, Công đoàn, nội bộ sư phạm nhà trường
và Ban đại diện Cha mẹ học sinh, trình Hội đồng thẩm định theo phân cấp.
- Song song với việc triển khai, Sở Giáo dục và
Đào tạo chủ động phối hợp với Sở - ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân quận - huyện
và Báo, đài thành phố tổ chức họp báo để thông tin và lắng nghe ý kiến phản hồi
về chủ trương chuyển trường bán công sang công lập tự chủ tài chính.
2. Thời gian thực hiện:
- Hội đồng thẩm định các cấp thành lập và tiến
hành, khảo sát thực tế, các trường để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cho phù hợp
ngay sau khi nhận được kế hoạch này;
- Các trường tự xây dựng đề án chuyển đổi cho
phù hợp với tình hình thực tế của trường trình Hội đồng thẩm định và Uỷ ban
nhân dân cùng cấp ra quyết định chuyển đổi từng trường một cho đến khi chuyển đổi
toàn bộ theo tiến độ thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm
2005 của Chính phủ đến năm 2010.
Những trường có điều kiện chuyển đổi trong năm học
2006 - 2007 sẽ công bố vào đầu tháng 5 năm 2006 để kịp chuẩn bị công tác tuyển
sinh.
3. Đối với trường công lập các lớp bán công:
- Từ năm học 2007 - 2008 ngưng tuyển sinh lớp 10
bán công.
- Các lớp bán công trong trường công lập sẽ giảm
dần theo phương thức cuốn chiếu:
+ Năm học 2007 - 2008: chỉ còn lớp 11 và lớp 12.
+ Năm học 2008 - 2009: chỉ còn lớp 12.
+ Năm học 2009 - 2010: không còn lớp bán công
trong trường công lập./.