ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 526/QĐ-UBND
|
Cao Bằng, ngày 25
tháng 04 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HOẠT ĐỘNG TẠI
KHU VỰC CỬA KHẨU, LỐI MỞ BIÊN GIỚI THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Biên giới Quốc gia và Luật Cư trú;
Căn cứ Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới đất
liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu
biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc;
Căn cứ Nghị định 34/2002/NĐ-CP, ngày 18 tháng 08
năm 2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền Nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định 32/2005/NĐ-CP, ngày 14 tháng 03
năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền;
Căn cứ Nghị định 77/2010/NĐ-TTg, ngày 12 tháng
07 năm 2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực
hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia, giữ gìn an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc
phòng;
Căn cứ Thông tư số 181/2005/TT-BQP, ngày 17
tháng 11 năm 2005 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số
32/2005/NĐ-CP, ngày 14 tháng 03 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên
giới đất liền;
Căn cứ Thông tư số 90/2011/TT-BQP, ngày 30 tháng
06 năm 2011 của Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 181/2005/TT-BQP,
ngày 17 tháng 11 năm 2005 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số
32/2005/NĐ-CP, ngày 14 tháng 03 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên
giới đất liền;
Xét đề nghị của Chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh Cao Bằng tại công văn số 153/BCH-TM, ngày 08 tháng 02 năm
2014.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời quản lý
người lao động, phương tiện vận tải hoạt động tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên
giới thuộc địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh,
Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện biên
giới, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lý Hải Hầu
|
QUY ĐỊNH
TẠM
THỜI QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HOẠT ĐỘNG TẠI KHU VỰC CỬA KHẨU,
LỐI MỞ BIÊN GIỚI THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 526/QĐ-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về trật tự, thủ tục kiểm tra,
giám sát, duy trì an ninh, trật tự ra, vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu, lối
mở biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Đối tượng điều chỉnh
1. Cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội, công an (sau đây
gọi chung là cơ quan) cá nhân thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành
tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới.
2. Người sử dụng lao động, chủ phương tiện, chủ
hàng hóa, người lao động, người điều khiển phương tiện; phương tiện vận tải
vào, ra và hoạt động trong khu vực cửa khẩu, lối mở.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Người lao động: Là người làm việc bốc, xếp, dỡ,
vận chuyển hàng hóa lên, xuống, chuyển sang các phương tiện vận tải hoặc vào kho,
xếp đặt hàng hóa trong kho trong khu vực cửa khẩu, lối mở.
2. Người điều khiển phương tiện: Là người điều khiển
phương tiện vận chuyển hàng hóa, hoặc tham gia vào kíp làm việc bảo đảm cho
phương tiện đó hoạt động an toàn trong khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới (Ví dụ:
Lái mảng…)
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện
1. Mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân, phương tiện
vận tải của Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu, lối mở phải tuân thủ
quy định này và các quy định khác của luật pháp có liên quan và Điều ước quốc tế
mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
2. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện quản
lý Nhà nước chuyên ngành tại khu vực cửa khẩu, lối mở phải tuân thủ theo chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
3. Người lao động trong khu vực cửa khẩu, lối mở phải
làm việc trong một tổ chức nhất định như: Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ bốc xếp...); tổ chức này phải được cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật.
4. Người, phương tiện vận tải, hàng hóa qua lại
biên giới, vào, ra và hoạt động tại khu vực cửa khẩu phải có đủ giấy tờ hợp lệ
theo quy định; chịu sự kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn của Bộ đội Biên phòng tại
khu vực cửa khẩu, lối mở và các cơ quan quản lý chuyên ngành khác có liên quan.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Sử dụng giấy tờ giả, tổ chức, dẫn đường, đưa đón
người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.
2. Kích động, hoặc có hành vi phá hoại an ninh, gây
mất trật tự công cộng, cản trở hoặc không chấp hành kiểm tra, kiểm soát, giám
sát của lực lượng quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở.
3. Vận chuyển tài liệu bí mật Quốc gia ra nước
ngoài, vận chuyển, mua bán, tuyên truyền tài liệu, sách báo, văn hóa phẩm độc hại.
4. Buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ,
vũ khí, vật liệu nổ, pháo và đồ chơi nguy hiểm, chất cháy, chất nổ, chất phóng
xạ, độc hại, ma túy, chế phẩm từ ma túy, sử dụng các chất ma túy đây nghiện,
buôn bán người và các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm xuất khẩu, nhập khẩu.
5. Xả rác, chất thải làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm
môi trường.
6. Các hoạt động khác trái với quy định của pháp luật.
Điều 6. Quy định chung đối với
người lao động
Người lao động trong thời gian làm việc bốc, xếp
hàng hóa, người điều khiển phương tiện (bao gồm cả xuồng, bè, mảng...) cho mỗi doanh
nghiệp, hợp tác xã vận tải, tổ bốc xếp tại khu vực cửa khẩu, lối mở có trách
nhiệm:
1. Sử dụng trang phục bảo hộ lao động có in logo của
Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ bốc xếp trên áo, có biển tên đeo trước ngực để thuận
tiện cho công tác quản lý và đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động.
2. Chấp hành nghiêm các quy định hoạt động tại khu
vực cửa khẩu, lối mở, nội quy làm việc của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ bốc xếp,
chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Biên phòng và các cơ quan chức năng
liên quan hoạt động tại khu vực cửa khẩu, lối mở
3. Khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với
doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ bốc xếp phải nộp lại giấy phép ra, vào tại khu vực
cửa khẩu, lối mở cho người sử dụng lao động để nộp lại cho Đồn Biên phòng sở tại.
Chương II
QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG,
PHƯƠNG TIỆN, VÀO, RA, HOẠT ĐỘNG TẠI KHU VỰC CỬA KHẨU LỐI MỞ
Điều 7. Trách nhiệm của doanh
nghiệp, hợp tác xã, tổ bốc xếp
1. Khi có nhu cầu tham gia thực hiện các hoạt động
vận tải, bốc, xếp, dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại khu vực cửa
khẩu, lối mở, người đứng đầu doanh nghiệp, hợp
tác xã, tổ bốc xếp có trách nhiệm lập hồ sơ khai báo xin cấp giấy phép
ra, vào khu vực nêu trên cho người lao động và phương tiện vận tải theo quy định
tại Điều 8 quy định này.
2. Đăng kí với Đồn Biên phòng sở tại về màu sắc, kiểu
dáng trang phục bảo hộ lao động của người lao động thuộc đơn vị mình quản lý
tham gia hoạt động tại khu vực cửa khẩu, lối mở.
3. Thông báo bằng văn bản và nộp lại cho Đồn biên
phòng quản lý khu vực cửa khẩu, lối mở đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng
lao động, ngừng làm việc của người lao động, phương tiện vận tải tại khu vực cửa
khẩu, lối mở chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ khi đơn vị có quyết định chấm dứt
hoặc ngừng hoạt động đối với người lao động và phương tiện vận tải đó.
4. Tuyên truyền, phổ biến đến mọi đối tượng lao động
thuộc quyền quản lý về việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động,
cư trú, quy định về quản lý biên giới và quy định này. Chấp hành sự hướng dẫn,
kiểm tra, kiểm soát và các quyết định phù hợp với quy định của pháp luật hiện
hành của các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu, lối mở.
Điều 8. Hồ sơ xin cấp giấy phép
vào, ra khu vực cửa khẩu, lối mở
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ bốc xếp có nhu cầu
tổ chức cho người lao động thực hiện các hoạt động bốc, xếp, vận chuyển hàng
hóa tại khu vực cửa khẩu, lối mở phải lập hồ sơ xin cấp Giấy phép vào, ra khu vực
cửa khẩu, lối mở cho người và phương tiện gửi đến Đồn Biên phòng sở tại, hồ sơ
gồm:
a) Công văn xin cấp Giấy phép vào, ra khu vực cửa
khẩu, lối mở (sau đây gọi tắt là Giấy phép) có chữ ký của người có thẩm quyền
và đóng dấu của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ bốc xếp... Trong đó nêu rõ thời
gian hoạt động của người và phương tiện vận tải.
b) Danh sách trích ngang của người quản lý doanh
nghiệp, hợp tác xã, tổ bốc xếp, người lao động, người điều khiển phương tiện
tham gia hoạt động tại các khu vực cửa khẩu, lối mở (kèm theo: Mỗi người 01 ảnh
4cm x 6cm; bản sao chứng minh nhân dân có chứng thực).
c) Bản kê chi tiết số lượng, kiểu xe, biển kiểm
soát và họ tên người điều khiển đối với từng phương tiện.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ hợp lệ, Đồn biên phòng sở tại chủ trì, phối hợp với Công an xã (thị trấn)
biên giới quy định tại Khoản 3 Điều này tổ chức rà soát điều kiện, tiêu chuẩn
phù hợp với quy định về quản lý biên giới, tiến hành cấp Giấy phép cho người và
phương tiện vận tải. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ
lý do.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép: Đối với những người có
nhu cầu vào khu vực cửa khẩu, lối mở để lao động: Đồn Biên phòng sở tại chủ
trì, phối hợp với Công an xã (thị trấn)
biên giới tổ chức rà soát về điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với các quy định về quản lý, bảo vệ biên giới để cấp giấy
phép.
Điều 9. Quy trình quản lý người
lao động (bốc, xếp hàng hóa) tại khu vực cửa khẩu, lối mở
* Đối với người lao động (bốc, xếp hàng hóa):
- Người trong khu vực biên giới (xã, thị trấn biên
giới): Khi ra, vào khu vực cửa khẩu, lối mở phải xuất trình Giấy phép do Đồn
Biên phòng sở tại cấp còn giá trị sử dụng;
- Đối với người ngoài khu vực biên giới (người ở xã
nội địa của tỉnh Cao Bằng và các tỉnh, thành phố khác). Ngoài các giấy tờ nêu
trên, nếu cư trú ở khu vực biên giới phải có giấy phép của Công an tỉnh Cao Bằng
(theo Khoản b, Điều 4, Chương II - Nghị định 34/CP), phải đăng kí tạm trú tại địa
phương theo quy định của Luật Cư trú.
Điều 10. Quy trình quản lý
phương tiện vận tải và người điều khiển
phương tiện vận tải
1. Đối với phương tiện vận tải đường bộ và người điều
khiển phương tiện:
a) Đối với phương tiện vận tải đường bộ khi vào, ra
hoạt động tại khu vực cửa khẩu, lối mở:
- Người sử dụng phương tiện phải đăng kí với Trạm
Kiểm soát biên phòng: Số lượng xe, kiểu xe, biển kiểm soát, thời gian hoạt động
trong khu vực cửa khẩu, lối mở;
- Các loại phương tiện vận tải có đầy đủ các giấy tờ
cần thiết theo quy định của pháp luật đối với từng loại phương tiện vận tải mới
được hoạt động trong khu vực cửa khẩu, lối mở.
b) Đối với người điều khiển phương tiện vận tải đường
bộ khi ra, vào khu vực nêu trên phải xuất trình các loại giấy tờ quy định tại
Điểm a Khoản 1 Điều 8 Quy định này, giấy phép điều khiển phương tiện do cơ quan
có thẩm quyền cấp. Nếu lưu trú qua đêm trong khu vực cửa khẩu, lối mở phải
trình báo với Trạm Kiểm soát biên phòng và đăng kí tạm trú với Công an xã (thị
trấn) sở tại.
2. Đối với phương tiện vận tải thủy (xuồng, bè, mảng)
và người lái phương tiện.
a) Đối với người lái phương tiện vận tải thủy: Khi
vào, ra khu vực cửa khẩu, lối mở phải xuất trình các loại giấy tờ quy định tại
Điểm a Khoản 1 Điều 8 Quy định này, giấy thông hành hoặc giấy chứng chỉ chuyên
môn phù hợp với chức danh điều khiển loại phương tiện đang sử dụng.
- Nếu lưu trú qua đêm trong khu vực cửa khẩu, lối mở
phải trình báo với Trạm Kiểm soát biên phòng và đăng kí tạm trú;
- Riêng đối với người ngoài khu vực biên giới (người
ở xã nội địa của tỉnh Cao Bằng và các tỉnh, thành phố khác): Nếu cư trú ở khu vực
biên giới phải có giấy phép của Công an tỉnh Cao Bằng (theo Khoản b, Điều 4,
Chương II - Nghị định 34/CP), phải đăng ký tạm trú tại địa phương theo quy định
của Luật Cư trú.
b) Đối với phương tiện vận tải thủy:
Phương tiện vận tải đường thủy (thuyền, bè, mảng)
khi tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa trong khu vực cửa khẩu, lối mở phải
có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết, theo quy định của pháp luật hiện hành về
điều kiện tham gia giao thông vận tải thủy như: Giấy phép, giấy đăng kiểm, xuồng
phải có biển số; đồng thời phải có sổ nhật ký hành trình và phải chịu sự kiểm
tra, hướng dẫn điều hành của cán bộ, nhân viên kiểm soát Biên phòng để đảm bảo
an toàn, an ninh trật tự ở khu vực cửa khẩu, lối mở.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh.
1. Ban hành mẫu giấy phép vào, ra khu vực cửa khẩu,
lối mở đảm bảo đơn giản thuận tiện trong quản lý người được cấp phép.
2. Chỉ đạo Đồn Biên phòng quản lý cửa khẩu, lối mở
chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.
a) Tổ chức tuyên truyền quy định này tới các doanh
nghiệp, hợp tác xã, tổ bốc xếp hoạt động tại khu vực cửa khẩu, lối mở và nhân
dân địa phương có cửa khẩu, lối mở.
b) Niêm yết công khai thủ tục cấp, thu hồi Giấy
phép vào, ra khu vực cửa khẩu, lối mở tại các trụ sở UBND xã, thị trấn nơi có cửa khẩu, lối mở và khu vực nêu trên.
c) Tổ chức thực hiện việc cấp và thu hồi giấy phép
vào, ra khu vực cửa khẩu, lối mở.
d) Tổ chức kiểm tra, kiểm soát đảm bảo duy trì an
ninh trật tự khu vực cửa khẩu, biên giới theo đúng quy định của ngành và pháp
luật hiện hành. Xử lý hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời xử
lý các hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực cửa khẩu, lối mở.
Điều 12. Công an tỉnh.
Chỉ đạo Công an các huyện có cửa khẩu, lối mở để chỉ
đạo Công an các xã (thị trấn) phối hợp với lực lượng Biên phòng sở tại tổ chức
thực hiện việc rà soát điều kiện tiêu chuẩn cấp giấy vào, ra khu vực cửa khẩu,
lối mở và quản lý tình hình an ninh trật tự, cư trú, an toàn giao thông tại khu
vực cửa khẩu, lối mở.
Điều 13. Hải quan tỉnh
Chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu, lối mở phối hợp với lực lượng Biên phòng tuyên truyền,
hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong việc
sử dụng lao động thực hiện đúng theo Quy định này.
Điều 14. Ban quản lý Khu kinh
tế tỉnh
Tổ chức tuyên truyền cho các doanh nghiệp, người
lao động trong khu vực cửa khẩu, lối mở; phối hợp với Bộ đội Biên phòng quản
lý, điều tiết với người lao động trong khu vực cửa khẩu, lối mở.
Điều 15. Ủy ban nhân dân huyện có cửa khẩu, lối mở
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã (thị trấn) có cửa khẩu, lối
mở chủ động phối hợp với lực lượng Biên
phòng và các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại khu vực cửa
khẩu, lối mở.
Điều 16. Tổ chức, cá nhân người
sử dụng lao động
Đối với người sử dụng lao động (các doanh nghiệp, hợp
tác, trưởng tổ, đội bốc xếp): Quản lý lao động theo đúng quy định tại Quy chế
này, thực hiện báo cáo về tình hình sử dụng lao động tại cơ quan, tổ chức mình
quản lý theo định kỳ trước ngày mùng 10 của tháng kế tiếp và báo cáo đột xuất
theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước quản lý về lao động.
Điều 17. Tổ chức thực hiện.
Giao bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối
hợp với các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân
huyện có cửa khẩu, lối mở tổ chức thực hiện Quy định này, hàng tháng tổng hợp
báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân
tỉnh về kết quả thực hiện;
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng
mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có ý kiến bằng văn bản gửi về bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.