BỘ QUỐC PHÒNG
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: 181/2005/TT-BQP
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 11 năm 2005
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 32/2005/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ QUY CHẾ CỬA KHẨU BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN
Ngày 14 tháng 3 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định
số 32/2005/NĐ-CP về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền (gọi tắt là NĐ32/2005/NĐ-CP),
trong đó khoản 2 Điều 24 quy định “Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Nghị định này”.
Sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan, Bộ
Quốc phòng hướng dẫn thực hiện cụ thể một số nội dung sau đây:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Cửa khẩu biên giới đất liền bao gồm: Cửa khẩu quốc
tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ được mở trên các tuyến đường bộ, đường sắt,
đường thủy nội địa trong khu vực biên giới theo Hiệp định về Quy chế biên giới
đã được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với Chính
phủ nước láng giềng để thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất
khẩu, nhập khẩu (viết tắt là xuất, nhập) của người, phương tiện, hàng hóa.
a) Cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu quy định
tại Điều 3 Nghị định 32/2005/NĐ-CP.
b) Các hoạt động xuất, nhập của người, phương tiện,
hàng hóa của Việt Nam, nước ngoài và các hoạt động khác tại cửa khẩu biên giới
phải thực hiện đúng các quy định của Nghị định 32/2005/NĐ-CP; các quy định của pháp
luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập
kinh tế quốc tế và tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất, nhập tại
cửa khẩu.
c) Việc nâng cấp cửa khẩu (từ đường qua lại biên giới
lên cửa khẩu phụ; cửa khẩu phụ lên cửa khẩu chính; cửa khẩu chính lên cửa khẩu
quốc tế) phải đảm bảo các yêu cầu chung sau đây:
- Đáp ứng nhu cầu phát triển về kinh tế, giao lưu của
người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới tại địa phương;
- Đảm bảo quốc phòng, an ninh;
- Không ảnh hưởng đến xây dựng, quản lý và bảo vệ biên
giới quốc gia của hai nước;
- Thực hiện theo Hiệp định đã ký kết và thỏa thuận của
chính quyền địa phương cấp tỉnh hai nước có chung biên giới.
d) Trình tự, thủ tục mở, nâng cấp cửa khẩu thực hiện
theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
2. Phạm vi khu vực cửa khẩu.
a) Căn cứ vào tình hình cụ thể ở từng địa phương, Bộ
chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề
xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có cửa khẩu xác định phạm vi khu vực cửa khẩu
quốc tế, cửa khẩu chính sau khi đã thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,
các Bộ, ngành hữu quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc xác định
phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính thực hiện theo khoản
1, Điều 4 và Điều 11 của Nghị định 32/2005/NĐ-CP.
- Đối với cửa khẩu đường bộ, bao gồm:
+ Khu vực kiểm tra, kiểm soát hộ chiếu, giấy tờ đối
với người, phương tiện, hàng hóa, hành lý của các cơ quan chức năng;
+ Khu vực làm thủ tục xuất, nhập của các cơ quan chức
năng, khu vực nhà chờ làm thủ tục, bãi xe, bến đậu, kho, bãi tập kết hàng hóa,
khu vực dành cho các hoạt động dịch vụ, thương mại, ngân hàng, bưu điện, khu
vực dành cho cửa hàng kinh doanh miễn thuế.
- Đối với cửa khẩu đường sắt là ga đường sắt quốc tế
đầu tiên (đối với chiều nhập cảnh) và ga đường sắt quốc tế cuối cùng (đối với
chiều xuất cảnh), gồm: Khu vực kiểm soát hộ chiếu, giấy tờ; khu vực tàu hỏa đỗ
đậu; đường hộ tống từ nhà ga đến điểm dừng trên biên giới.
- Đối với cửa khẩu đường thủy nội địa: Từ cầu cảng lên
thượng nguồn sông đến đường biên giới quốc gia và xuống hạ lưu sông, gồm: Khu
vực kiểm soát hộ chiếu, giấy tờ, khu vực tàu thuyền xuất, nhập cảnh neo đậu;
mặt nước khu vực cảng; khu vực kho, bãi hàng hóa; vùng nước trước cầu cảng; cầu
cảng; nhà xưởng; khu hành chính Cảng vụ và dịch vụ.
b) Tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trạm kiểm soát
liên hợp được xây dựng theo quy hoạch thống nhất quy định tại khoản
1, Điều 18 của Nghị định 32/2005/NĐ-CP, đảm bảo cho các cơ quan quản lý nhà
nước chuyên ngành tại cửa khẩu hoạt động theo dây chuyền kiểm soát.
- Các trạm kiểm soát liên hợp đã xây dựng nhưng bố trí
dây chuyền kiểm soát chưa phù hợp với quy định của Nghị định 32/2005/NĐ-CP thì
Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 18, Nghị định 32/2005/NĐ-CP
và Thông tư này.
c) Việc xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ phải căn
cứ vào tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự, kinh tế ở từng địa phương, địa
hình nơi mở cửa khẩu và yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới
quốc gia để quy định cho phù hợp. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì,
phối hợp với Công an tỉnh, các ngành hữu quan của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã có cửa khẩu để thống nhất phạm vi khu vực cửa khẩu, quy hoạch và báo cáo
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Tại cửa khẩu phụ trạm kiểm soát biên phòng được xây
dựng theo quy hoạch thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh theo đề nghị của Bộ chỉ
huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
3. Biển báo khu vực cửa khẩu
a) Biển báo “Khu vực cửa khẩu” làm theo mẫu thống nhất
của Bộ Quốc phòng, bằng kim loại dày 1,5mm; cột biển bằng thép ống, đường kính
100mm; biển báo làm bằng chất liện phản quang, nền sơn màu xanh, chữ sơn màu
trắng; trên biển báo viết bằng ba thứ tiếng, thành 03 dòng: Dòng thứ nhất viết
bằng chữ Việt Nam, dòng thứ hai viết bằng chữ của nước láng giềng tiếp giáp,
dòng thứ ba viết bằng chữ Anh (theo phụ lục số 1, số 2 kèm theo Thông tư này).
- Biển báo “Khu vực cửa khẩu” cắm bên phải trên các
trục đường giao thông theo hướng từ nội địa ra biên giới, ở nơi dễ nhận biết.
b) Biển báo, biển chỉ dẫn, bảng nội quy các khu vực cụ
thể của khu vực cửa khẩu quy định tại Điều 11 Nghị định 32/2005/NĐ-CP
do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì và thống nhất với các cơ quan chức
năng của tỉnh có lực lượng kiểm soát chuyên ngành hoạt động tại cửa khẩu xác
định vị trí đặt hoặc cắm biển báo, biển chỉ dẫn, bảng nội quy báo cáo Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Mẫu các loại biển báo do Bộ tư lệnh Bộ đội
Biên phòng hướng dẫn.
II. QUY ĐỊNH VỀ XUẤT, NHẬP ĐỐI
VỚI NGƯỜI, PHƯƠNG TIỆN, HÀNG HÓA
1. Đối với công dân Việt Nam.
a) Công dân Việt Nam khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa
khẩu quốc tế, cửa khẩu chính phải có một trong các loại giấy tờ sau:
- Hộ chiếu;
- Giấy thông hành hợp lệ;
- Giấy chứng minh biên giới.
b) Công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới sang
khu vực biên giới nước láng giềng thực hiện theo khoản 2, Điều 6
Nghị định 32/2005/NĐ-CP. Khi thực hiện phải căn cứ quy định của Hiệp định
về Quy chế biên giới đã ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước láng
giềng trên từng tuyến biên giới, cụ thể:
- Tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có giấy thông
hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới (trường hợp giấy thông hành không có ảnh
thì phải kèm theo chứng minh thư) hoặc giấy thông hành xuất nhập cảnh theo thỏa
thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc.
- Tuyến biên giới Việt Nam – Lào phải có một trong các
loại giấy tờ sau:
+ Giấy thông hành biên giới;
+ Giấy chứng minh biên giới;
+ Giấy chứng nhận.
- Tuyến biên giới Việt Nam – Căm Pu Chia phải có một
trong các loại giấy tờ sau:
+ Giấy chứng minh biên giới;
+ Giấy thông hành biên giới;
2. Đối với người nước ngoài.
a) Đối với công dân nước láng giềng thực hiện theo quy
định của Hiệp định về Quy chế biên giới ký kết giữa Việt Nam và các nước láng giềng hữu quan.
b) Đối với công dân nước thứ 3:
Khi nhập cảnh, xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính phải có hộ chiếu
hợp lệ hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (đối với người Việt Nam ở nước
ngoài nếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu phải có giấy
tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp có giá trị xuất nhập cảnh và mẫu
giấy tờ đó đã được thông báo chính thức cho Việt Nam qua đường ngoại giao) và
phải có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường
hợp được miễn thị thực theo thỏa thuận song phương mà Việt Nam ký kết hoặc đơn
phương miễn thị thực cho công dân quốc gia đó.
c) Công dân nước thứ ba, công dân nước láng giềng khi
nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu được miễn thị thực.
3. Phương tiện, hàng hóa xuất,
nhập cảnh, xuất, nhập khẩu, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới thực hiện theo Điều 8, Điều 9 của Nghị định 32/2005/NĐ-CP,
phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, thực hiện các nguyên
tắc, thủ tục theo quy định của pháp luật hải quan, các quy định khác của pháp luật
Việt Nam có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên.
- Đối với hàng hóa buôn bán qua biên giới nếu có đủ điều
kiện nêu tại Điểm 3, Mục II Thông tư này và Quyết định 252/2003/QĐ-TTg ngày 24/11/2003
của Thủ tướng Chính phủ về quản lý buôn bán hàng hóa qua biên giới với các nước
có chung biên giới đều được xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới, không phân biệt
hàng hóa đó là của địa phương khu vực biên giới hay của cả nước.
Trường hợp đặc biệt theo đề nghị của chính quyền địa
phương cấp tỉnh hoặc Chính phủ nước láng giềng, Bộ trưởng Bộ Thương mại thống
nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính cho phép thông quan hàng hóa của nước thứ ba
qua cửa khẩu chính hoặc cửa khẩu phụ.
4. Người, phương tiện, hàng hoa khi xuất, nhập qua cửa
khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của
Bộ đội Biên phòng và các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu biên giới.
5. Thủ tục kiểm tra, giám sát chuyên ngành tại cửa
khẩu biên giới.
a) Thủ tục kiểm tra, giám sát Hải quan, Kiểm dịch (Y
tế, Động vật, Thực vật) thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của
Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Thủ tục kiểm tra, giám sát
biên phòng tại cửa khẩu biên giới.
- Đối với công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh phải xuất
trình một trong các loại giấy tờ sau:
+ Hộ chiếu, giấy thông hành, chứng minh biên giới,
giấy chứng nhận;
+ Tờ khai xuất, nhập cảnh (đối với người xuất, nhập
cảnh bằng hộ chiếu).
- Đối với người nước ngoài:
+ Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và
phải có thị thực nhập cảnh Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực hoặc vào làm việc, hoạt động tại khu kinh tế cửa
khẩu);
+ Giấy thông hành hoặc chứng minh biên giới, giấy
chứng nhận;
+ Tờ khai xuất, nhập cảnh (đối với người xuất, nhập
cảnh bằng hộ chiếu).
- Đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện
xuất, nhập cảnh của Việt Nam và nước ngoài phải xuất trình giấy tờ sau:
+ Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, chứng minh biên giới;
+ Giấy phép điều khiển phương tiện;
+ Giấy chứng nhận đăng ký sở hữu phương tiện;
+ Giấy đăng ký phương tiện;
+ Giấy phép liên vận;
+ Giấy phép vận chuyển hành khách, hàng hóa (nếu có);
+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện vả bảo
vệ môi trường;
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm phương tiện (nếu có);
+ Giấy chứng nhận kiểm dịch.
- Trách nhiệm của Đồn biên phòng có cửa khẩu:
+ Kiểm dịch, kiểm soát, hộ chiếu, giấy tờ có giá trị
thay hộ chiếu, hành lý của người, phương tiện xuất, nhập cảnh;
+ Đóng dấu kiểm chứng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị
thay hộ chiếu;
+ Phối hợp với Hải quan, các lực lượng khác đấu tranh
phòng, chống các tội phạm về ma tuý, chống buôn lậu và gian lận thương mại;
+ Cấp thị thực cho người nước ngoài theo thông báo của
Bộ Công an và Bộ Ngoại giao;
+ Chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài tại cửa khẩu
theo uỷ quyền và hướng dận của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ công an.
- Địa điểm giám sát biên phòng:
+ Khu vực quá cảnh (đối với cửa khẩu quốc tế);
+ Khu vực kiểm tra, kiểm soát phương tiện, hàng hóa;
+ Khu vực nhà chờ làm thủ tục;
+ Khư vực làm thủ tục xuất, nhập cảnh của các cơ quan
chức năng;
+ Khu vực kho, bãi hàng chờ xuất, nhập khẩu;
+ Khu cửa hàng kinh doanh miễn thuế;
+ Khu dịch vụ, thương mại;
+ Khu bãi xe, bến đậu;
+ Khu vực cấm;
+ Khu vực khác thuộc phạm vi khu vực cửa khẩu.
- Đối tượng kiểm tra, giám sát biên phòng tại khu vực
cửa khẩu:
+ Người Việt Nam, người nước ngoài xuất, nhập cảnh qua
cửa khẩu biên giới và đến khu vực cửa khẩu đón, tiễn khách hoặc thực hiện các
hoạt động dịch vụ, thương mại, báo chí, tham quan, du lịch;
+ Phương tiện, hàng hóa, hành lý của Việt Nam, nước ngoài ra vào khu vực cửa khẩu, xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới.
- Nhiệm vụ giám sát biên phòng:
+ Duy trì, điều hành, hướng dẫn người, phương tiện,
hàng hóa, hành lý và các hoạt động khác trong khu vực cửa khẩu theo quy định
của pháp luật và Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền;
+ Duy trì an ninh, trật tự khu vực cửa khẩu, ngăn
ngừa, phát hiện, xử lý người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập trái phép qua
cửa khẩu biên giới.
6. Đối với những trường hợp phải lưu lại nghỉ qua đêm
trong khu vực cửa khẩu vì lý do chưa hoàn thành các thủ tục xuất nhập cảnh đối
với người, phương tiện; xuất khẩu đối với hàng hóa hoặc phương tiện bị hư hỏng
thì phải xin phép và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng cửa khẩu.
Trường hợp hết thời gian tạm trú nhưng chưa giải quyết
xong công việc, nếu có lý do chính đáng cần lưu lại thì phải xin phép Đồn Biên
phòng.
III. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CÁC
HOẠT ĐỘNG XUẤT, NHẬP QUA CỬA KHẨU BIÊN GIỚI
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình các Bộ,
ngành chức năng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng chuyên ngành
thuộc quyền tại cửa khẩu biên giới thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, làm các
thủ tục xuất nhập theo quy định tại Nghị định 32/2005/NĐ-CP và các quy định
khác của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có cửa khẩu biên giới
thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng,
Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành chức năng về quy hoạch khu vực cửa khẩu, xây dựng
cửa khẩu; kiến trúc, mẫu, quy cách, biểu tượng cửa khẩu và trạm kiểm soát liên
hợp tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn chế hoặc tạm
dừng các hoạt động qua lại biên giới tại các cửa khẩu quốc tế quy định tại khoản 1, Điều 17 Nghị định 32/2005/NĐ-CP trong các trường hợp
sau:
- Đề nghị của nước hữu quan:
- Đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi chủ quyền an
ninh biên giới quốc gia bị xâm hại, địch xâm nhập, gây bạo loạn, truy bắt tội
phạm nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân hoặc lý do đặc biệt
khác;
- Đề nghị của Bộ trưởng chuyên ngành đối với các
trường hợp hạn chế hoặc tạm dừng khác thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành và
theo quy định của pháp luật.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có cửa khẩu quyết
định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại các cửa khẩu phụ
theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh.
5. Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn trưởng
Đồn Biên phòng thực hiện quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động và qua
lại biên giới theo quy định tại khoản 3, 4, Điều 17 Nghị định
32/2005/NĐ-CP; phải tuân thủ các quy định tại Điểm 4, Mục III Thông tư này
và các quy định khác của pháp luật về các trường hợp được hạn chế hoặc tạm dừng
và qua lại biên giới.
6. Quyết định hạn chế hoặc tạm dừng phải được thông
báo bằng văn bản và công khai cho các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương
và nhân dân biết để thực hiện, đồng thời phải thông báo cho Đồn Biên phòng và
chính quyền địa phương nước láng giềng biết; khi quyết định hạn chế hoặc tạm
dừng hết hiệu lực thì cấp ra quyết định phải thông báo cho các cơ quan liên
quan, nhân dân và Đồn Biên phòng nước láng giềng biết, đồng thời báo cáo lên
cấp trên việc trở lại các hoạt động bình thường.
Người có thẩm quyền ra quyết định hạn chế tạm dừng
phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
7. Đối với các trường hợp thuộc tình trạng khẩn cấp
xảy ra ở khu vực biên giới thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh về tình trạng
khẩn cấp ngày 23-3-2000 và Luật Quốc phòng ngày 14-6-2005.
8. Thời gian mở, đóng cửa khẩu biên giới trong ngày
thực hiện theo Hiệp định về quy chế biên giới hoặc thỏa thuận của Chính phủ,
chính quyền địa phương cấp tỉnh hai nước có chung biên giới; trường hợp cần rút
ngắn hoặc kéo dài thời gian mở, đóng cửa khẩu trong ngày được thực hiện như
sau:
- Đối với cửa khẩu quốc tế: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
có cửa khẩu biên giới thống nhất với chính quyền địa phương cấp tỉnh đối diện
của nước có chung biên giới trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Đối với cửa khẩu chính: Ủy ban nhân dân có cửa khẩu
biên giới quyết định sau khi đã thống nhất với chính quyền địa phương cấp tỉnh
đối diện của nước có chung biên giới và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh có cửa khẩu có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan liên quan để
thực hiện.
9. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa
khẩu biên giới bao gồm: Bộ đội Biên phòng; Hải quan; Kiểm dịch y tế; Kiểm dịch
động vật và Kiểm dịch thực vật.
- Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa
khẩu biên giới hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật theo
quy định và có trách nhiệm phối hợp, hiệp đồng trong thực hiện nhiệm vụ và giải
quyết các vụ việc xảy ra có liên quan đến các ngành tại cửa khẩu;
- Khi làm nhiệm vụ cán bộ, chiến sỹ, nhân viên các
ngành chức năng phải mặc trang phục, đeo phù hiệu, biển kiểm soát theo quy định
của từng ngành.
10. Đồn trưởng đồn Biên phòng chủ trì, phối hợp với
các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu và chính quyền địa
phương giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ chủ
quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở
khu vực cửa khẩu.
- Bố trí, sử dụng lực lượng, các loại phương tiện, vũ
khí, khí tài, kỹ thuật quân sự, công cụ hỗ trợ; tiến hành các biện pháp công
tác nghiệp vụ biên phòng; nắm chắc tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, duy
trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực cửa khẩu;
- Triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập
cảnh tại cửa khẩu; hướng dẫn, giám sát các hoạt động xuất, nhập cảnh của người,
phương tiện;
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu,
gian lận thương mại;
- Thực hiện công tác đối ngoại biên phòng theo quy
định của pháp luật;
- Phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý những hành vi
vi phạm Quy chế cửa khẩu, Quy chế khu vực biên giới, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
11. Trách nhiệm của Ban quản lý cửa khẩu.
- Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có cửa khẩu quyết định;
- Tổ chức và chủ trì các cuộc họp, giao ban với các cơ
quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu;
- Chủ trì, điều hành giải quyết những vấn đề thuộc
lĩnh vực quản lý hành chính, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh, môi trường, đối
ngoại và công tác đảm bảo cho các hoạt động tại cửa khẩu;
- Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
tại cửa khẩu thông báo biện pháp giải quyết và kết quả giải quyết những vướng
mắc phát sinh;
- Kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã
giải quyết những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền có liên quan đến thực
hiện Quy chế cửa khẩu.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày
đăng Công báo.
2. Hàng năm, Bộ Tư lệnh BĐBP căn cứ yêu cầu thực hiện
nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực
biên giới, kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu lập dự toán
ngân sách theo nội dung quy định tại Thông tư 162/2004/TTLT/BQP-BTC ngày 06/12/2004
về hướng dẫn nội dung chi và quản lý ngân sách thực hiện công tác quản lý, bảo
vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực
biên giới.
3. Hàng năm, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cửa khẩu biên giới đảm bảo nhiệm vụ
chi ngân sách cho việc khảo sát, quy hoạch, xây dựng cửa khẩu, hệ thống biển
báo, biển chỉ dẫn các khu vực cụ thể của khu vực cửa khẩu và công tác đảm bảo
cho các hoạt động quản lý hành chính theo quy định tại Điều 24
của Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia.
Việc lập dự toán, chấp hành, quyết toán và xử lý ngân
sách chi cho công tác khảo sát, quy hoạch, xây dựng cửa khẩu, hệ thống biển
báo, biển chỉ dẫn, công tác đảm bảo quản lý hành chính thực hiện theo quy định
của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm:
- Chỉ đạo Bộ chỉ huy biên phòng các tỉnh chủ trì, phối
hợp với Sở Tư pháp và các ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ
chức hội nghị quán triệt nội dung Nghị định 32/2005/NĐ-CP và Thông tư này đến
các cấp, các ngành ở địa phương; tuyên truyền phổ biến sâu rộng tới quần chúng
nhân dân để thực hiện thống nhất;
- Giúp Bộ Quốc phòng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc
tổ chức thực hiện; hàng năm tiến hành sơ kết và báo cáo kết quả tổ chức thực
hiện về Bộ Quốc phòng.
Trong quá trình tổ chức thực hiện có vấn đề gì chưa
phù hợp, hoặc khi có sự thay đổi, điều chỉnh, nâng cấp các loại cửa khẩu thì Tư
lệnh Bộ đội Biên phòng đề xuất báo cáo Bộ Quốc phòng./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Bộ Tổng tham mưu, các Tổng cục, các cơ quan đơn vị thuộc BQP;
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
- Lưu: PC.
|
BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG
Phạm Văn Trà
|
PHỤ LỤC SỐ 1
Mẫu biểu “KHU VỰC
CỬA KHẨU”
(Kèm theo Thông tư số 181/2005/TT-BQP
ngày 17 tháng 11 năm 2005)
Ghi chú:
- Cột bằng
thép ống f 100mm, dày 1,5mm cắm ở phía bên phải đi vào khu vực
cửa khẩu.
- Mặt biển
bằng kim loại, sơn phản quang, nền sơn màu xanh, chữ sơn màu trắng.
- Kích
thước biển và chữ tính bằng mm.
- o: Lỗ bắt
vít.
PHỤ LỤC SỐ 2
Mẫu “CHỮ NƯỚC ĐỐI
DIỆN”
(Kèm theo Thông tư số 181/2005/TT-BQP
ngày 17 tháng 11 năm 2005)
1. Khu
vực cửa khẩu (Chữ Trung Quốc)
2. Khu vực cửa khẩu (Chữ Lào)
3. Khu
vực cửa khẩu (Chữ Căm Phu Chia)
Ghi chú:
Chiều cao của chữ 100mm