Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Hoa

Số hiệu Khongso-01
Ngày ban hành 18/11/2009
Ngày có hiệu lực 14/07/2010
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Hồ Xuân Sơn,Vũ Đại Vĩ
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HIỆP ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là “hai Bên”);

Tuân thủ các nguyên tắc bất khả xâm phạm về lãnh thổ và biên giới quốc gia; tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng, cùng có lợi và chung sống hòa bình; cố gắng cùng nhau xây dựng biên giới trên đất liền hai nước thành biên giới mãi mãi hòa bình, đời đời hữu nghị;

Để giữ gìn sự ổn định của biên giới trên đất liền và tình hình an ninh, trật tự xã hội; tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất của dân cư hai bên biên giới; đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên giới hai nước; trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác và tin tưởng lẫn nhau, đã thỏa thuận ký kết Hiệp định này.

Chương 1.

GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ

Điều 1.

Trong Hiệp định này, hai Bên sử dụng các thuật ngữ sau:

1. “Biên giới” hoặc “đường biên giới” có ý nghĩa giống nhau, chỉ đường và mặt thẳng đứng theo đường đó xác định giới hạn lãnh thổ trên đất liền (bao gồm lòng đất, vùng nước, vùng trời) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

2 “Văn kiện hoạch định biên giới” là “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 30 tháng 12 năm 1999; “Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ” ký ngày 25 tháng 12 năm 2000 và “Hiệp ước về xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 10 tháng 10 năm 2006.

3. “Văn kiện phân giới, cắm mốc” là “Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày    tháng      năm 2009 cùng các phụ lục kèm theo bao gồm: bản đồ đính kèm Nghị định thư phân giới, cắm mốc, “Bảng đăng ký mốc giới”, “Bảng kê tọa độ và độ cao mốc giới” và “Bảng kê sự quy thuộc của các cồn, bãi trên sông, suối biên giới” …..

4. “Văn kiện kiểm tra liên hợp” là các văn kiện được ký kết sau kiểm tra liên hợp biên giới, bao gồm Nghị định thư kiểm tra liên hợp cùng các phụ lục kèm theo và các văn kiện liên quan khác.

5. “Mốc giới” bao gồm mốc chính và mốc phụ, được cắm trên đường biên giới hoặc hai bên đường biên giới, là vật thể dùng để đánh dấu đường biên giới và thể hiện hướng đi của đường biên giới tại thực địa. Tọa độ của các mốc giới được đo tại thực địa và thể hiện trong văn kiện phân giới, cắm mốc hoặc trong văn kiện kiểm tra liên hợp.

6. “Vật đánh dấu đường biên giới” là các vật thể nằm trên đường biên giới, được hai Bên cùng xây dựng hoặc xác nhận, dùng để đánh dấu hướng đi của đường biên giới tại thực địa như khối đá tự nhiên, cây cối, tường, rãnh ….

7. “Đường thông tầm nhìn biên giới” là chỉ khoảng rộng từ 5m-7m (mỗi bên rộng từ 2,5m đến 3,5m), do hai Bên cùng mở ra hai phía tại những đoạn được xác định trên đường biên giới, mục đích làm cho cho đường biên giới rõ ràng, dễ nhận biết.

8. “Vùng biên giới” là chỉ khu vực hành chính cấp huyện của hai Bên tiếp giáp đường biên giới.

9. “Cư dân biên giới” là chỉ dân cư thường trú của mỗi nước thuộc xã (trấn) tiếp giáp đường biên giới.

10. “Ngành chủ quản” là cơ quan, tổ chức được pháp luật của mỗi Bên quy định chức năng và quyền hạn giải quyết các vấn đề được quy định tại Hiệp định này.

11. “Vùng bước biên giới” là vùng nước trên các đoạn sông, suối biên giới hoặc các vùng nước khác mà đường biên giới trên đất liền đi qua.

12. “Công trình cắt qua đường biên giới” là các công trình nhân tạo cắt qua đường biên giới như đường sắt, đường bộ, đường ống dầu khí, đường dẫn điện, cáp điện, cáp quang, cầu, ngầm, đập nước …

13. “Thiết bị bay” là chỉ máy bay, tàu lượn, khí cầu …

14. “Sự kiện biên giới” là các sự kiện do con người hoặc nguyên nhân khác gây ra, vi phạm quy chế quản lý biên giới, văn kiện hoạch định biên giới hoặc văn kiện phân giới, cắm mốc giữa hai nước.

15. “Đại diện biên giới” là cá nhân được bổ nhiệm theo pháp luật của mỗi Bên, phụ trách xử lý các sự kiện biên giới và duy trì, bảo vệ Quy chế quản lý biên giới.

16. “Người xuất, nhập cảnh trái phép” là người từ lãnh thổ của Bên này đi vào lãnh thổ của Bên kia vi phạm pháp luật của một Bên hoặc những quy định của điều ước quốc tế liên quan mà hai Bên ký kết hoặc tham gia; không đi qua cửa khẩu, đường qua lại do hai Bên thỏa thuận hoặc không mang theo giấy tờ qua lại biên giới hợp pháp có hiệu lực.

17. “Trường hợp bất khả kháng” là trường hợp xảy ra do khách quan không thể dự đoán được, không thể tránh được và không thể khắc phục được.

Chương 2.

QUẢN LÝ, DUY TRÌ VÀ BẢO VỆ HƯỚNG ĐI ĐƯỜNG BIÊN GIỚI, MỐC GIỚI VÀ ĐƯỜNG THÔNG TẦM NHÌN BIÊN GIỚI

Điều 2.

Đường biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được xác định theo các văn kiện sau:

[...]