Quyết định 5224/QĐ-UBND năm 2019 về Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Quảng Bình đến năm 2025

Số hiệu 5224/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2019
Ngày có hiệu lực 31/12/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Công Thuật
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5224/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017;

Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;

Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 5312/BKHĐT-PTDN ngày 30/07/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 85/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phê duyệt chủ trương thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Quảng Bình đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 3632/TTr-KHĐT ngày 30/12/2019 về việc ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Quảng Bình đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Quảng Bình đến năm 2025.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; (b/c)
- Thường trực Tỉnh ủy; (b/c)
- Thường trực HĐND tỉnh; (b/c)
- Chủ tịch; Các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2025

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Bình đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng qua các năm: năm 2016 là 554 doanh nghiệp; năm 2017 là 590 doanh nghiệp; năm 2018 là 686 doanh nghiệp (tăng 16,2% so cùng kỳ) với số vốn đăng ký 10.409 tỷ đồng (tăng 138% so cùng kỳ); nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 5.732 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 63.888 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bình quân 154 người dân /01 doanh nghiệp1.

Từ năm 2016 đến nay, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm, Chính phủ và tỉnh Quảng Bình luôn chú trọng đến công tác phát triển doanh nghiệp, xem “Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, trong đó có DNNVV được tập trung hoàn thiện, cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại được tăng cường, góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.

Cùng với đó đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, theo định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách2. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, khắc phục khó khăn, tái cơ cấu sản xuất, tổ chức lại bộ máy nhằm duy trì và mở rộng sản xuất nên nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động kinh doanh có hiệu quả; giải quyết việc làm cho trên 49.500 lao động, với mức thu nhập bình quân 3 - 4,5 triệu đồng/tháng/người; Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, hoàn thành vượt mức kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ, việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất kinh doanh như tín dụng, đất đai, đào tạo, thị trường đầu ra, hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí do chưa có khung pháp lý hướng dẫn nên doanh nghiệp vẫn chưa phát triển cả về chất và lượng. Số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc phá sản còn nhiều3

Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, do vậy, việc khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách của tỉnh Quảng Bình hiện nay. Theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đề ra Kế hoạch đến năm 2020, trên địa toàn tỉnh có 7.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập4.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trong đó quy định về khung nội dung hỗ trợ tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, và doanh nghiệp được chuyển đổi thành lập từ hộ kinh doanh. Có thể nói Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 là hành lang pháp lý quan trọng để các thành phần của nền kinh tế chung tay hỗ trợ cho sự phát triển mạnh mẽ của DNNVV.

Với những lý do trên, việc xây dựng “Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2025” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập đồng thời khuyến khích, phát triển doanh nghiệp thành lập mới và thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay.

[...]