ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
52/2012/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 03
tháng 12 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TỔ CHỨC CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI GIA
ĐÌNH VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số
94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma
túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10/02/2012 của Liên Bộ: Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số điều của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về
tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng;
Xét đề nghị của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1049/SLĐTBXH-BTXH ngày 04/10/2012,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối
hợp tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng
trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Điều 2. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám
đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên
quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định
này.
Quyết định này có hiệu lực thi
hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Các Bộ: LĐTBXH, Công an, Y tế;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục KTVBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh;
- TT.TU; TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Báo, Đài PTTH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VX2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hùng
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TỔ CHỨC CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI GIA ĐÌNH VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY
TẠI CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành theo Quyết định số 52/2012/QĐ-UBND ngày 03/12/2012 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Kon Tum)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.
Quy chế này quy định chế độ làm việc,
cơ chế phối hợp và mối quan hệ của các cơ quan quản lý nhà nước; UBND các huyện,
thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức hội, đoàn thể
có liên quan (sau đây gọi tắt là các cơ quan) trong tổ chức thực hiện cai nghiện
ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kon
Tum.
Điều 2.
Nguyên tắc phối hợp.
1. Tuân thủ các quy định của Luật
phòng, chống ma túy và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Đảm bảo kịp thời, đồng bộ, hiệu
quả; xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong việc thực hiện cai nghiện;
tránh chồng chéo hoặc không thực hiện các trách nhiệm của đơn vị mình.
Điều 3. Nội
dung phối hợp.
1. Tuyên truyền, phổ biến về thẩm
quyền, chính sách, hình thức và công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình
và tại cộng đồng.
2. Hướng dẫn tổ chức điều tra, thống
kê, phân loại người nghiện ma túy; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức,
kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng
đồng.
3. Tổ chức các hoạt động cai nghiện;
theo dõi, động viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình và tại
cộng đồng.
4. Vận động các doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất kinh doanh, cơ sở dạy nghề có trách nhiệm tiếp nhận người cai nghiện
ma túy để tổ chức truyền nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện.
5. Trao đổi thông tin, hỗ trợ nghiệp
vụ liên quan đến việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng.
6. Tham gia giám sát, đánh giá việc
thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM
PHỐI HỢP THỰC HIỆN
Điều 4. Trách
nhiệm chung của các cơ quan.
1. Bố trí cán bộ theo dõi và phối
hợp tổ chức các hoạt động cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại
cộng đồng thuộc lĩnh vực được giao và theo đề nghị của Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội.
2. Thực hiện chế độ thông tin, báo
cáo định kỳ (báo cáo 6 tháng trước ngày 25/6 và báo cáo 01 năm trước ngày
25/12) hoặc báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu) về tình hình cai nghiện ma túy tại
gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản
lý để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh,
Bộ Lao động - TBXH.
Điều 5. Trách
nhiệm cụ thể
1. Trách nhiệm của Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định trách nhiệm đóng góp và
chế độ trợ cấp đối với nguời cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng
trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
b) Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính
hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình và
tại cộng đồng; chế độ đóng góp và miễn giảm, hỗ trợ tiền thuốc cắt cơn nghiện
ma túy đối với những người thuộc hộ nghèo, người chưa thành niên, gia đình
chính sách theo quy định của pháp luật.
c) Chủ trì, phối hợp UBND cấp huyện,
thành phố và Sở Y tế tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng;
xây dựng mô hình điều trị cắt cơn nghiện tại các phòng khám khu vực và trạm y tế
các xã, phường, trị trấn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;
d) Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh, các hội đoàn thể cùng cấp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động
người nghiện, gia đình người nghiện đăng ký tự nguyện cai nghiện.
c) Phối hợp tổ chức đào tạo tập huấn
nâng cao kiến thức, kỹ năng về tư vấn điều trị nghiện ma túy và dự phòng tái
nghiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng
đồng.
d) Định kỳ hằng năm chủ trì, phối
hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cai
nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
đ) Xây dựng và ban hành mẫu kế hoạch
cai nghiện ma túy để hướng dẫn cho Tổ công tác cai nghiện ma túy, nguời nghiện
và gia đình người nghiện ma túy thực hiện.
e) Định kỳ 6 tháng và cuối năm tổng
hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình tổ chức cai nghiện ma túy tại gia
đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh tổ chức hợp sơ kết đánh giá công tác phối hợp giữa các cơ quan nhằm
tháo gỡ vướng mắc và chỉ đạo thực hiện kịp thời.
2. Trách nhiệm của Sở Y tế:
a) Tổ chức tập huấn và cấp chứng
chỉ về điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ y tế tại địa phương.
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ y tế trực tiếp làm công tác cai nghiện ma
túy tại cơ sở.
b) Rà soát, ứng dụng các loại thuốc
và phương pháp cai nghiện cho người nghiện ma túy phù hợp với điều kiện của địa
phương.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn việc điều trị
cai nghiện ma túy, chữa bệnh xã hội; áp dụng đúng bài thuốc, phác đồ điều trị cắt
cơn nghiện ma túy do Bộ Y tế ban hành tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa
bàn tỉnh.
d) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của
các cơ sở điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy; việc xác định người nghiện ma
túy và xét nghiệm tìm chất ma túy. Cung cấp các trang thiết bị, dụng cụ, vật phẩm
y tế cần thiết để thực hiện xét nghiệm tìm chất ma túy.
3. Trách nhiệm của Công an tỉnh:
a) Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra,
hướng dẫn Công an xã, phường, thị trấn phối hợp với cán bộ Y tế, Lao động-
TBXH, các cơ quan và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp giúp UBND cấp xã trong
việc thu thập tài liệu xác định người nghiện ma túy; lập hồ sơ cai nghiện tự
nguyện tại gia đình và tại cộng đồng và áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại
cộng đồng.
b) Phối hợp với Sở Lao động -
TBXH, Sở Y tế hướng dẫn công tác nghiệp vụ cho Công an cấp xã trong việc chấp
hành các quyết định cai nghiện khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
c) Có phương án phối hợp với chính
quyền địa phương đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong công tác cai
nghiện tại gia đình và tại cộng đồng.
d) Tổ chức tập huấn hướng dẫn công
tác nghiệp vụ và sử dụng công cụ hỗ trợ cho Tổ công tác cai nghiện ma túy tại
gia đình và tại cộng đồng.
đ) Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp
với Ngành Lao động - Thương binh xã hội, Y tế, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
đoàn thể xã hội cùng cấp có liên quan trong việc thu thập thông tin người nghiện
ma túy, tuyên truyền vận động, khuyến khích người nghiện đăng ký tự nguyện cai
nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng.
4. Trách nhiệm của Sở Tài
chính
a) Trên cơ sở nguồn kinh phí Trung
ương giao và khả năng ngân sách địa phương. Hằng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối
hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét phân bổ kinh
phí cho các đơn vị, UBND huyện, thành phố thực hiện theo quy định.
b) Phối hợp Sở Lao động - TBXH hướng
dẫn nội dung chi, mức chi cho các đơn vị thực hiện theo quy định của cấp có thẩm
quyền.
5. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch
và Đầu tư:
Phối hợp thực hiện lồng ghép các
nguồn lực để tổ chức triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và tại
cộng đồng có hiệu quả, nhất là nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia về
phòng, chống ma túy.
6. Trách nhiệm của Sở Tư
pháp:
Phối hợp trong công tác tuyên truyền,
phổ biến Luật phòng, chống ma túy và các văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, các quy định của của pháp luật về xử
lý hành chính.
7. Trách nhiệm của Sở Thông
tin - Truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình, Báo Kon Tum:
Phối hợp trong công tác tuyên truyền
chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cai nghiện
ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng; nêu gương sáng, tiêu biểu
của nguời tự nguyên cai nghiện ma túy; các hoạt động hiệu quả của Tổ công tác
cai nghiện ma túy cấp xã.
8. Trách nhiệm của Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố:
a) Thường xuyên tổ chức điều tra,
thống kê nắm chắc tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn quản lý. Xây dựng
kế hoạch, bố trí nguồn lực và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cai nghiện ma túy.
b) Phối hợp Sở Y tế nâng cấp các
trạm y tế các xã, phường, trị trấn và phòng khám khu vực để điều trị cắt cơn
nghiện ma túy trên địa bàn, phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
c) Chỉ đạo phòng Lao động - Thương
binh xã hội, phòng Y tế, cơ quan Công an cùng cấp phối hợp hướng dẫn, kiểm tra
trong việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng trên địa
bàn.
d) Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân
dân cấp xã thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy và bố trí kinh phí hoạt động
theo đúng quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ
về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng; lập và thực hiện kế
hoạch cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng cấp xã; tạo điều kiện cho người
đã chấp hành xong quyết định cai nghiện có việc làm, ổn định cuộc sống.
đ) Tạo điều kiện thuận lợi về kinh
doanh, sản xuất đối với cơ sở sản xuất thuộc các tổ chức, cá nhân có tiếp nhận,
giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Vận động các tổ chức, đơn vị kinh
doanh, sản xuất trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết tổ chức sản xuất, dạy nghề,
giải quyết việc làm cho người sau cai tái hòa nhập cộng đồng.
e) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp
xã:
- Chỉ đạo Công an cùng cấp phối hợp
với các ban, ngành có liên quan trong việc thu thập tài liệu lập danh sách người
nghiện ma túy, lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức cai nghiện, phối hợp với cơ
quan công an cấp huyện trong việc tổ chức đưa người phải chấp hành quyết định
cai nghiện vào Trung tâm.
- Thành lập, chỉ đạo Tổ công tác
cai nghiện ma túy triển khai thực hiện công tác cai nghiện tại gia đình và tại
cộng đồng theo quy định của pháp luật.
- Giúp đỡ người sau cai nghiện có
việc làm, ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng bền vững, chống tái nghiện.
- Tăng cường công tác tuyên truyền
phổ biến pháp luật về công tác cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng cho
nhân dân trên địa bàn.
Điều 6. Mối
quan hệ phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức hội, đoàn
thể.
1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh: Phối hợp tuyên truyền cho
đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phát hiện, vận động người nghiện tự
nguyện cai nghiện ma túy; vận động các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh, các
nhà hảo tâm các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia giúp đỡ, hỗ trợ
tạo việc làm cho người tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng.
2. Đề nghị Tỉnh đoàn: Chỉ đạo các cơ sở Đoàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp
tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy trong độ tuổi
thanh thiếu niên tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng.
Thành lập và phân công đoàn viên trong các đội thanh niên tình nguyện tại địa
phương đảm nhận theo dõi, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng
đồng, người sau cai nghiện ở cộng đồng nhằm phòng ngừa, hạn chế tái nghiện.
3. Đề nghị Liên đoàn lao động,
Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tỉnh: Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật phòng, chống
ma túy, nâng cao trách nhiệm của các đoàn viên công đoàn, hội viên và của từng
thành viên trong gia đình người nghiện, vận động người nghiện đi cai nghiện với
các hình thức phù hợp. Phân công cho hội viên là thành viên trong các gia đình
có người nghiện đã hoàn thành thời gian cai nghiện tiếp tục theo dõi, giúp đỡ,
bảo đảm không tái nghiện, hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 7. Điều
khoản thi hành.
1. Thủ
trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong phạm vi,
nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện
nghiêm túc Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Trong
quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc cần phải bổ sung, điều
chỉnh Quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương, đề nghị
các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp,
hợp thống nhất ý kiến và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.