Quyết định 52/2008/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang
Số hiệu | 52/2008/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 05/12/2008 |
Ngày có hiệu lực | 15/12/2008 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hậu Giang |
Người ký | Nguyễn Văn Thắng |
Lĩnh vực | Thương mại,Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/2008/QĐ-UBND |
Vị Thanh, ngày 05 tháng 12 năm 2008 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 10/CP ngày 23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường;
Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 27/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/CP ngày 23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường;
Căn cứ Thông tư số 09/2001/TT-BTM ngày 13 tháng 4 năm 2001 của Bộ Thương mại hướng dẫn về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường ở địa phương;
Căn cứ Quyết định số 14/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc thành lập Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang;
Căn cứ Quyết định số 32/2008/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2008 của UBND tỉnh Hậu Giang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang;
Căn cứ Quyết định số 2074/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về việc thành lập Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng của Chi cục Quản lý thị trường
Chi cục Quản lý thị trường là cơ quan trực thuộc Sở Công Thương; có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành thương mại trên địa bàn tỉnh do Giám đốc Sở Công Thương giao.
Chi cục Quản lý thị trường chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Sở Công Thương; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Quản lý thị trường
1. Kiểm tra việc tuân theo pháp luật các hoạt động thương mại, công nghiệp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thương mại. Đề xuất với Sở Công Thương và UBND tỉnh về kế hoạch, biện pháp tổ chức thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa theo quy định của pháp luật, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động thương mại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại cho các tổ chức cá nhân hoạt động liên quan đến thương mại trên địa bàn tỉnh.
2. Củng cố, xây dựng và trực tiếp chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện hàng nhập lậu, hàng cấm; chống sản xuất, buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại theo Luật Thương mại.
3. Quản lý và thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức của Chi cục theo sự phân cấp quản lý cán bộ, công chức; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm soát viên, quản lý tài chính, tài sản, ấn chỉ được giao theo quy định; xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo các điều kiện làm việc cần thiết cho các hoạt động của lực lượng quản lý thị trường ở địa phương.
4. Giúp Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, tổ chức phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp trong tỉnh có chức năng quản lý thị trường, chống buôn lậu, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm và các hoạt động kinh doanh trái pháp luật.
5. Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả lưu thông trên thị trường và các hành vi kinh doanh trái phép khác.
6. Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm quy định về thương nhân và hoạt động thương mại theo Luật Thương mại, như:
a. Kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b. Hoạt động thương mại khi đã bị đình chỉ hoặc bị tước quyền;
c. Không có trụ sở hoặc cửa hàng, cửa hiệu thương mại; không có biển hiệu hoặc biển hiệu trái với nội dung được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
d. Đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh không có giấy phép hoặc Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoạt động trái với nội dung được ghi trong giấy phép;
đ. Kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại mà pháp luật cấm kinh doanh;