Quyết định 52/2008/QĐ-BCT về Quy chế tạm thời về bảo vệ môi trường ngành công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 52/2008/QĐ-BCT
Ngày ban hành 30/12/2008
Ngày có hiệu lực 08/02/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 52/2008/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH 11 được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 05 năm 2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời về bảo vệ môi trường ngành công thương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Công Thương và các doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:        
- Như điều 3;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Công báo;
- Website Chính phủ, Website Bộ CT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
- Lưu:VT, ATMT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng12.năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường công nghiệp, thương mại và công tác quản lý nhà nước về môi trường ngành công thương.

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương và thuộc các Sở Công Thương.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy chế này, các từ ngữ được hiểu như sau:

1. Doanh nghiệp ngành công nghiệp và thương mại (sau đây gọi là doanh nghiệp) là doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương bao gồm các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty thuộc Bộ và các đơn vị thành viên, các doanh nghiệp, đơn vị thuộc các Sở Công Thương được quy định, đăng ký theo Luật Doanh nghiệp và hoạt động trong các lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lương tái tạo, dầu khí, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác, xăng dầu, lưu thông hàng hóa trong nước, xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa và dịch vụ.

2. Hoạt động bảo vệ môi trường trong công nghiệp và thương mại (sau đây gọi là hoạt động bảo vệ môi trường) là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu của các hoạt động công nghiệp và thương mại tới môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong hoạt động công nghiệp và thương mại.

3. Kiểm toán chất thải: là một công cụ hữu ích được sử dụng để xác định loại và khối lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, giúp doanh nghiệp đưa ra giải pháp giảm lượng thải hoặc tái sinh, tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và cải thiện, nâng cao hiệu quả sản xuất, ngăn ngừa, giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

4. Công tác báo cáo môi trường: là việc lập và cung cấp các thông tin về môi trường có liên quan như số liệu, dữ liệu về các thành phần môi trường; về trữ lượng, giá trị sinh thái, giá trị kinh tế của các nguồn tài nguyên thiên nhiên; về các tác động đối với môi trường; về chất thải; về mức độ môi trường bị ô nhiễm, suy thoái và thông tin về các vấn đề môi trường khác của đơn vị tới cơ quan có thẩm quyền.

Chương II

HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI

Điều 3. Bảo vệ môi trường trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.

[...]