Quyết định 5003/QĐ-BYT năm 2021 về Kế hoạch phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 5003/QĐ-BYT
Ngày ban hành 29/10/2021
Ngày có hiệu lực 29/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5003/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÂN VÙNG DỊCH TỄ BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2025

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng; Giám đốc các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đồng chí Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

 

KẾ HOẠCH

PHÂN VÙNG DỊCH TỄ BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2025
Ban hành kèm theo Quyết định số 5003/QĐ-BYT ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế

1. Sự cần thiết của phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng

1.1. Tình hình bệnh ký sinh trùng trên thế giới

Các bệnh giun sán ký sinh là bệnh rất phổ biến ở những nước đang phát triển nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới. Các bệnh giun sán là một vấn đề sức khoẻ ưu tiên của 25% dân số trên thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2003 ước tính trên toàn cầu có trên 1,4 tỷ người nhiễm giun đũa và số người chết do giun đũa gây nên là 60.000 người mỗi năm. Số người nhiễm giun tóc ước tính là 1,4 tỷ người và số người chết do giun tóc hàng năm là 10.000 người. Số người nhiễm giun móc là 1,3 tỷ và số người chết do giun móc hàng năm là 65.000 người. Các bệnh giun sán còn gây nên tác hại khác như suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu Vitamin A, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ ở trẻ em và phụ nữ có thai (WHO, 2003).

Đến năm 2020, theo số liệu của WHO, vẫn có 1,5 tỉ người (tương đương 24% dân số thế giới) nhiễm giun truyền qua đất, phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là các vùng Cận sa mạc Sahara, châu Mỹ, Trung Quốc và Đông Á. Có trên 267 triệu trẻ mầm non và 568 triệu trẻ ở độ tuổi đến trường ở các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao cần được tẩy giun và cần có các biện pháp phòng chống (WHO, 2020 website).

Hình 1. Bản đồ phân bố nhiễm giun truyền qua đất (STH) trên thế giới

Với các bệnh lây truyền giữa động vật và người chủ yếu là ấu trùng giun đũa chó mèo, sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn, giun xoắn,... ước tính trên thế giới có khoảng 40 triệu người nhiễm sán lá và 100 triệu người nhiễm sán dây. Bệnh có liên quan chặt chẽ với tập quán ăn uống và các phương thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, các yếu tố sinh thái và vệ sinh môi trường.

Hình 2. Phân bố bệnh sán lá trên thế giới

Tác hại và gánh nặng bệnh tật của các bệnh giun sán là rõ rệt với cộng đồng và xã hội. Hậu quả của bệnh là một vấn đề nghiêm trọng nên hiện nay nhiều nước trên thế giới đã đưa công tác phòng chống các bệnh giun sán thành chương trình y tế quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia,...

Từ năm 1988 đến năm 1992, Trung Quốc đã tiến hành điều tra dịch tễ bệnh ký sinh trùng trên người tại 30 tỉnh/khu tự trị/thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc. Tổng cộng có 2.848 điểm điều tra ở 726 quận/huyện đã được chọn bằng cách lấy mẫu ngẫu nhiên, và 1.477.742 người được khảo sát bằng cách xét nghiệm phân. Tình trạng của bệnh sán lá phổi, bệnh sán chó Hydatid, bệnh ấu trùng sán lợn và bệnh giun xoắn đã được thống kê dữ liệu đầy đủ. Tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng đường ruột nói chung là 62,6% ở các tỉnh, tỉ lệ nhiễm cao nhất (94,7%) được ghi nhận ở Hải Nam và thấp nhất (17,5%) ở Hắc Long Giang. Tỉ lệ đa nhiễm cao (43,3%) trong số dân bị nhiễm bệnh (882.080 người) đã được ghi nhận. Tổng cộng 56 loài ký sinh trùng bao gồm đơn bào 19 loài, sán lá 16, sán dây 8 loài, giun tròn 12 loài và giun đầu gai 1 loài đã được phát hiện. Trong cuộc khảo sát, một loài mới đã được ghi nhận. Số lượng dân số bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột thông thường đã được ước tính. Sự đa dạng của phân bố ký sinh trùng đã được ghi nhận ở các vùng khác nhau cũng như trong các ngành nghề khác nhau [S H Yu, 1994].

Từ năm 2001 đến 2004, Trung Quốc tiến hành một cuộc điều tra trên toàn quốc tại các tỉnh/khu tự trị/thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao) để đánh giá hiện trạng và xu hướng của bệnh ký sinh trùng. Cỡ mẫu của cuộc điều tra trên toàn quốc và của cuộc điều tra ở mỗi tỉnh/khu tự trị/thành phố được xác định theo một công thức tính toán dựa trên ước tính cỡ mẫu mẫu ngẫu nhiên theo tỷ lệ dân số. Quy trình lấy mẫu ngẫu nhiên phân tầng theo cụm được thực hiện ở mỗi tỉnh dựa trên vị trí địa lý và điều kiện kinh tế với ba tầng: quận / thành phố, thị xã/thị trấn và điểm (spot); mỗi điểm bao gồm một mẫu 500 người. Các cuộc điều tra ký sinh trùng được tiến hành xác định tình trạng nhiễm giun truyền qua đất, Taenia spp và sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis, sử dụng kỹ thuật Kato-Katz, kỹ thuật băng dính scotch cellulose và nuôi cấy giấy lọc trong ống nghiệm đối với ấu trùng. Đồng thời, một cuộc điều tra lấy mẫu khác về nhiễm sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis đã được thực hiện tại các khu vực lưu hành bệnh ở 27 tỉnh. Các xét nghiệm huyết thanh học kết hợp với bảng câu hỏi và/hoặc chẩn đoán lâm sàng được áp dụng cho bệnh sán chó Hydatid, bệnh ấu trùng sán lợn, bệnh sán lá phổi Paragonimiasis, bệnh giun xoắn và bệnh Toxoplasma. Tổng số 356.629 mẫu từ 31 tỉnh/khu tự trị/thành phố đã được kiểm tra bằng các phương pháp xét nghiệm ký sinh trùng và 26 loài giun sán đã được ghi nhận. Tỉ lệ nhiễm giun sán chung là 21,74%. Tỉ lệ nhiễm giun truyền qua đất là 19,56%, nhiễm giun móc 6,12%, nhiễm giun đũa 12,72% và nhiễm giun tóc 4,63%, và ước tính số dân bị nhiễm giun truyền qua đất là 129 triệu người. Tỉ lệ nhiễm Taenia spp là 0,28% với dân số bị nhiễm là 550.000. Tỉ lệ nhiễm Clonorchis sinensis trong cuộc điều tra quốc gia là 0,58%. Từ cuộc khảo sát tại các vùng lưu hành Clonorchis sinensis đã cho thấy có 217.829 mẫu dương tính, tỉ lệ nhiễm giun kim Enterobius vermicularis ở trẻ em dưới 12 tuổi là 10,28%. Tỉ lệ dương tính của các xét nghiệm huyết thanh đối với bệnh Hydatid, bệnh nang sán, bệnh sán lá phổi paragonimiasis, bệnh giun xoắn và bệnh toxoplasma là lần lượt là 12,04% (4.796/39.826); 0,58% (553/96.008); 1,71% (1.163/68.209); 3,38% (3.149/93.239) và 7,88% (3 737/47 444). So với cuộc điều tra quốc gia gần đây nhất vào năm 1990, tỉ lệ nhiễm giun móc, giun đũa và giun tóc đã giảm lần lượt là 60,72%, 71,29% và 73,60%, và số người bị nhiễm giun truyền qua đất đã giảm đáng kể (Cheng Y Z, 2005).

1.2. Tình hình bệnh ký sinh trùng tại các nước Đông Nam Á

[...]