ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
49/2006/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 21
tháng 9 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NGĂN NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRẺ EM BỊ
XÂM HẠI TÌNH DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2006-2010” THEO QUYẾT ĐỊNH
SỐ 19/2004/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số
19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương
trình và Quyết định số 10/QĐ/DSGĐTE ngày 12/01/2005 của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em về việc phê duyệt các Đề án
ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình
dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm giai
đoạn 2004-2010”;
Thực hiện công văn số 120/BLĐTBXH
ngày 14/01/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Đề
án ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục;
Theo đề nghị Sở lao động - Thương
binh và Xã hội tại Tờ trình số 1009/TT-LĐTBXH ngày 11/9/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Ngăn ngừa và giải quyết tình
trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2006-2010”
theo Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (kèm theo Quyết định
này)
Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ
quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án chủ trì phối hợp với các ngành
liên quan, các đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội chỉ đạo, hướng dẫn và tổ
chức thực hiện Đề án có hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề
án, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, căn cứ Quyết định thi hành ./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Đ/c Chủ tịch, Các PCT UBND tỉnh;
- Chánh phó VP/UBND tỉnh;
- Lưu VT, VX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hà Văn Thạch
|
ĐỀ ÁN
NGĂN NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRẺ EM BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2006-2010 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 19/2004/QĐ/TTG
(Kèm theo Quyết định số: 49/2006/QĐ- UBND ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Phần 1
CĂN CỨ XÂY DỰNG
ĐỀ ÁN
1. Thực trạng tình hình:
Trong những năm qua, mặc dù được sự
quan của cấp ủy Đảng, chính quyền, các
ban, ngành, đoàn thể trong việc ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị
xâm hại tình dục, song số vụ và số đối tượng bị xâm hại tình dục đang có xu
hướng gia tăng. Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, từ năm 2002 đến nay
toàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ xâm hại tình dục trẻ em (năm 2002 chỉ có 6 vụ, năm
2005 tăng lên 9 vụ) số em bị xâm hại là 42 em, trong đó 11 em bị hiếp dâm chiếm
26%; 31 em bị dụ dỗ hoặc đi bán dâm chiếm 74%, ngoài ra còn xảy ra một số vụ
hiếp dâm, nhưng đối tượng và gia đình che dấu không báo tin cho các cơ quan
chức năng. Số trẻ em nằm trong diện có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục có
khoảng trên 150 em, chủ yếu tập trung tại các địa bàn các huyện như: Nghi Xuân,
Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thị xã Hồng Lĩnh,...
2. Nguyên nhân:
- Do mâu thuẫn vợ chồng, do việc làm
ăn nên nhiều gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái dẫn đến một số
em có lối sống buông thả, tạo cơ hội cho những kẻ bất lương dụ dỗ, mua chuộc,
lợi dụng.
- Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhà trường chưa làm tốt công tác tuyên
truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em về các biện pháp phòng ngừa, tự
bảo vệ trước các hành vi xâm hại tình dục. Chưa mạnh dạn tố giác tội phạm để
các cơ quan chức năng điều tra xử lý.
- Vai trò quản lý Nhà nước về các
hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, massege, karaoke chưa được tăng
cường; công tác đấu tranh, tiêu hủy các văn hóa phẩm đồi trụy, các trang
website khiêu dâm, các loại thuốc kích dục chưa có hiệu quả; việc xử lý các đối
tượng xâm hại tình dục trẻ em chưa nghiêm. Sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường
và xã hội trong việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí chưa được tiến
hành đồng bộ và có hiệu quả.
- Do nghèo đói, cuộc sống khó khăn
vất vả, nên nhiều gia đình phải cho con nghỉ học sớm để đi làm thuê ở các nhà
hàng, khách sạn, kiếm sống xa nhà vì thế dễ bị lừa gạt, bị xâm hại tình dục, bị
bắt làm gái mại dâm hoặc buôn bán ra nước ngoài.
- Một số người làm ăn bất chính có tư
tưởng giao cấu với gái còn trinh để gặp
vận may, nên bọn chủ chứa, môi giới nắm được tâm lý này đã chủ động săn lùng,
tìm kiếm, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các em. Một số tội phạm do nhận thức
kém, vô đạo đức, mất nhân tính dẫn đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em như loạn
luân, hiếp dâm, đẩy các em vào con đường mại dâm hoặc bị buôn bán vì mục đích
mại dâm.
3- Tính cấp thiết của việc xây
dựng đề án
Tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em làm
xói mòn giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa
dân tộc, chà đạp lên quyền con người của trẻ em, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát
triển thể chất, tâm, sinh lý, sức khỏe sinh
sản, học tập, thậm chí đe dọa tính mạng. Để chủ động ngăn ngừa và giải quyết
tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, ngày 12/02/2004 Thủ tướng Chính phủ có
Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải
quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải
lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010; Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Ủy ban dân số gia đình và trẻ
em có Quyết định số 10/QĐ-DSGDTE ngày 12/01/2005 về phê duyệt đề án ngăn ngừa
và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục giai đoạn 2005-2010; Bộ Lao
động Thương binh và Xã hội có công văn số 120/LĐTBXH-PCTNXH ngày 14/01/2005 về
hướng dẫn thực hiện đề án Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại
tình dục; Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết
định số 1483/QĐ-UBND ngày 12/6/2006 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề
án Ngăn chặn giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục.
Việc thực hiện đề án là đòi hỏi cấp
thiết, nhằm đáp ứng được yêu cầu bức xúc của thực tế đấu tranh và phòng chống
tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở trên địa bàn tỉnh ta hiện nay. Đặc biệt trong
những năm tới cùng với việc mở rộng quan hệ đối ngoại; phát triển kinh tế với
nhiều chương trình, dự án trọng điểm được triển khai; hệ thống các nhà hàng,
khách sạn, các khu vui chơi giải trí sẽ được đầu tư phát triển, là nguyên nhân
quan trọng để bọn buôn người hoạt động dụ dỗ trẻ em làm nghề mại dâm.
Phần 2
MỤC TIÊU, ĐỐI
TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP
I- MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về
công tác bảo vệ trẻ em. Ngăn ngừa, giảm dần tiến tới giảm cơ bản số trẻ em bị
xâm hại tình dục vào năm 2010, tạo điều kiện để các em được bảo vệ, chăm sóc,
giáo dục và phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
2. Mục tiêu cụ thể
1. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, trợ
giúp pháp lý, giải quyết có hiệu quả tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục,
phấn đấu đến 2010 có trên 90% trẻ em bị xâm hại tình dục được cung cấp các dịch
vụ cơ bản về chăm sóc sức khỏe, y tế, văn
hóa, giúp các em nhanh chóng tái hòa nhập
cộng đồng.
2. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình phúc lợi
xã hội, lồng ghép có hiệu quả với dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói
giảm nghèo trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện giúp đỡ các hộ gia đình phát triển
kinh tế, nhanh chóng thoát nghèo, ổn định
cuộc sống. Phấn đấu đến năm 2010 có trên 90% trẻ em là nạn nhân và hộ gia đình
có trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em có nguy cơ cao được hưởng thụ các chương
trình phúc lợi xã hội.
2. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của các cơ
quan chức năng trong công tác đấu tranh, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em,
phấn đấu đến năm 2010 có 100% cán bộ làm công tác quản lý và cán bộ trực tiếp
cung cấp các dịch vụ y tế - xã hội, trợ giúp pháp lý được tham gia các chương
trình đào tạo, tập huấn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và đấu tranh phòng
chống xâm hại tình dục.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi:
Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trong
đó tập trung ưu tiên các địa bàn có nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục và các địa
bàn có trẻ bị nguy cơ cao về xâm hại tình dục.
2. Đối tượng:
- Đối tượng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức:
Cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành,
đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở bảo trợ và mọi người dân
trong cộng đồng.
- Đối tượng cần bảo vệ: Trẻ em là nạn nhân bị xâm
hại tình dục; trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục như trẻ lang thang, trẻ
lao động sớm, trẻ mồ côi, thiếu người chăm sóc và các gia đình có trẻ em bị xâm
hại tình dục.
- Đối tượng cần đấu tranh: Tội phạm hiếp dâm, cưỡng
dâm, mua bán trẻ em, chủ chứa, môi giới mại dâm; các cơ sở kinh doanh sử dụng
lao động là trẻ em có nguy cơ bị lợi dụng xâm hại tình dục; các cơ sở mua, bán,
sử dụng văn hóa phẩm đồi trụy, khiêu dâm.
III. NỘI DUNG:
1. Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp:
1.1. Giúp đỡ trẻ em tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, văn hóa, giáo dục.
1.2. Tổ chức các lớp học nghề ở trung tâm và cộng
đồng cho trẻ em là nạn nhân, trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục; tư vấn,
giới thiệu việc làm cho trẻ có đủ điều kiện lao động.
1.3. Tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa
học, kỹ thuật, quản lý, chi tiêu. Hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất nhằm giúp
đỡ các gia đình có trẻ bị xâm hại tình dục và gia đình trẻ có hoàn cảnh khó
khăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, có điều kiện chăm sóc, giáo dục các
em ngày càng tốt hơn.
1.4. Vận động các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất
kinh doanh để tạo cơ hội việc làm tại cộng đồng theo nhóm hộ gia đình, giải
quyết các dịch vụ phúc lợi xã hội khác có liên quan.
1.5. Xây dựng mô hình về đấu tranh, phòng, chống
xâm hại tình dục, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục thể thao, thi tìm hiểu, tập huấn
nâng cao nhận thức về phòng chống, xâm hại tình dục trẻ em.
2. Nâng cao năng lực quản lý công tác phòng,
chống xâm hại tình dục trẻ em:
2.1. Tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng
tình hình về xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
2.2. Tập huấn nâng cao kỹ năng thu thập, xử lý
thông tin về xâm hại tình dục trẻ em của cơ quan chuyên môn và cán bộ làm công
tác xã hội
2.3. Giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân và gia đình tố giác
kẻ phạm tội, hỗ trợ cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân
điều tra, thụ lý hồ sơ và xét xử trước tòa.
3. Công tác quản lý điều hành:
- Xây dựng và hướng dẫn kế hoạch thực hiện Đề án
tổng thể và hàng năm - Tập huấn cho địa phương về công tác đánh giá có sự tham
gia của cơ quan liên quan bao gồm người thực hiện đề án và đối tượng hưởng lợi.
- Thực hiện báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất.
- Tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các địa phương
của các cơ quan chuyên trách và liên ngành.
- Tổ chức các cuộc sơ kết, tổng kết đánh giá đầu
kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ việc thực hiện đề án.
IV. GIẢI PHÁP:
1. Giải pháp chung:
1.1. Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ trợ
giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị xâm hại tình dục bằng các
nội dung và hình thức phù hợp với hoàn cảnh của từng em.
1.2. Xây dựng các chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn
cảnh khó khăn, trẻ bị xâm hại tình dục. Đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác bảo vệ trẻ em, ngăn chặn và giải
quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục; gắn việc thực hiện đề án với các
chiến lược, chương trình mục tiêu kinh tế-xã hội khác có liên quan (xóa đói,
giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề,...)
1.3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh
giá tình hình thực hiện các nội dung của Đề án, việc thi hành Luật bảo vệ, chăm
sóc và giáo dục trẻ em, các chính sách dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em là
nạn nhân. Xử lý nghiêm các vi phạm quyền trẻ em.
1.4. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên
các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị, đoàn thể và toàn xã
hội về công tác ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục.
2. Các giải pháp cụ thể:
2.1. Củng cố, phát triển, đa dạng mô hình cung cấp
các dịch vụ y tế - xã hội, tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ nâng cao chất
lượng và hiệu quả của các loại mô hình.
2.2. Thiết lập mạng lưới và hoạt động liên kết,
phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ luật pháp, cơ quan chuyên trách về trẻ em,
đoàn thể xã hội, cơ quan tuyên truyền - giáo dục để tăng cường bảo vệ, chăm
sóc, huy động rộng rãi nguồn tài chính, nhân lực, kỹ thuật, giúp đỡ trẻ em bị
xâm hại tình dục điều trị, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng.
2.3. Đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ cung cấp các
dịch vụ có đủ trình độ và kiến thức, kỹ năng, năng lực phù hợp với vị trí và
nhiệm vụ được giao theo hướng chuẩn hóa kiến
thức, tiêu chuẩn, điều kiện.
2.4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý
vi phạm trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước đối với các cơ sở kinh
doanh dịch vụ có môi trường dễ phát sinh xâm hại tình dục trẻ em, khuyến khích,
bảo vệ trẻ em là nạn nhân và gia đình tố giác tội phạm, hỗ trợ các cơ quan Công
an, Viện kiểm sát, Tòa án thụ lý hồ sơ xét xử trước tòa.
2.5. Thực hiện hiệu quả chương trình Quốc gia xóa
đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phòng chống tệ
nạn mại dâm, ma túy, nâng cao dân trí, phát triển giáo dục, trong đó ưu tiên
vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, huy động nguồn lực tại chỗ cho phát triển kinh
tế-xã hội ở địa phương; huy động nhân dân tự tham gia xác định các vấn đề cần
ưu tiên giải quyết, biện pháp giải quyết và tham gia tích cực trong quá trình
thực hiện.
3. Kinh phí thực hiện Đề án
Tổng kinh phí là: 760 triệu đồng (có phụ lục kèm
theo)
Trong đó:
- Kinh phí Trung ương cấp là: 600 triệu đồng.
- Ngân sách tỉnh cấp: 160 triệu đồng.
- Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã có trách nhiệm đầu tư thêm ngân sách cho các hoạt động
triển khai ở cấp xã, phường.
Phần 3
YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN
1. Đề án triển khai góp phần nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội cộng đồng và
gia đình có trẻ em, trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đảm bảo mọi trẻ
em có cơ hội được thực hiện các quyền cơ bản của mình, hạn chế tới mức thấp
nhất số trẻ em bị xâm hại tình dục.
2. Các hoạt động của Đề án sẽ là cơ sở đóng góp
thiết thực giảm tối đa hậu quả trẻ em bị xâm hại tình dục, tạo ra mô hình hiệu
quả thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của các cấp, các ngành, đoàn thể
xã hội, các thành phần kinh tế. Mạng lưới tổ chức, cơ sở làm công tác phòng,
chống xâm hại tình dục trẻ em được tăng cường và phối hợp hiệu quả hơn.
3. Trẻ em là nạn nhân: được bảo vệ, chăm sóc y tế,
giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp để có thu nhập, ổn định cuộc sống vật
chất và tinh thần, lấy lại niềm tin vào con người, vào cuộc sống.
4. Trẻ em thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, gia
đình các em: có cơ hội tiếp cận các dịch vụ, được giúp đỡ, tạo các cơ hội học
tập, học nghề, tìm việc làm phù hợp,... nhằm hạn chế khả năng bị bọn xấu lợi
dụng, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội và bị xâm hại tình dục.
5. Cán bộ chính quyền và các ngành chức năng, đoàn
thể xã hội các cấp sẽ được hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, tạo điều kiện vật
chất cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng.
Phần 4
TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Trong giai đoạn 2006-2010 tập trung chỉ đạo, triển
khai thực hiện các nội dung của Đề án tại các huyện, thị xã; lấy xã, phường,
thôn, xóm làm trọng điểm thực hiện các nội dung của Đề án.
1. Thời gian thực hiện: Chia làm 2 giai đoạn.
1. Giai đoạn 2006-2007:
Tập trung vào những hoạt động làm nền tảng để tiếp
tục nâng cao chất lượng gồm:
- Điều tra, khảo sát, thu thập, phân tích thông tin
về tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục.
- Xây dựng và thống nhất các chỉ tiêu đánh giá,
giám sát kết quả thực hiện theo 2 giai đoạn. Thực hiện có nền nếp hoạt động báo
cáo, giám sát, trao đổi thông tin.
- Kết nối hệ thống mạng lưới các tổ chức, cơ sở
thực hiện công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
- Giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân và gia đình trẻ em bị
xâm hại tình dục tố giác tội phạm
- Hỗ trợ cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án
điều tra, thụ lý hồ sơ và xét xử trước tòa.
- Cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, pháp lý và
kinh tế-xã hội thông qua các chương trình dạy nghề và tạo việc làm,... hỗ trợ
trẻ em là nạn nhân có điều kiện phát triển bình thường.
- Tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác phòng,
chống xâm hại tình dục trẻ em.
- Mở lớp đào tạo nghề cho các em ở Làng trẻ mồ côi
Hà Tĩnh.
- Kiểm tra, giám sát định kỳ và đánh giá giữa kỳ
vào năm 2007.
2. Giai đoạn 2008-2010:
- Tập huấn nâng cao năng lực và tập huấn mới cho
cán bộ luân chuyển, bổ sung.
- Mở rộng các mô hình hiệu quả.
- Tiếp tục vận hành mạng lưới liên kết và phối hợp
có hiệu quả.
- Từ chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mạng lưới đưa
công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em vào hoạt động tích cực, thường
xuyên của các địa phương, các ngành liên quan.
- Đánh giá tổng kết thực hiện Đề án.
2. Phân công trách nhiệm:
1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan
chủ trì:
- Xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm
của Đề án, thông qua Ban chỉ đạo thống nhất tổ chức triển khai thực hiện.
- Tổ chức điều tra, kiểm tra, giám sát và tổng hợp
tình hình bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục và báo cáo tình hình thực hiện hàng
năm.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác xã hội
và các hộ gia đình có trẻ em bị xâm hại tình dục.
- Phân phối kinh phí được giao theo nội dung công
việc thực hiện.
2. Các cơ quan phối hợp:
- Sơ Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức
chỉ đạo, hướng dẫn các trường tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học
tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
- Ủy ban Dân
số, Gia đình và Trẻ em phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng và các
ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả Đề án tuyên truyền, vận động và nâng cao
năng lực quản lý đối với Đề án trẻ em bị xâm hại tình dục.
- Công an tỉnh nắm tình hình, diễn biến của tội
phạm tại các địa phương, điều tra, thụ lý theo quy định của pháp luật đồng thời
báo cáo kết quả về thường trực Ban chỉ đạo khi có tội phạm phát sinh và định kỳ
báo cáo quý, năm tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục về ban chỉ đạo.
- Sở Y tế chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp
chăm sóc sức khỏe cho các em nằm trong độ
tuổi thanh thiếu niên và trẻ em bị xâm hại tình dục nói riêng, giúp đỡ các em
ổn định sức khỏe, tâm lý để hòa nhập cộng
đồng.
- Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối
hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, giáo dục, thông tin
tuyên tuyền cho thanh, thiếu niên để thực hiện các mục tiêu của đề án. Đồng
thời tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng động viên, khích lệ các em bị xâm
hại tình dục xóa bỏ các mặc cảm, thay đổi hành vi tâm lý để hòa nhập cộng
đồng,... Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền rộng rãi trong thanh,
thiếu niên, tổ chức các hoạt động giao lưu, văn hóa,
văn nghệ,... phòng chống trẻ em bị xâm hại tình dục.
- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân
tỉnh phối hợp cùng Công an tỉnh làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử các
vụ án về tội xâm phạm tình dục trẻ em và chỉ đạo ngành Kiểm sát và Tòa án cấp
huyện, thị xã theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của ngành.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã hàng năm căn
cứ vào mục tiêu nhiệm vụ của đề án để cân đối mức kinh phí phù hợp với khả năng
ngân sách Nhà nước tương ứng với nhiệm vụ, nội dung của Đề án.
- Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã nắm chắc tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em
có nguy cơ bị xâm hại tình dục tại địa phương, để xây dựng và tổ chức thực hiện
kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm của Đề án. Tổ chức kiểm tra, giám sát và
tổng hợp tình hình bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục và báo cáo kết quả thực
hiện hàng quý, năm về Ban chỉ đạo tỉnh./.