QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 480 /2011/QĐ-UBND ngày 16 /3/2011 của Uỷ
ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này hướng dẫn quản lý, khai thác và bảo
vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung (Sau đây gọi chung là công
trình cấp nước sinh hoạt nông thôn) được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước
(kể cả nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức cá nhân thông qua
các cơ quan Nhà nước để đầu tư) hỗ trợ từ 30% trở lên và đưa vào quản lý, khai
thác, sử dụng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Đối tượng áp dụng
Là các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng,
hoạt động quản lý, khai thác, bảo vệ công trình và được cấp nước sinh hoạt nông
thôn.
Điều 2. Nguyên tắc
quản lý, khai thác và phát triển các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn
1. Các tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền
giao, tiếp nhận quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông
thôn để thực hiện dịch vụ cấp nước phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định này và
các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan.
2. Phát triển hoạt động cấp nước bền vững trên
cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt đảm
bảo chất lượng dịch vụ cho nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
3. Việc quản lý, khai thác nước sinh hoạt không
phụ thuộc vào địa giới hành chính.
4. Việc xây dựng, nâng cấp, đầu tư phát triển
các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được thực hiện theo các quy định về
đầu tư xây dựng hiện hành của Nhà nước.
5. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ
chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển và quản lý, khai thác công trình cấp
nước sinh hoạt nông thôn.
6. Dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn được hoạt
động theo phương thức tự chủ về tài chính.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Tổ chức quản
lý, khai thác công trình
1. Mọi công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đều
phải có tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, khai thác và bảo vệ.
2. Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt
nông thôn được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc
từ ngân sách Nhà nước (như Mục 1 Điều 1 đã nêu), sau khi xây dựng hoàn thành,
chủ đầu tư phải bàn giao công trình và một bộ hồ sơ hoàn công cho đơn vị quản
lý, khai thác theo quy định.
3. Việc quản lý, khai thác công trình được quy định
cụ thể như sau:
a) Cấp quyết định giao quản lý, khai thác công
trình:
- Công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ cho một xóm,
liên xóm và cả xã, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) xã quyết định lựa chọn
đơn vị quản lý, khai thác công trình;
- Công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ cấp nước
liên xã do Chủ tịch UBND huyện quyết định lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác
công trình;
- Công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ cấp nước
liên huyện do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác
công trình.
b) Nguyên tắc lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác
và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
- Đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông
thôn đã đưa vào sử dụng:
+ Công trình đang được các tổ chức, cá nhân quản
lý, khai thác phát huy hiệu quả thì tổ chức, cá nhân đó tiếp tục được giao thực
hiện quản lý, khai thác công trình;
+ Đối với công trình chưa có tổ chức, cá nhân quản
lý, khai thác hoặc đã có nhưng việc quản lý khai thác công trình không phát huy
được hiệu quả thì UBND cấp giao quản lý, khai thác tiến hành lựa chọn, ký thoả
thuận và bàn giao công trình cho các tổ chức, cá nhân khác có đủ năng lực thực
hiện quản lý khai thác công trình.
- Đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông
thôn làm mới:
Sau khi xây dựng hoàn thành, dựa theo phạm vi cấp
nước chủ đầu tư bàn giao công trình cho UBND cấp giao quản lý, khai thác để lựa
chọn, ký thoả thuận với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình theo quy
định.
4. Đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông
thôn do tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch được cấp
có thẩm quyền phê duyệt thì tổ chức, cá nhân đó tự thực hiện quản lý, khai thác
công trình nhưng phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, chất lượng nước
và khung giá thu tiền nước của Nhà nước.
Điều 4. Điều kiện để được
giao quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn
Mọi tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về năng lực
(có cán bộ quản lý, vận hành đã được đào tạo qua lớp tập huấn về nghiệp vụ kỹ
thuật, quản lý vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, có quy chế hoạt
động cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật) đều được xem xét giao quản lý,
khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Điều 5. Giá nước sinh
hoạt nông thôn và các khoản thu - chi
1. Đồng tiền dùng để thu - chi
Tính theo tiền Việt Nam đồng.
2. Giá nước sinh hoạt
a. Thực hiện
theo biểu giá nước sinh hoạt nông thôn do UBND tỉnh ban hành.
b. Các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai
thác và bảo vệ công trình tự quyết định giá nước cho các mục đích khác, nhưng
phải đảm bảo phù hợp với khung giá nước do UBND tỉnh ban hành.
3. Các khoản thu - chi
a. Các khoản thu:
- Thu tiền nước sinh hoạt phục vụ cho con người;
- Thu tiền nước phục vụ các mục đích khác (như
nhà hàng, rửa xe ...);
- Thu tiền phạt khi tổ chức, cá nhân quản lý,
khai thác, bảo vệ công trình và tổ chức, cá nhân sử dụng nước sinh hoạt vi phạm.
b. Các khoản chi:
- Chi trả phụ cấp cho bộ máy quản lý, khai thác
và bảo vệ công trình;
- Chi cho bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa các hỏng
hóc các hạng mục và thiết bị của công trình trong quá trình sử dụng cần phải
làm để duy trì sự hoạt động thường xuyên và bảo đảm số lượng, chất lượng nước
sinh hoạt;
- Dự phòng.
Điều 6. Bảo vệ công
trình cấp nước sinh hoạt nông thôn
1. Trách nhiệm chung
Bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt nông
thôn là trách nhiệm của mọi công dân. Chính quyền các cấp có trách nhiệm chỉ đạo
các tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý khai thác và hướng dẫn quần chúng, nhân
dân tham gia bảo vệ an toàn công trình cấp nước trên địa bàn.
2. Trách nhiệm chính
Các tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, khai
thác công trình có trách nhiệm chính trong việc tổ chức lực lượng bảo vệ, đảm bảo
an toàn công trình cấp nước do mình quản lý.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá
nhân trong quản lý vận hành, khai thác, bảo vệ và sử dụng nước từ công trình cấp
nước sinh hoạt
1. Đối với tổ chức, cá nhân trong quản lý, khai
thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt
a) Quản lý vận hành, khai thác công trình đảm bảo
nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân khu vực hưởng lợi theo năng lực, nhiệm vụ của
từng công trình;
b) Theo dõi, kiểm tra, ghi chép nhật ký quản lý
công trình, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, sửa chữa công trình trong quá
trình sử dụng;
c) Xây dựng nội quy, quy định về quản lý, sử dụng,
bảo vệ công trình đảm bảo công trình hoạt động theo đúng quy trình kỹ thuật;
d) Thu tiền
nước, hạch toán các chi phí quản lý, khai thác và bảo vệ công trình.
2. Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước sinh hoạt.
a) Được cấp nước sinh hoạt theo hợp đồng (hoặc
thoả thuận thống nhất giữa người sử dụng và tổ chức, cá nhân quản lý công trình)
và phù hợp với công suất thiết kế.
b) Người sử dụng nước phải tham gia bảo vệ công
trình
- Trường hợp công trình xảy ra sự cố hoặc có
nguy cơ xảy ra sự cố phải có trách nhiệm kịp thời báo cáo tổ chức, cá nhân quản
lý công trình; tham gia ứng cứu, khắc phục, sửa chữa, bảo vệ công trình theo sự
huy động của chính quyền địa phương các cấp và đơn vị, cá nhân quản lý, khai
thác công trình;
- Khi công trình bị xâm hại, phải có trách nhiệm
ngăn chặn, khắc phục nếu có thể thực hiện được hoặc báo cáo ngay cho UBND xã,
huyện, đơn vị, cá nhân quản lý, khai thác công trình để kịp thời xử lý.
c) Nộp tiền sử dụng nước sinh hoạt và các mục
đích khác theo quyđịnh.
Điều 8. Trách nhiệm của
các ngành, các cấp
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cấp
nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh;
b) Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức thực hiện
công tác đào tạo cán bộ, cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng tập huấn
nâng cao năng lực về tổ chức quản lý khai thác, vận hành và bảo dưỡng công
trình cấp nước sinh hoạt nông thôn;
c) Lập và trình phương án giá thu tiền nước;
d) Thực hiện thanh tra, kiểm tra đánh giá hiện
trạng và chất lượng nước các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn theo quy định.
2. Sở Tài chính
a) Tổ chức thẩm định giá dịch vụ cấp nước, giá
nước sinh hoạt nông thôn trình UBND tỉnh quyết định;
b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện hạch
toán nguồn thu dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn theo quy định hiện hành.
3. Sở Y tế
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng nước
theo tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch hiện hành.
4. Uỷ ban nhân dân các huyện, Thị xã
a) Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cấp
nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn;
b) Chỉ đạo và kiểm tra UBND các xã thực hiện chức
năng quản lý Nhà nước đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; thường
xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác
công trình đảm bảo quản lý vận hành khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước,
cấp nước sinh hoạt trên địa bàn;
c) Tổ chức các hoạt động truyền thông về nước sạch
và vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao nhận thức cho người dân về quyền và
nghĩa vụ trong quản lý sử dụng nguồn nước. Ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm
về bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật.
5. Uỷ ban nhân dân xã, phường
a) Quy định phạm vi bảo vệ công trình nước và
nguồn nước, các hành vi bị cấm trong phạm vi bảo vệ công trình và nguồn nước
trên địa bàn;
b) Phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện phương
án bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn;
c) Huy động các nguồn lực trong trường hợp công
trình cấp nước bị sự cố phải ứng cứu;
d) Thường xuyên kiểm tra trách nhiệm thực hiện bảo
vệ công trình, nguồn nước của tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác
công trình.
6. Các ngành, các cấp và các tổ chức quản lý,
khai thác công trình thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên, đột xuất theo chức
năng, nhiệm vụ và yêu cầu khác của cấp trên hoặc cơ quan chuyên ngành.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Khen thưởng và xử lý
vi phạm
1. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản
lý, khai thác, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được khen thưởng
theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Xử lý vi phạm
a) Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phát hiện,
ngăn chặn và kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động cấp nước
sinh hoạt nông thôn;
b) Mọi hành vi vi phạm trong hoạt động cấp nước
sinh hoạt nông thôn theo quy định của pháp luật và Quy định này thì tuỳ theo
tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình
sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
3. Phân cấp khen thưởng và xử lý vi phạm
Uỷ ban nhân dân cấp nào giao quản lý, khai thác
và bảo vệ công trình là cấp thực hiện khen thưởng và xử lý vi phạm. Ngoài ra,
tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách
nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật.
Điều 10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với
các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị kiểm tra việc thực hiện Quy
định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề vướng
mắc, các địa phương kịp thời phản ánh cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, bổ sung./.