Quyết định 4795/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030"

Số hiệu 4795/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2022
Ngày có hiệu lực 31/12/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đầu Thanh Tùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4795/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 31 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "BẢO TỒN, PHÁT HUY VÀ PHÁT TRIỂN TIẾNG NÓI, CHỮ VIẾT, TRANG PHỤC, NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 696-QĐ/TU ngày 09/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX ban hành Chương trình nâng cao chất lượng văn hoá giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 25/5/2021 của Tỉnh uỷ về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX;

Căn cứ Kết luận số 2156-KL/TU ngày 12/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” ;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 6053/TTr- SVHTTDL ngày 25/12/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030" với những nội dung chính như sau:

1. Quan điểm

- Bảo tồn và phát huy, phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về phát triển giữ các vùng miền trong toàn tỉnh; phải đặc biệt coi trọng, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số đi đôi với sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông; khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số học tập, sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết phổ thông và người dân tộc kinh, nhất là thế hệ trẻ học tập, sử dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số.

- Bảo tồn và phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế; trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

- Bảo tồn và phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống các dân tộc thiểu số phải có hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo huy động các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ của nhà nước. Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, các dân tộc, các địa phương phải tự vươn lên, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy nội lực của mình.

- Tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống trong tiếng nói, chữ viết; trang phục, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo giá trị văn hoá mới; góp phần phát triển kinh tế với bảo tồn các loại hình văn hoá dân tộc.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống các dân tộc thiểu số nhằm chấn hưng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa tộc người, thúc đẩy sinh kế đa dạng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2023-2025

- Căn bản hoàn thành việc sưu tầm, biên soạn và số hóa các tư liệu, tài liệu, sách, tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu lưu giữ tiếng nói, chữ viết; thông tin, dữ liệu về trang phục, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số và tổ chức truyền dạy trong cộng đồng; biên soạn được sổ tay tiếng nói cho dân tộc Mường và tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái, Mông, Dao; xây dựng được phòng trưng bày truyền thống; tuyên truyền quảng bá về giá trị văn hóa truyền thống trên các kênh thông tin đại chúng và không gian mạng.

- Các huyện miền núi tổ chức được các lớp đào tạo đội ngũ nghệ nhân có khả năng truyền dạy tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống dân tộc Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

- Các huyện miền núi tổ chức được các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống trong cộng đồng và trong hệ thống các trường dân tộc nội trú trên địa bàn.

- Các huyện miền núi xây dựng được các mô hình CLB dạy học tiếng nói, chữ viết; mô hình bảo tồn và phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề thủ công của dân tộc Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú.

[...]