Quyết định 47/2022/QĐ-UBND quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 47/2022/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/09/2022
Ngày có hiệu lực 10/10/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Lê Đức Giang
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2022/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 27 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH KHU VỰC, ĐỊA ĐIỂM ĐỔ THẢI, NHẬN CHÌM ĐỐI VỚI VẬT CHẤT NẠO VÉT TỪ CÁC HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ ĐƯỜNG BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/06/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày

Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21/6/2012

Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25/6/2015;

Căn cứ Bộ Luật hàng hải Việt Nam ngày 25/11/2015;

Căn cứ Nghị định số 40/2016/NĐ CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số /2018/NĐ ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa

Căn cứ Thông tư số 33/2019/TT-BGTVT ngày 06/9/2019 của Bộ trưởng bộ giao thông vận tải quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa;

Căn cứ Thông tư số 28/2019/TT BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 8044/STNMT-BHĐ ngày 10 tháng 9 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có liên quan đến hoạt động nạo vét, đổ thải, nhận chìm vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 3. Nguyên tắc xác định khu vực, vị trí đổ thải, nhận chìm vật chất nạo vét

1. Khu vực đề xuất đổ thải, nhận chìm phải có quy mô đáp ứng duy trì hoạt động ổn định, an toàn trong quá trình vận chuyển, tuân thủ các quy định của luật pháp có liên quan, không tạo ra các xung đột về lợi ích và môi trường.

2. Khu vực đề xuất đổ thải trên đất liền được xem xét trên cơ sở các điều kiện địa chất, địa chất thủy văn (đặc điểm vật lý và cấu tạo các tầng đất, quy luật phân bố, tính chất vật lý của nước ngầm…), không làm cản trở thoát nước, gây trở ngại cho thoát lũ, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; bảo vệ môi trường.

3. Khu vực nhận chìm ở biển được thực hiện trên cơ sở điều tra các thông tin gồm: đặc điểm của đáy biển (độ sâu, địa hình, địa chất, thành phần sinh học, hệ sinh thái và các hoạt động khác tác động đến khu vực đáy biển…); tính chất của cột nước (tính chất vật lý; sự phân tầng của cột nước theo độ sâu; đặc điểm sóng, gió; các chất lơ lửng và sự biến đổi các tính chất trên do gió bão và theo mùa); các đặc tính hóa học và sinh học của cột nước (pH, độ mặn, ôxy hòa tan ở bề mặt và tầng dưới, nhu cầu ôxy sinh hóa, nhu cầu ôxy hóa học, các chất dinh dưỡng…). Trong quá trình lựa chọn, xem xét khoảng cách từ khu vực biển sử dụng để nhận chìm đến các khu vực biển sử dụng cho mục đích khác như: các khu vực du lịch, đánh bắt nuôi trồng hải sản, bảo tồn, hàng hải, an ninh - quốc phòng. Khoảng cách này được xác định dựa trên điều kiện thực tế đảm bảo nguyên tắc việc nhận chìm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các khu vực trên.

4. Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; đảm bảo các yếu tố theo quy định tại khoản 2, Điều 17, Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các yếu tố sau:

a) Không gây ra tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản theo quy định pháp luật;

[...]