Quyết định 4553/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 của tỉnh Bình Định

Số hiệu 4553/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/12/2017
Ngày có hiệu lực 08/12/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Trần Châu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4553/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2018 CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

Căn cứ Công văn số 6251/BYT-DP ngày 01/11/2017 của Bộ Y tế về việc xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 347/TTr-SYT ngày 30/11/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 của tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch nêu tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Trưởng ban Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Châu

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2018 CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4553/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)

Phần I

TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2017

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

1. Tình hình dịch bệnh trên thế giới:

Những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi như MERS-CoV ở Trung Đông và Hàn Quốc, Ebola ở Tây Phi, dịch hạch ở Châu Phi, cúm gia cầm A(H7N9) ở Trung Quốc…, hoặc các bệnh tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác.

Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia. Hiện bệnh lưu hành tại hơn 128 quốc gia, có hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7 nước trong tình trạng mắc sốt xuất huyết nặng nề, bệnh luôn là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhập viện và tử vong ở trẻ em; từ năm 1980 trở lại đây số mắc sốt xuất huyết đã tăng lên gần gấp 5 lần so với 30 năm về trước. Năm 2017, tỷ lệ mắc/100.000 dân tại nhiều nước khu vực châu Mỹ và Đông Nam Á ở mức rất cao như: Peru (195), Nicaragua (199), Argentina (121), Brazil (171), Ecủador (49), Malaysia (141), Philippines (33), Lào (30), Singapore (20).

Tháng 5/2017, dịch bệnh Ebola bùng phát trở lại tại Cộng hòa dân chủ Công gô với báo cáo 01/05 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút Ebola.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch cúm A(H7N9) đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc từ tháng 10/2016 tới nay, tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013 với hơn 340 trường hợp mắc chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017. Tính đến nay, tại Trung Quốc đã đã ghi nhận 1.622 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 619 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 38,2%). Số lượng mắc thường tăng cao vào những tháng mùa Đông - Xuân do điều kiện thời tiết thuận lợi và nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao.

2. Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam:

Bệnh sốt xuất huyết vẫn là bệnh truyền nhiễm gây dịch ở hầu hết các địa phương với tỷ lệ mắc và tử vong cao. Từ đầu năm đến 17/11/2017 cả nước ghi nhận 163.668 trường hợp mắc (138.327 trường hợp nhập viện), 30 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (103.063/35), số trường hợp nhập viện tăng 34,2%, tử vong giảm 05 trường hợp. Trong đó, 10 tỉnh/thành phố có số mắc cao là Hà Nội 36.665 trường hợp, Thành phố Hồ Chí Minh 29.889 trường hợp, Bình Dương 11.574 trường hợp, Đà Nẵng 7.735 trường hợp, Nam Định 5.407 trường hợp, Đồng Nai 5.349 trường hợp, An Giang 4.644 trường hợp, Đồng Tháp 3.344 trường hợp, Quảng Nam 3.035 trường hợp, Sóc Trăng 3.055 trường hợp.

Bệnh do virus Zika xâm nhập và lưu hành tại Việt Nam từ năm 2016. Đến ngày 17/11/2017 trên cả nước ghi nhận 34 trường hợp mắc tại 9 tỉnh/thành phố trong tổng số 737 mẫu xét nghiệm.

Bệnh tay chân miệng bùng phát tại Việt Nam từ năm 2011, tiếp tục tăng mạnh vào năm 2012. Từ năm 2013 đến 2016 số mắc giảm, nhưng năm 2017 có xu hướng tăng trở lại. Tính đến ngày 17/11/2017 cả nước ghi nhận 94.950 trường hợp mắc (43.164 trường hợp nhập viện) tại 63 tỉnh/thành phố. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 5,1%.

[...]