ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 55/KH-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 26 tháng 02 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG,
CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2018
Năm 2017, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh mới và nguy hiểm phát
sinh, gia tăng tại nhiều nước trên thế giới. Dịch bệnh
MERS-CoV tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh ở các quốc gia khu vực Trung
Đông, Bệnh cúm A (H7N9) liên tục ghi nhận tại Trung quốc. Ở Việt Nam, sốt xuất
huyết đã bùng phát ở Hà Nội, gia tăng ở các tỉnh miền Nam,
khu vực Tây Nguyên, ven biển miền Trung và một số tỉnh miền Bắc. Dự báo năm
2018 tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến
phức tạp, có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Để chủ động
triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 như sau:
I. MỤC TIÊU CHUNG
Giảm 5-10% tỷ lệ mắc và tử vong do
các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn
2011 - 2016. Khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng
phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển
kinh tế, xã hội.
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ
I. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm,
đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh
truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm
nhập vào địa bàn tỉnh.
2. Bảo đảm công tác phân tuyến điều
trị, giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời
các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp
tử vong, biến chứng.
3. Tăng cường công tác truyền thông,
nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch
bệnh.
4. Bảo đảm hiệu
quả hoạt động phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh,
kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương.
5. Đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư,
hóa chất, nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh
tại các tuyến.
III. CÁC CHỈ TIÊU CHUYÊN MÔN
- 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh
được phát hiện và xử lý kịp thời.
- 100% đối tượng kiểm dịch y tế
biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định,
không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu.
- 100% cán bộ làm công tác thống kê,
báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, công
tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng và hướng dẫn sử dụng
báo cáo bằng phần mềm qua mạng internet.
Chỉ tiêu đối với một số bệnh truyền nhiễm, cụ thể:
- Bệnh tay chân miệng:
+ Tỷ lệ mắc: ≤ 5/100.000 dân;
+ Không có tử vong.
- Bệnh sốt xuất huyết:
+ Không đề dịch bệnh lớn xảy ra;
+ Tỷ lệ mắc: ≤ 14/100.000 dân;
+ Không có tử vong.
- Bệnh thủy đậu:
+ Tỷ lệ mắc: ≤ 3/100.000 dân;
+ Không có tử vong.
-Bệnh sởi:
+ Không để dịch bệnh lớn xảy ra;
+ Tỷ lệ mắc: ≤ 2/100.000 dân;
+ Không có tử vong.
- Cúm A (H5N1):
+ Giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp
thời ổ dịch;
+ Không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
- Cúm A (H7N9):
+ Giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp
thời ổ dịch;
+ Không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
- MERS-CoV:
+ Giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp
thời ổ dịch;
+ Không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
- Bệnh dại:
+ Khống chế ≤ 2 trường hợp tử vong.
- Bệnh tả:
+ Giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp
thời ổ dịch;
+ Không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
- Các bệnh truyền nhiễm thuộc chương
trình tiêm chủng mở rộng:
+ Duy trì thành quả thanh toán bại liệt,
loại trừ uốn ván sơ sinh;
+ Tỷ lệ tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt ≥ 98% quy mô xã, phường.
- Các bệnh truyền nhiễm lưu hành
khác:
+ Giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp
thời dịch bệnh;
+ Không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
IV. CÁC GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN
1. Tổ chức, chỉ đạo điều hành
- Kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo
phòng, chống dịch bệnh các cấp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động
trong phòng, chống bệnh dịch, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống
và ứng phó khi dịch bệnh xảy ra tại địa phương.
- Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban
nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sớm phê duyệt kế hoạch
phòng, chống dịch bệnh, cấp và bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch
bệnh và các chương trình mục tiêu Y tế.
- Tăng cường xã hội hóa công tác
phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, huy động các tổ chức chính trị, chính trị
- xã hội, người dân phối hợp với cơ quan quản lý nhằm phát huy được hiệu quả
cao nhất.
2. Chuyên môn kỹ thuật
2.1. Các giải pháp giảm mắc
- Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác
phòng, chống dịch năm 2017, đề xuất các biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện
công tác phòng, chống dịch năm 2018.
- Duy trì, kiện toàn các đội cơ động
chống dịch bệnh tại từng khu vực và các cấp có đủ năng lực và trang thiết bị sẵn
sàng thực hiện xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến trước khi có dịch bệnh xảy ra. Tổ chức
giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời đáp ứng
với các tình huống về dịch bệnh.
- Tăng cường giám sát bệnh chủ động tại
cửa khẩu, cảng biển và cộng đồng; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời
thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, xử lý ổ dịch
triệt để nhằm hạn chế lây lan và không để bệnh dịch lan rộng, bùng phát. Tập
trung các dịch bệnh nguy hiểm (MERS-CoV, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), dịch hạch...)
và các bệnh lưu hành có số mắc cao (bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, sốt
rét, dại, liên cầu lợn...).
- Thực hiện tốt việc kiểm tra và xử
lý y tế các phương tiện vận tải nhập cảnh từ vùng có dịch tại các cửa khẩu quốc
tế, cảng biển, đặc biệt lưu ý các phương tiện vận tải đường
biển, đường bộ tại cửa khẩu quốc tế, cảng biển, đi về từ vùng có dịch bệnh.
- Thực hiện tốt Chương trình tiêm chủng
mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin
trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại
khó khăn, vùng có dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội, các
cơ sở chăm sóc tập trung tự nguyện, bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong
tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 98% quy mô xã, phường trên phạm vi toàn tỉnh.
- Triển khai hiệu quả kế hoạch hoạt động
chống dịch bệnh và phòng, chống sốt xuất huyết thuộc Chương trình mục tiêu Y tế:
+ Phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung
ương tổ chức giám sát trọng điểm lồng ghép bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh do
vi rút Zika và Chikungunya tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 (theo Quyết định
số 4607/QĐ-BYT ngày 11/10/2017 của Bộ Y tế).
+ Phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung
ương tổ chức giám sát trọng điểm Hội chứng cúm (ILI), nhiễm trùng đường hô hấp
cấp tính nặng (SARI), bệnh tay chân miệng tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020
(theo Quyết định số 4608/QĐ-BYT ngày 11/10/2017 của Bộ Y tế).
- Tiếp tục thực hiện và duy trì hệ thống
giám sát phản ứng sau tiêm chủng đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế về NRA và triển
khai kế hoạch khắc phục các hoạt động theo khuyến cáo của chuyên gia WHO.
- Triển khai các hoạt động về an toàn
sinh học và xét nghiệm theo Kế hoạch Nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm bệnh
truyền nhiễm thuộc Y tế dự phòng giai đoạn 2016 - 2020.
- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Hệ
thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia; hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm;
phần mềm báo cáo công tác kiểm dịch y tế trên phạm vi toàn quốc.
- Rà soát, xây dựng các quy trình chuẩn
các hoạt động kiểm dịch y tế tại cửa khẩu.
- Đánh giá đội ngũ cán bộ, năng lực
kiểm dịch y tế của các đơn vị kiểm dịch y tế.
- Tổ chức tập huấn cho các cán bộ trực
tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch (cán bộ giám sát, xét nghiệm, cấp cứu
điều trị bệnh nhân, xử lý ổ dịch, truyền thông).
- Tổ chức các đoàn đi kiểm tra công
tác phòng, chống dịch bệnh tại các huyện trọng điểm; kiểm tra, giám sát tại cửa
khẩu về kiểm dịch y tế, tăng cường chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt
các quy trình kiểm dịch y tế quốc tế; hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng
giá kiểm dịch y tế theo đúng các quy định hiện hành.
2.2. Các giải pháp giảm tử vong
- Tăng cường năng lực cho các cơ sở
khám chữa bệnh, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở
khám chữa bệnh.
- Tổ chức các đội cấp cứu lưu động để
hỗ trợ tuyến dưới. Tập huấn về các phác đồ điều trị, hồi sức
cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, phòng lây nhiễm.
- Trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.
- Duy trì tập huấn điều trị bệnh truyền
nhiễm tại các bệnh viện tuyến huyện, thành phố, thị xã.
- Triển khai thông điệp truyền thông
cho người bệnh, người chăm sóc, gia đình người bệnh về phát hiện sớm các dấu hiệu
của bệnh, một số kiến thức cơ bản về phòng bệnh.
3. Truyền thông, giáo dục sức khỏe
- Đẩy mạnh công tác truyền thông về
phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng.
- Triển khai hiệu quả các hoạt động cộng đồng chung tay phòng, chống dịch bệnh.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin, chủ động ứng phó, xử lý các tình huống thông tin y tế bất cập, kịp thời
cung cấp thông tin bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân.
- Chủ động, thường xuyên cung cấp
thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh; phối hợp với các cơ
quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin và truyền
thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng,
chống dịch bệnh.
- Tăng cường công tác truyền thông,
giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, lợi ích tiêm
chủng để vận động Nhân dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, phối hợp và tham gia các hoạt động phòng,
chống dịch bệnh.
- Tiếp tục tổ chức các chiến dịch
tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch vệ sinh môi trường, thực hiện tốt
chỉ tiêu 03 công trình vệ sinh; duy trì thực hiện tốt phong trào vệ sinh yêu nước
nâng cao sức khỏe Nhân dân.
4. Đầu
tư nguồn lực
Căn cứ tình hình thực tế, Các Sở: Y tế,
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các sở, ban, ngành liên quan xem xét, tham mưu
đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định kinh phí phục công tác phòng, chống dịch
bệnh truyền nhiễm hàng năm và từng giai đoạn.
5. Phối hợp liên ngành
Các sở, ban, ngành: Y tế, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tài
chính, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan phối hợp
triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, bệnh từ động vật lây
truyền sang người, phòng chống buôn lậu gia cầm, gia súc,
các sản phẩm từ gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ; phối hợp giám sát
chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch tại các cửa khẩu.
6. Công tác thanh tra, kiểm tra
- Tổ chức các đoàn công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh,
công bố dịch, quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch
vụ, công tác y tế trường học, kiểm dịch y tế biên giới, truyền thông - chỉ đạo
tuyến,...
- Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm
tra, chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm và mới
nổi hoặc bệnh lưu hành có số người bị nhiễm bệnh, tử vong cao như: MERS-CoV,
cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, dại... tại các
huyện, thành phố, thị xã.
- Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật
cho các bệnh viện về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển
khai các giải pháp phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
- Tăng cường kiểm tra công tác phòng,
chống dịch tại các ổ dịch cũ, vùng trọng điểm.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y
tế - Cơ quan thường trực của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền
nhiễm trên người:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng
cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cấp ở địa phương.
- Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh thực hiện việc công bố dịch bệnh truyền
nhiễm nhóm B và nhóm C khi có đủ điều kiện công bố dịch bệnh.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch
và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp bổ sung ngân sách và huy động nguồn
tài trợ để đảm bảo kinh phí hoạt động của các Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và
các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công
tác phòng, chống dịch bệnh.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông và các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác truyền
thông nguy cơ, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh,
giáo dục vệ sinh, chú trọng những nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người
(trường học, khu công nghiệp...).
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa
bàn tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm và thực
hiện các hoạt động giám sát trọng điểm bệnh truyền nhiễm.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng, bệnh
viện trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động giám sát trọng điểm.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung,
cấp cứu và điều trị dịch bệnh, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi
có dịch bệnh.
- Kiểm tra, đánh
giá hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh của các đơn vị tại địa phương. Kiện
toàn các đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.
- Thanh tra việc thực hiện các quy định
của pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng (thông tin báo cáo
bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, giám sát phòng, chống dịch, công bố dịch bệnh,
tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ...).
- Giám sát chặt chẽ tình hình mắc dịch bệnh đến tận xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố và
hộ gia đình, các yếu tố nguy cơ, báo cáo kịp thời về Bộ Y tế theo quy định. Triển
khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế.
- Tăng cường giám sát chặt chẽ tại cửa
khẩu các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A. Kiểm tra, giám
sát, xử lý y tế đối với người, phương tiện, hàng hóa tại các cửa khẩu.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Phối hợp ngành Y tế tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp
phòng, chống bệnh lây từ động vật sang người như Cúm A(H5N1); A(H7N9), bệnh dại...
Đặc biệt là Chương trình khống chế bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ
chức, triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp chuyên môn nghiệp vụ. Đảm bảo
tiêm vắc xin dại trong những tháng cao điểm cho các đàn chó.
- Chuẩn bị đầy đủ các loại hóa chất,
dụng cụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh lây từ động vật sang người
theo Luật Thú y; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền và thực hiện truyền thông tại các trường học về
phòng, chống dịch bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa do tiếp xúc.
- Tăng cường công tác vệ sinh môi trường,
triển khai các hoạt động thu gom phế thải, diệt bọ gậy để
phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
- Chỉ đạo cán bộ y tế học đường thường
xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh và kịp thời báo cáo cơ quan y tế đóng trên địa
bàn để xử lý triệt để, không để dịch lây lan trong trường học và cộng đồng.
4. Sở Thông
tin và Truyền thông
Phối hợp ngành Y tế và ngành Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan báo
chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống các bệnh
truyền nhiễm gây dịch trên người và trên các đàn gia cầm
theo các tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
5. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và
Đầu tư
Phối hợp với Sở Y tế tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh cân đối mức đầu tư ngân sách hàng năm cho hoạt động phòng, chống
dịch bệnh trên người.
6. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp
tỉnh:
Trên cơ sở Kế hoạch phòng, chống dịch
bệnh truyền nhiễm của tỉnh và chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị, địa
phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh
truyền nhiễm năm 2018 đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
7. UBND các huyện, thành phố, thị
xã
- Kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo
phòng chống dịch bệnh cấp huyện, tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh
trên địa bàn.
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh
truyền nhiễm trên địa bàn quản lý, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng,
chống dịch bệnh dựa trên cơ sở đề xuất của ngành Y tế địa phương.
- Chỉ đạo thực hiện giám sát chặt chẽ,
phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại thôn, xóm, khối phố, xã, phường
và hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời. Triển
khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo đúng Hướng dẫn
giám sát và phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế.
- Tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân thực
hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Huy động sự vào cuộc của các ban,
ngành, tổ chức chính trị - xã hội...; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng
và tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Chỉ đạo thực hiện tuyên truyền trên
hệ thống truyền thông cơ sở, tổ chức truyền thông trực tiếp
tại cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, huy động cộng đồng trong
các hoạt động tiêm chủng phòng bệnh.
VI. KINH PHÍ
Sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp của
các sở, ban, ngành, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, địa
phương căn cứ Kế hoạch này đề xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tốt công
tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Trong
quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về
Sở Y tế để được hướng dẫn, giải quyết; trường hợp vượt thẩm
quyền Sở Y tế tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục Y tế dự phòng;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm YTDP tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- Lưu VT; KGVX
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Quốc Vinh
|