ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 45/2013/QĐ-UBND
|
Bà Rịa, ngày
21 tháng 11 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM CÔNG TÁC CÔNG NGHỆ THÔNG
TIN, VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 26 tháng
6 năm 2006;
Căn cứ Nghị quyết số 09/2013/NQ-HĐND ngày 18
tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V - Kỳ họp lần thứ sáu về phê
duyệt chế độ hỗ trợ đối với công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông
tin, viễn thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
Theo đề nghị của liên sở: Sở Nội vụ, Sở Tài
chính và Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh tại Tờ trình liên sở số 561/TTrLS-NV-TC-TTTT
ngày 11 tháng 11 năm 2013 về việc ban hành quy định chế độ hỗ trợ đối với cán
bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin, viễn thông trên địa
bàn tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành quy định về chế độ hỗ trợ
đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin, viễn thông
trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi
hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Quyết định số
39/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2010 về việc ban hành quy định về chế độ hỗ
trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin, viễn
thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày
06 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc sửa đổi,
bổ sung một số điều của quy định về chế độ ưu đãi đối với cán bộ, công chức,
viên chức làm công tác công nghệ thông tin, viễn thông trên địa bàn tỉnh được
ban hành kèm theo Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Tài
chính; Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Dũng
|
QUY ĐỊNH
CHẾ
ĐỘ HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM CÔNG TÁC CÔNG NGHỆ THÔNG
TIN, VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2013 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Chương I.
ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC HỖ TRỢ
Điều 1. Đối tượng và phạm vi
áp dụng
Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ,
công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin, viễn thông được thực
hiện trong các cơ quan đảng, đoàn thể, các cơ quan hành chính, các đơn vị sự
nghiệp công lập (trừ đơn vị được giao tự chủ hoàn toàn về tài chính; đơn vị sự
nghiệp giáo dục và đào tạo) cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, trên địa bàn tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể:
1. Công chức, viên chức chuyên
trách về công nghệ thông tin, viễn thông tại các cơ quan đảng, đoàn thể, cơ
quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ đơn vị được giao tự chủ
hoàn toàn về tài chính; đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo) cấp tỉnh và cấp
huyện, bao gồm:
a) Công chức chuyên trách tham
mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, viễn thông
thuộc tỉnh;
b) Công chức chuyên trách trực
tiếp thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin tại các cơ quan đảng, đoàn thể cấp
tỉnh và cấp huyện;
c) Công chức chuyên trách trực
tiếp thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh
và cấp huyện;
d) Viên chức chuyên trách trực
tiếp thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin tại các đơn vị sự nghiệp công lập
trực thuộc cơ quan đảng cấp tỉnh, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và trực thuộc
cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (trừ đơn vị được giao tự chủ hoàn toàn về tài
chính; đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo).
2. Người phụ trách trực tiếp
công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Cán bộ, công chức lãnh đạo,
quản lý trực tiếp chỉ đạo công tác công nghệ thông tin, viễn thông tại các cơ
quan chuyên trách về công nghệ thông tin, viễn thông; cơ quan đang quản lý cơ
sở dữ liệu của tỉnh, cổng thông tin điện tử của tỉnh; cơ quan có website hỗ trợ
dịch vụ công (trên 50% nhiệm vụ được giao) qua môi trường mạng từ mức độ 2 trở
lên.
Điều 2. Điều kiện của cơ
quan, đơn vị có đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ
Chỉ áp dụng chế độ hỗ trợ với
cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin, viễn thông tại
các cơ quan, đơn vị có trên 10 máy tính kết nối mạng LAN và có máy chủ, đồng
thời đáp ứng điều kiện sau:
- Các cơ quan đảng, đoàn thể
cấp tỉnh, Huyện uỷ, Thành ủy ứng dụng có hiệu quả thư điện tử và phần mềm quản
lý văn bản;
- Cơ quan hành chính, đơn vị sự
nghiệp cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện ứng dụng có hiệu quả ít nhất 2/3 phần
mềm ứng dụng cơ bản đã được Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc ngành triển khai.
- Ủy ban nhân dân cấp xã ứng
dụng có hiệu quả ít nhất 2/3 ứng dụng: thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản
điều hành, phần mềm tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một
cửa.
Điều 3. Tiêu chuẩn của người
làm chuyên trách công nghệ thông tin, viễn thông
1. Tiêu chuẩn chung: Là người
được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị giao trực tiếp làm nhiệm vụ chuyên trách về
công nghệ thông tin, viễn thông trong các cơ quan, đơn vị; luôn hoàn thành
nhiệm vụ được giao; bảo quản tốt máy chủ, không để xảy ra sự cố máy tính nghiêm
trọng do chủ quan, thiếu trách nhiệm.
2. Tiêu chuẩn riêng:
a) Đối với công chức, viên chức
chuyên trách về công nghệ thông tin, viễn thông tại các cơ quan, đơn vị từ cấp huyện
trở lên: Có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên về công nghệ thông tin (đối
với công chức, viên chức phụ trách công nghệ thông tin) và về viễn thông, điện
tử - viễn thông (đối với công chức phụ trách viễn thông); trình độ ngoại ngữ
Anh văn đạt chứng chỉ B trở lên, có khả năng đọc hiểu tài liệu chuyên ngành
bằng tiếng Anh;
b) Đối với người phụ trách trực
tiếp công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã: Có trình độ thấp nhất là
được cấp giấy chứng nhận qua lớp quản trị mạng với thời gian học từ 03 tháng
trở lên.
Điều 4. Thời gian không được
hưởng chế độ hỗ trợ
Các đối tượng nêu tại Điều 1
trên không được hưởng chế độ hỗ trợ trong các thời gian sau:
1. Nghỉ hưu, thôi việc.
2. Miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo
hoặc được điều động, chuyển công tác sang các phòng, ban, bộ phận hoặc cơ quan,
đơn vị khác không làm công tác công nghệ thông tin, viễn thông.
3. Thời gian đi công tác, làm
việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều
8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ
tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
4. Thời gian đi học tập ở trong
nước từ 03 tháng liên tục trở lên.
5. Thời gian nghỉ việc riêng
không hưởng lương từ 01 tháng liên tục trở lên.
6. Thời gian nghỉ ốm đau, thai
sản vượt quá thời hạn theo quy định tại Điều lệ Bảo hiểm xã hội hiện hành của
Nhà nước.
7. Thời gian bị tạm đình chỉ,
đình chỉ công tác.
Điều 5.
Mức hỗ trợ
1. Công chức, viên chức chuyên
trách về công nghệ thông tin, viễn thông, được hưởng mức hỗ trợ:
a) Có trình độ đại học trở lên:
1.500.000đ/người/tháng;
b) Có trình độ cao đẳng:
1.000.000đ/ người/tháng;
2. Người phụ trách trực tiếp
công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã được hưởng mức hỗ trợ: 200.000đồng/người/tháng.
3. Cán bộ, công chức lãnh đạo,
quản lý trực tiếp chỉ đạo công tác công nghệ thông tin, viễn thông tại các cơ
quan chuyên trách về công nghệ thông tin, viễn thông; cơ quan đang quản lý cơ
sở dữ liệu của tỉnh, cổng thông tin điện tử của tỉnh, cơ quan có website hỗ trợ
dịch vụ công (trên 50% nhiệm vụ được giao) qua môi trường mạng từ mức độ 2 trở
lên, được hưởng mức hỗ trợ:
a) Đối với cơ quan, đơn vị cấp
tỉnh: 800.000đồng/người/tháng;
b) Đối với cơ quan, đơn vị cấp huyện:
400.000 đồng/người/tháng.
Điều 6. Thời điểm được hưởng
chế độ hỗ trợ:
Từ ngày 01 tháng 9 năm 2013 đến
31 tháng 12 năm 2015.
Trong quá trình thực hiện, khi
Trung ương có ban hành chế độ, chính sách ưu đãi (hoặc chính sách hỗ trợ) nhân
lực công nghệ thông tin tương tự thì Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định chấm
dứt thực hiện chế độ này.
Điều 7. Kinh phí thực hiện
chi trả chế độ hỗ trợ
1. Kinh phí chi trả chế độ hỗ
trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin, viễn
thông được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước, tổng hợp chung trong dự toán
chi ngân sách của các cơ quan, đơn vị, ngoài kinh phí tự chủ được giao.
2. Nguyên tắc chi trả:
a) Cán bộ, công chức, viên chức
được giao phụ trách nhiều lĩnh vực có phụ cấp trách nhiệm theo nghề và chế độ
hỗ trợ công nghệ thông tin, viễn thông hoặc phụ trách nhiều lĩnh vực có chế độ
hỗ trợ nêu trên thì chỉ được hưởng 01 mức cao nhất.
b) Chế độ hỗ trợ đối với cán
bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin, viễn thông tại Quyết
định này không dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Chương II.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm chung
của các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng nêu tại Điều 1 của Quy định này:
1. Trên cơ sở định suất hưởng
chế độ hỗ trợ do Ủy ban nhân dân tỉnh giao, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách
nhiệm đối chiếu vào các quy định về đối tượng được hưởng, mức hỗ trợ và nhân sự
thực tế được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức chuyên trách
làm công tác công nghệ thông tin, viễn thông của cơ quan, đơn vị tại từng thời
điểm để quyết định chi trả theo đúng chế độ quy định và chịu trách nhiệm về
quyết định của mình.
2. Thực hiện báo cáo thống kê
số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công
nghệ thông tin, viễn thông và tình hình chi trả chế độ hỗ trợ của cơ quan, đơn
vị theo định kỳ 6 tháng, năm đến Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ để
tổng hợp, báo cáo theo quy định;
Điều 9. Trách nhiệm của Sở
Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì phối hợp với Sở Nội
vụ:
a) Căn cứ quy mô, khối lượng
hoạt động về công nghệ thông tin ở từng cơ quan, đơn vị để thẩm định xác định
phạm vi cơ quan, tổ chức được giao định suất hưởng chế độ hỗ trợ đối với cán
bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin, viễn thông theo quy định.
b) Quản lý, theo dõi và thống
kê, báo cáo số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công
tác công nghệ thông tin, viễn thông trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của
tỉnh.
c) Tổng hợp, kiểm tra tình hình
chi trả chế độ hỗ trợ theo Quy định này của các cơ quan, đơn vị được Ủy ban
nhân dân tỉnh giao định suất hưởng chế độ hỗ trợ.
2. Chủ trì phối hợp cùng các
sở, ngành liên quan nghiên cứu và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành sửa đổi,
bổ sung chế độ hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông
tin, viễn thông trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của tỉnh theo quy định.
3. Chủ trì phối hợp với các sở,
ngành, huyện, thành phố đánh giá chất lượng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin
của các cơ quan, đơn vị và hiệu quả hoạt động của đội ngũ những người làm chuyên
môn về công tác công nghệ thông tin, viễn thông tại các cơ quan, đơn vị thuộc
tỉnh;
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Nội vụ: Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao định suất hưởng
chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông
tin, viễn thông tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Tài chính: Cân đối ngân sách, đảm bảo nguồn kinh
phí giải quyết chế độ hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công
nghệ thông tin, viễn thông.
Điều 12. Đề nghị Ban Tổ chức
Tỉnh uỷ:
1. Tham mưu tổ chức triển khai
thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công
nghệ thông tin, viễn thông tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối đảng, đoàn thể
theo quy định.
2. Theo dõi, kiểm tra, tổng
hợp, báo cáo tình hình thực hiện chế độ hỗ trợ theo Quy định này tại các cơ
quan, đơn vị thuộc khối đảng, đoàn thể về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng
hợp.
Trong quá trình tổ chức thực
hiện Quy định này, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) xem xét, sửa
đổi cho phù hợp./.