Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 150/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình 10-Ctr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025” do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 150/KH-UBND
Ngày ban hành 17/06/2021
Ngày có hiệu lực 17/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Trọng Đông
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHHÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/KH-UBND

Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 10-CTR/TU NGÀY 17/3/2021 CỦA THÀNH ỦY VỀ “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG; THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2021-2025”

Thực hiện Chương trình số 10-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền Thành phố, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP); thực hiện tốt quan điểm “không thể”, “không dám”, “không muốn”“không cần” tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

2. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chương trình số 10-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy. Xác định công tác PCTN, THTKCLP là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện đồng bộ các biện pháp: chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô. Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài và phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa ở tất cả các lĩnh vực; chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí.

3. Việc triển khai tổ chức thực hiện Chương trình số 10-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; các giải pháp phòng, chống tham nhũng phải phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị.

4. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN thực sự trong sạch, có phẩm chất, năng lực, trình độ, có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh PCTN; trung thực, liêm chính, chí công vô tư; đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng về PCTN, THTKCLP.

II. NỘI DUNG

1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN, THTKCLP.

- Các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xác định công tác PCTN, THTKCLP vừa là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, vừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, lãng phí tại đơn vị, địa phương mình; tập trung xây dựng các chuyên đề, kế hoạch về công tác PCTN, lãng phí để triển khai thực hiện; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; công khai kết quả xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có sai phạm; phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách.

- Hàng năm, căn cứ kết quả công tác PCTN, THTKCLP để xác định tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tổ chức trong hệ thống chính trị và là một trong những tiêu chí để đánh giá, quy hoạch, bố trí sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

2. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí.

- Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về các quan điểm, quy định, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, THTKCLP; trước hết là sự gương mẫu của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị.

- Công tác tuyên truyền phải chủ động công khai, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTN; THTKCLP, nhất là về kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; đăng tải thông tin, gương người tốt, việc tốt, những cá nhân tiêu biểu trong công tác PCTN. Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm khắc việc đưa thông tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu trong dư luận quần chúng Nhân dân.

- Kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội. Chú trọng tuyên truyền về liêm chính nói chung, liêm chính trong hoạt động công vụ nói riêng; biết trọng danh dự, liêm sỉ; không tham nhũng, lãng phí. Xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, nhũng chuẩn mực phải tuân thủ; các văn bản hướng dẫn, thi hành, tổ chức thực hiện về PCTN, THTKCLP khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp phải được tuyên truyền phổ biến kịp thời đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc đưa nội dung giáo dục PCTN, lãng phí trở thành một chương trình học cụ thể, bài bản trong trường đại học, các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, các trường phổ thông của Thủ đô.

3. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.

- Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, sửa đổi, bổ sung, thay thế theo thẩm quyền các quy chế, quy định của Trung ương và Thành phố trong các lĩnh vực quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, phân bổ ngân sách... nhằm cụ thể hóa công tác phòng ngừa, như: Phân cấp, ủy quyền, giao quyền trong công tác quản lý; quy trình xử lý, giải quyết công việc... để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí và các giải pháp PCTN hiệu quả còn thấp.

- Tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các quy chế nội bộ; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong PCTN; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; về kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý tài sản bất minh của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xây dựng thành các chuyên đề, đề án, kế hoạch; đưa công tác kiểm tra, giám sát về PCTN, lãng phí vào chương trình công tác hàng năm.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực và những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, như: Quản lý, sử dụng đất đai, dự án, công trình trọng điểm, dự án có sử dụng đất triển khai chậm tiến độ; đất chưa sử dụng, để hoang hóa, sử dụng trái mục đích, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng, sử dụng tài sản công (cơ sở đất đai, nhà công sản, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội; việc quản lý, sử dụng quỹ đất 20%, 25% tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố,...); các lĩnh vực đầu tư; đấu thầu, đấu giá (dự án đầu tư, mua sắm tài sản; cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoạt động quản lý, sử dụng vốn đầu tư, sử dụng nguồn viện trợ, tài chính của nước ngoài; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT...); quản lý ngân sách; tài chính; định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật...

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo, hình thức, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phát hiện, ngăn chặn, có hình thức xử lý đồng bộ, nghiêm minh, kịp thời tập thể, cá nhân vi phạm. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hoặc có dấu hiệu tham nhũng phải được kiến nghị chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm túc tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận hiệu lực pháp luật.

- Thường xuyên rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ, đảm bảo lựa chọn, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm được những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng có hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; cán bộ có biểu hiện tham nhũng, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp, vi phạm; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về chuyển đổi vị trí công tác, công tác cán bộ, quy tắc ứng xử, đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

5. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

[...]