THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
********
|
Số: 431-TTg
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 8 năm 1995
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG ĐỐI VỚI QUỐC PHÒNG, AN
NINH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về việc ban
hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;
Để quản lý chặt chẽ và có hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho Quốc
phòng, An ninh;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Việc
quản lý đầu tư và xây dựng đối với Quốc phòng, An ninh phải tuân thủ các quy định
trong Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số
177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ, không phân biệt nguồn vốn đầu
tư thuộc:
+ Ngân sách Quốc phòng, An ninh.
+ Vốn đầu tư tập trung của ngân
sách Nhà nước,
+ Các nguồn vốn khác.
Điều 2: Yêu
cầu của công tác quản lý đầu tư và xây dựng đối với Quốc phòng, An ninh:
1. Đầu tư và xây dựng phải theo
đúng quy hoạch đã được duyệt.
2. Phải phù hợp với khả năng
kinh tế xã hội trong từng thời kỳ và đúng mục tiêu nhu cầu của Quốc phòng, An
ninh.
3. Kết hợp chặt chẽ để đáp ứng
nhu cầu Quốc phòng, An ninh và nhu cầu kinh tế xã hội.
4. Bảo đảm bí mật.
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cần xây
dựng quy hoạch về công nghiệp quốc phòng theo định hướng trong Nghị quyết
05/NQTW ngày 20 tháng 7 năm 1993 của Bộ Chính trị, về hệ thống sân bay, bến cảng,
bệnh viện, kho tàng, Học viện, nhà trường,... để trình Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt, hoặc được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền phê duyệt.
Điều 3: Về
nguồn vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư cho Quốc phòng, An ninh:
1. Việc phân định nguồn vốn ngân
sách Nhà nước đầu tư cho Quốc phòng, An ninh được xác định trên cơ sở:
- Phù hợp với khả năng của nền
kinh tế, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu của Quốc phòng, An ninh.
- Bảo đảm thống nhất quản lý đầu
tư và xây dựng theo pháp luật, theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch về xây dựng
Quốc phòng, An ninh của Đảng và Chính phủ.
2. Hàng năm vốn đầu tư thuộc
Ngân sách Quốc phòng, An ninh được bố trí để:
- Mua sắm vũ khí, trang thiết bị.
- Xây dựng các công trình chiến
đấu.
- Đầu tư cho các cơ sở bảo đảm kỹ
thuật (trạm, xưởng) cấp chiến dịch trở xuống.
- Xây dựng doanh trại và các
công trình, bệnh viện, Nhà trường, Viện nghiên cứu, hệ thống thông tin liên lạc
cấp chiến dịch trở xuống.
- Hệ thống kho tàng dự trữ thường
xuyên từ cấp chiến dịch trở xuống.
- Công trình kết cấu hạ tầng phục
vụ trực tiếp đời sống, sinh hoạt của các đơn vị quân đội, công an, bộ đội biên
phòng.
- Các nhà tạm giữ cấp quận, huyện.
3. Vốn đầu tư thuộc ngân sách tập
trung của Nhà nước (kể cả vốn các chương trình quốc gia) được bố trí:
- Đầu tư để phát triển công nghiệp
quốc phòng (các cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị quân sự, sản xuất phụ
tùng, sản xuất, sửa chữa bảo đảm hậu cần ấp chiến lược).
- Các dự án, công trình có tính
đặc thù:
+ Kho dự trữ chiến lược (kể cả
kho dự trữ quốc gia cho Quốc phòng, An ninh).
+ Sân bay, bến cảng.
+ Công trình kết cấu hạ tầng (hệ
thống cấp điện, cấp thoát nước, đường nội bộ...) ở các khu tập trung và vùng
núi cao, hải đảo.
+ Hệ thống thông tin, liên lạc cấp
chiến lược.
- Học viện, Nhà trường, Viện
nghiên cứu cấp chiến lược, các trường quân sự địa phương cấp tỉnh.
- Các bệnh viện cấp Bộ và bệnh
viện quân y khu vực.
- Các trung tâm thể dục thể
thao, văn hoá, nghệ thuật, bảo tàng Trung ương và một số khu vực.
- Trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước
Trung ương và địa phương cấp tỉnh, hệ thống Toà án, Viện kiểm sát quân sự và cơ
quan thi hành án dân sự của Quốc phòng, An ninh, Biên phòng.
- Hệ thống đồn trạm biên phòng.
- Hệ thống trại giam và trại tạm
giam.
- Các công trình, các cơ sở sản
xuất kinh tế của lực lượng vũ trang.
4. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước chủ
trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ nội vụ xác định các nguồn vốn trên
trong kỳ kế hoạch để làm căn cứ tính toán, bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng cho Quốc
phòng, An ninh, và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 4: Các
dự án, công trình của Quốc phòng, An ninh (không phân biệt nguồn vốn) chỉ được
ghi kế hoạch đầu tư khi đã làm đầy đủ thủ tục về quản lý đầu tư và xây dựng
theo Nghị định số 177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ.
Trường hợp đặc biệt, chưa làm đủ
thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản, phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép mới
được ghi kế hoạch đầu tư.
Điều 5: Thẩm
định dự án, quyết định đầu tư:
Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu
tư, hoặc uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định đầu
tư tất cả các dự án, công trình xây dựng của Quốc phòng, An ninh.
1. Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền
cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định đầu tư các dự án mua
sắm vũ khí, trang thiết bị, xây dựng công trình thuộc nguồn vốn Ngân sách Quốc
phòng, An ninh.
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ dự kiến
bố trí cơ cấu vốn đầu tư cho các công trình thuộc Bộ mình và làm việc với Uỷ
ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính để có căn cứ xây dựng kế hoạch chính thức.
2. Đối với các dự án, công trình
thuộc nguồn vốn đầu tư tập trung của Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác:
- Các dự án, công trình thuộc
các ngành kinh tế, văn hoá, thể thao, y tế, xã hội đầu tư cho Quốc phòng, An
ninh được phân cấp thẩm định và quyết định đầu tư theo quy định tại Nghị định số
177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ.
- Các dự án, công trình công
nghiệp quốc phòng, kho tàng dự trữ chiến lược, sân bay, bến cảng, hệ thống
thông tin liên lạc, Học viện, Nhà trường quân sự, Viện nghiên cứu cấp chiến lược,
trụ sở:
+ Uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định đầu tư đối với tất cả các dự án, công
trình có tổng mức vốn đầu tư đến 5 tỷ đồng và các dự án về công trình công nghiệp
quốc phòng, sân bay, bến cảng đến 25 tỷ đồng.
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định
đầu tư hoặc uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định
đầu tư theo đề nghị thoả thuận của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
đối với các dự án, công trình có vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng.
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định
đầu tư vốn đối với các dự án, công trình có tổng mức vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng.
Điều 6: Thẩm
định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán công trình do Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện.
Điều 7: Thực
hiện dự án:
- Các dự án, công trình thuộc
nguồn vốn Ngân sách Quốc phòng, An ninh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ
Nội vụ quyết định đấu thầu, chọn thầu, hoặc chỉ định thầu.
- Tất cả các dự án, công trình
thuộc nguồn vốn đầu tư tập trung của ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác
thực hiện theo Điều 29 Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị
định số 177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ.
Riêng các dự án công trình có
tính chất đặc thù và có yêu cầu bảo mật cao: Các công trình công nghiệp quốc
phòng, kho tàng, Học viện, Nhà trường, Viện nghiên cứu, mua sắm trang thiết bị
quân sự... thực hiện đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu giữa các tổ chức tư vấn
khảo sát, thiết kế, kinh doanh thiết bị và doanh nghiệp xây lắp của Bộ Quốc
phòng, Bộ Nội vụ có đủ tư cách pháp nhân, đúng ngành nghề theo đăng ký được cấp.
Điều 8: Cấp,
thanh toán, quyết toán vốn:
1. Đối với các dự án, công trình
thuộc nguồn vốn ngân sách Quốc phòng, An ninh: Bộ Tài chính cấp phát qua Bộ chủ
quản theo cơ cấu đầu tư và kế hoạch hàng năm.
Bộ chủ quản chịu trách nhiệm
phân bổ cụ thể và cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn cho từng dự án, công
trình theo đúng quy định hiện hành quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Đối với các dự án, công trình
thuộc nguồn vốn đầu tư tập trung của Ngân sách Nhà nước được thực hiện quản lý
cấp phát vốn theo Nghị định số 177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ.
Riêng đối với các dự án công
trình có tính đặc thù và có yêu cầu bảo mật cao, giao Bộ Tài chính thống nhất với
Bộ Quốc Phòng và Bộ Nội vụ để xác định hình thức quản lý, cấp phát thích hợp.
Điều 9:
Giao Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan hướng dẫn
thực hiện Quyết định này phù hợp với điều kiện cụ thể từng thời kỳ kế hoạch.
Điều 10: Quyết
định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 11: Các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này.