Quyết định 4225/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 414/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định”

Số hiệu 4225/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/10/2021
Ngày có hiệu lực 20/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4225/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 20 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 414/QĐ-TTG NGÀY 22/3/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC HỆ THỐNG CƠ QUAN CHUYÊN NGÀNH THÚ Y CÁC CẤP, GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;

Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030”;

Căn cứ Văn bản số 2173/BNN-TY ngày 14/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức triển khai Quyết định số số 414/QĐ-TTg ngày 22/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 291/TTr-SNN ngày 15/10/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định”.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Tài chính, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (báo cáo);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh (báo cáo);
- Cục Thú y;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- PVPNN;
- Lưu: VT, K10, K12.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 414/QĐ-TTG NGÀY 22/03/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC HỆ THỐNG CƠ QUAN CHUYÊN NGÀNH THÚ Y CÁC CẤP, GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH”
(Ban hành kèm theo Quyết định số    /QĐ-UBND ngày  /   /2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của tỉnh được kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động chăn nuôi, thú y có hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hướng tới xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về thú y, chăn nuôi, các văn bản chỉ đạo, điều hành, tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương… được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp tình hình thực tiễn địa phương. Các chương trình, kế hoạch của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật; phòng, chống kháng kháng sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được phê duyệt, đảm bảo kinh phí và tổ chức, triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

b) Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của tỉnh được kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

c) Hệ thống giám sát dịch bệnh động vật từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, tăng cường năng lực và hoạt động có hiệu quả nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật; ít nhất 50 doanh nghiệp, trang trại, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được xây dựng và được công nhận an toàn dịch bệnh, ATTP, VietGAHP, GlobalGAP. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dịch bệnh thủy sản, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm (Lở mồm long móng gia súc, Dịch tả heo châu Phi, Tai xanh heo, Viêm da nổi cục trâu, bò…), dịch bệnh lây sang người (Cúm gia cầm, Dại, Liên cầu lợn…). Nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm của Trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật, phấn đấu đến năm 2025 đạt phòng kiểm nghiệm chỉ định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiếp tục củng cố, đầu tư, nâng cấp và phát huy hoạt động kiểm dịch của Trạm Kiểm dịch động vật Cù Mông, đáp ứng yêu cầu Trạm Kiểm dịch động vật quốc gia.

d) Nâng cao năng lực quản lý ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu 80% sản phẩm động vật mua bán tại chợ được giết mổ tập trung vào năm 2025 và 100% vào năm 2030; giảm thiểu tối đa số vụ ngộ độc do thực phẩm có nguồn gốc động vật.

đ) Hệ thống cơ sở dữ liệu cấp tỉnh về kiểm dịch động vật, dịch tễ, quản lý chăn nuôi, quản lý thuốc thú y, hệ thống nhận dạng, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật được thiết lập theo quy định.

[...]