ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4119/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 30 tháng 07 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "TIẾP NHẬN, XÁC MINH, BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ NẠN
NHÂN MUA BÁN TRỞ VỀ" GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011
và Quyết định số 1173/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người;
Căn cứ Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8
năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống
tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 1724/QĐ-LĐTBXH ngày 26
tháng 11 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phê duyệt Đề án
“Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” giai đoạn
2012 - 2015;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội tại Tờ trình số 79/TTr-LĐTBXH-PCTNXH ngày 30 tháng 5 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm
theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ
trợ nạn nhân bị mua bán trở về” giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn thành phố Hồ
Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc
Công an thành phố, Thủ trưởng các Sở - ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND .TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ VN và các Đoàn thể TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các Sở, ngành thành phố;
- Chi cục Phòng chống TNXH TP;
- VPUB: Các PVP; Các Phòng CV;
- Lưu:VT, (VX-TC) H.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hứa Ngọc Thuận
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN “TIẾP NHẬN, XÁC MINH, BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRỞ VỀ"
GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4119/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2013 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
Thực hiện Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8
năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống
tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 và Quyết định 1724/QĐ-LĐTBXH ngày
26 tháng 11 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phê duyệt Đề án
“Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” giai đoạn
2012 - 2015; Ủy ban nhân dân thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Tiếp
nhậnvà hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn
thành phố như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung
tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao
lưu và hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng quan hệ quốc tế.
Hàng năm, thành phố thu hút số lượng lớn người lao động từ các tỉnh, thành phố
khác đến làm ăn, sinh sống; đồng thời trên địa bàn thành phố có nhiều bến xe, bến
tàu, bến cảng, nhà ga trong nước và quốc tế, tập trung đông người và lưu lượng
khách vãng lai qua lại nhiều. Lợi dụng đặc điểm đó, bọn tội phạm chọn thành phố
Hồ Chí Minh làm địa bàn hoạt động mua bán địa bàn trung chuyển, dùng các thủ đoạn
xảo quyệt, núp bóng dưới nhiều hình thức tinh vi tiến hành dụ dỗ, lừa gạt số phụ
nữ, trẻ em hoặc người lao động nhập cư từ các tỉnh, thành phố khác để tổ chức
mua bán người trong nước và ra nước ngoài.
Đặc biệt, bọn tội phạm lợi dụng xu hướng muốn lấy
chồng người nước ngoài của phụ nữ Việt Nam đã tập trung số lượng lớn phụ nữ ở
các tỉnh, thành phố khác đến thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức cho người nước
ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) xem mắt, chọn vợ tại các cơ sở
kinh doanh dịch vụ hoặc thông qua các hình thức tuyển dụng lao động, du lịch nước
ngoài... để dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ, trẻ em, người lao động bán ra nước ngoài để
làm nô lệ tình dục hoặc bóc lột sức lao động. Từ năm 2008 - 2012, thành phố tiếp
nhận được 03 trường hợp (là người thành phố) bị mua bán từ nước ngoài trở về.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
- Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo
vệ và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về.
- Tạo các điều kiện thuận lợi cho nạn nhân và người
chưa thành niên đi cùng nạn nhân bị mua bán trở về đều có cơ hội được tiếp cận
các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, chăm sóc y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm
và tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, vay vốn giảm nghèo, giúp nạn nhân
tái hòa nhận cộng đồng, ổn định cuộc sống.
- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước
và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người
và hỗ trợ nạn nhân; khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ
trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
2. Mục tiêu cụ thể:
- 100% được tiến hành các
thủ tục để xác minh nhân thân, xác định nạn nhân theo quy định pháp luật.
- 100% các trường hợp sau
khi xác định là nạn nhân được hưởng đầy đủ các chế độ hỗ trợ theo quy định pháp
luật.
- 100% nạn nhân có nhu cầu
được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước.
- 100% cán bộ làm công
tác tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân; cán bộ làm công tác hỗ trợ
nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng tại quận, huyện và phường, xã, thị trấn được tập
huấn về công tác có liên quan.
III. ĐỐI
TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Đối tượng: Áp dụng cho nạn nhân bị mua
bán và người chưa thành niên đi cùng với nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định
tại Luật Phòng, chống mua bán người.
2. Thời gian: Kế hoạch này được triển khai
thực hiện trong 03 năm, từ năm 2013 đến 2015 trên địa bàn thành phố.
IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tiểu Đề án 1: "Tiếp nhận, xác minh và bảo
vệ nạn nhân"
a) Cơ quan chủ trì: Công an thành phố chịu trách
nhiệm xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai thực hiện.
b) Cơ quan phối hợp: Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ và Ủy ban nhân dân quận, huyện,
phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.
c) Nội dung thực hiện:
- Tiếp nhận, xác minh nhân thân, thu thập tài liệu,
chứng cứ xác định, cấp giấy chứng nhận theo quy định; đảm bảo cơ sở vật chất để
tiếp nhận và thực hiện chế độ hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân và người chưa thành
niên đi cùng nạn nhân bị mua bán trở về.
- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn trong
trường hợp nạn nhân bị xâm hại hay có nguy cơ bị xâm hại và thực hiện các biện
pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ trong quá trình tiếp
nhận, hỗ trợ nạn nhân; bảo vệ bí mật thông tin theo nguyện vọng của nạn nhân.
- Hỗ trợ việc đi lại
trong trường hợp nạn nhân muốn trở về nơi cư trú hoặc chuyển nạn nhân đến cơ sở
hỗ trợ nạn nhân theo nguyện vọng.
- Tổ chức tập huấn cho
cán bộ để nâng cao năng lực hiệu quả trong công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ
nạn nhân và người chưa thành niên đi cùng nạn nhân bị mua bán trở về.
- Triển khai thực hiện
các văn bản hướng dẫn về công tác tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn
nhân.
2. Tiểu Đề án 2:
"Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về"
a) Cơ quan chủ trì: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và phối hợp
triển khai thực hiện.
b) Cơ quan phối hợp: Công
an thành phố, Biên phòng thành phố, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Giáo dục
và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường,
xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.
c) Nội dung thực hiện:
- Đầu tư đảm bảo cơ sở vật
chất và thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân và người chưa thành niên đi cùng nạn
nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp tạo mọi điều
kiện thuận lợi cho nạn nhân bị mua bán và người chưa thành niên đi cùng nạn
nhân được tiếp nhận các dịch vụ hỗ trợ y tế, học văn hóa, đào tạo nghề và trợ
giúp pháp lý miễn phí.
- Lồng ghép công tác hỗ
trợ nạn nhân với các chương trình an sinh xã hội chương trình giảm nghèo như:
đào tạo nghề, vay vốn, giải quyết việc làm; chương trình bình đẳng giới, vì sự
tiến bộ của phụ nữ, chương trình bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển
kinh tế - xã hội … giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng sớm ổn định cuộc sống.
- Triển khai thực hiện
các văn bản hướng dẫn về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
- Tổ chức tập huấn nâng
cao năng lực cho các cấp (thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, cơ sở hỗ
trợ) được giao nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
- Rà soát, kiến nghị sửa
đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người, tạo hành
lang pháp lý cho việc thực hiện Đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ
trợ nạn nhân bị mua bán trở về" giai đoạn 2012 - 2015.
V.
PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội: là đơn vị chủ trì
thực hiện Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở
về” giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn thành phố.
- Bố trí cơ sở tiếp nhận,
hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại Trung tâm Bảo trợ Người tàn tật Hiệp Bình
Chánh, địa chỉ số 15/11 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức để tiếp
nhận và thực hiện công tác hỗ trợ các dịch vụ nhằm giúp cho nạn nhân được ổn định
tâm lý, an tâm sớm tái hòa nhập cộng đồng.
- Sau khi ổn định tâm lý,
nếu nạn nhân có nhu cầu trở về địa phương nơi cư trú thì thực hiện hỗ trợ việc
đi lại, tiền ăn và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để nạn nhân được hưởng các hỗ
trợ theo quy định hoặc nếu nạn nhân không có nơi nương tựa thì chuyển nạn nhân
đến cơ sở bảo trợ xã hội.
- Phối hợp với các Sở -
ngành và chỉ đạo các đơn vị có liên quan, các địa phương trong việc đảm bảo cơ
sở vật chất và thực hiện công tác hỗ trợ về chăm sóc y tế, học văn hóa, đào tạo
nghề và trợ giúp pháp lý miễn phí cho nạn nhân bị mua bán trở về, người chưa
thành niên đi cùng nạn nhân theo quy định pháp luật.
- Phối hợp các Sở - ngành
và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, thống kê và rà soát tình hình nạn
nhân bị mua bán trở về trên địa bàn thành phố để có kế hoạch hỗ trợ đối với nạn
nhân.
- Xây dựng và tổ chức thực
hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập tại cộng đồng (chú trọng các
mô hình Nhóm tự lực, mô hình hỗ trợ dựa vào cộng đồng).
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện hỗ trợ cho nạn
nhân bị mua bán trở về; đồng thời rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định
pháp luật phòng, chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân.
- Hàng năm, lập dự toán
kinh phí thực hiện Tiểu Đề án 2 và tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Tiểu Đề
án 1 gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Ủy ban nhân dân
thành phố xem xét, bố trí kinh phí thực hiện.
2. Công an thành phố:
- Chỉ đạo Phòng Quản lý
Xuất nhập cảnh và Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp
với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan tổ chức tiếp
nhận ban đầu tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất hoặc các cửa khẩu biên giới;
tiến hành phân loại và tổ chức bàn giao đối tượng cho các cấp, các ngành có
liên quan.
- Phối hợp với các Sở -
ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện công tác xác minh nhân thân, thu thập
tài liệu, chứng cứ, xác định nạn nhân, cấp giấy chứng nhận và thực hiện chế độ
hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân và người chưa thành niên đi cùng nạn nhân bị mua
bán trở về theo quy định của pháp luật.
- Hỗ trợ việc đi lại khi
nạn nhân có nhu cầu trở về địa phương hoặc chuyển nạn nhân đến cơ sở hỗ trợ nạn
nhân thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo nguyện vọng.
- Thực hiện biện pháp bảo vệ an toàn, bảo vệ bí mật
thông tin của nạn nhân cũng như bảo vệ an toàn cho người thân thích của họ,
như: bố trí nơi tạm lánh khi nạn nhân, người thân thích của họ có nguy cơ bị
xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập;
các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức
khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ.
- Thiếp lập "đường dây nóng" về phòng, chống
mua bán người và công bố rộng rãi cho mọi người dân được biết để tố giác, phản
ánh, cung cấp các thông tin có liên quan về tội phạm mua bán người đến cơ quan
chức năng nhằm kịp thời có biện pháp xử lý một cách triệt để và kiên quyết.
- Hàng năm, xây dựng dự
toán kinh phí thực hiện Tiểu Đề án 1 gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để
tổng hợp chung gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Ủy ban
nhân dân thành phố xem xét, bố trí kinh phí thực hiện.
3. Sở Tài chính, Sở Kế
hoạch và Đầu tư:
- Sở Tài chính, Sở Kế hoạch
và Đầu tư phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an thành phố
thẩm định dự toán, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bố trí dự toán kinh
phí thực hiện Đề án hàng năm.
- Thực hiện hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định.
4. Sở Y tế:
Chỉ đạo các đơn vị thuộc
lĩnh vực quản lý thực hiện công tác khám chữa bệnh và cung cấp các dịch vụ y tế
cho nạn nhân và người chưa thành niên đi cùng nạn nhân bị mua bán trở về.
5. Sở Giáo dục và Đào
tạo:
- Phối hợp các đơn vị có
liên quan thực hiện công tác giáo dục, hướng nghiệp cho nạn nhân bị mua bán; đồng
thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống tạo điều kiện thuận lợi để học
sinh, sinh viên, học viên là nạn nhân học văn hóa, hòa nhập cộng đồng.
- Xây dựng quy chế quản
lý học sinh, sinh viên trong và ngoài nhà trường thực hiện nếp sống văn minh,
lành mạnh; phối hợp với Sở Tư pháp, cơ quan Công an tổ chức tuyên truyền Luật
Phòng, chống mua bán người và phổ biến những thủ đoạn của đối tượng hoạt động
mua bán người để phụ huynh, học sinh, sinh viên biết và phòng tránh.
- Tăng cường tổ chức nhiều
hoạt động ngoại khóa tuyên truyền Luật Phòng, chống mua bán người và phổ biến
những thủ đoạn của đối tượng hoạt động mua bán người trong học sinh, sinh viên.
6. Sở Ngoại vụ:
Phối hợp Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan giải quyết, xử lý về mặt chính
trị, đối ngoại trong lĩnh vực hợp tác với nước ngoài, tiếp nhận và hỗ trợ nạn
nhân bị mua bán trở về đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và các văn bản
thỏa thuận với nước ngoài.
7. Sở Tư pháp:
Phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội và các Sở - ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền Luật
Phòng, chống mua bán người và nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố đề
xuất, kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương bổ sung, điều chỉnh các quy
định pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với đặc điểm tình hình của
thành phố; xây dựng cơ chế thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua
bán trở về và hướng dẫn các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tại các quận,
huyện, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho nạn nhân bị mua bán
theo quy định pháp luật.
8. Bộ đội Biên phòng
thành phố:
- Tổ chức triển khai công
tác điều tra cơ bản; quản lý nắm chắc địa bàn, đối tượng và tình hình hoạt động
của các tổ chức đường dây, đối tượng hoạt động mua bán người qua cửa khẩu cảng,
vùng biên giới biển thành phố Hồ Chí Minh.
- Phối hợp chặt chẽ với
các cơ quan chức năng trong việc chủ động trao đổi thông tin, nắm tình hình, điều
tra các vụ án, bắt giữ, xử lý tội phạm mua bán người qua biên giới và hợp tác
quốc tế trong công tác trao trả, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của
Luật phòng, chống mua bán người.
9. Hội Liên hiệp Phụ nữ
thành phố:
- Đẩy mạnh các hoạt động
tuyên truyền, truyền thông với chị em phụ nữ, trẻ em trên địa bàn khu dân cư, tại
các khu công nghiệp, khu chế xuất, tại các bến xe, nhà ga, bến tàu, cảng hàng
không nơi tập trung đông người và tại các khu nhà trọ nơi tập trung nhiều người
lao động nhập cư nhất là đối với số phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn.
- Phối hợp Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan trong công tác tiếp nhận và hỗ
trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ nạn nhân
hòa nhập cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động của “Trung tâm Trợ giúp phụ nữ, trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn
nhân và người chưa thành niên đi cùng nạn nhân bị mua bán trở về.
- Chỉ đạo các cấp Hội tổ
chức cho nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về tham gia sinh hoạt Hội;
giúp đỡ tín chấp cho chị em vay vốn từ nguồn vốn sẵn có tại địa phương; tổ chức
các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng.
10. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các cấp
- Đầu tư nguồn lực và tổ
chức thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại địa
phương theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các hoạt động
hỗ trợ về pháp lý, chăm sóc y tế và các chế độ hỗ trợ theo quy định pháp luật đối
với nạn nhân bị mua bán trở về, kết hợp với các chương trình an sinh xã hội,
vay vốn, đào tạo nghề, giảm nghèo, giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, ổn định
cuộc sống.
- Phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan trong hoạt động thống kê, điều
tra, khảo sát số nạn nhân bị mua bán tại địa phương, nhất là đối tượng trẻ em
đang lao động tại các cơ sở sản xuất là đối tượng dễ bị lợi dụng để mua bán,
lao động nặng nhọc và bóc lột sức lao động.
- Thực hiện báo cáo định
kỳ hàng quý, 06 tháng và cả năm về kết quả thực hiện Kế hoạch cho Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội.
- Lập dự toán và bố trí
ngân sách hàng năm đảm bảo việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
đúng theo quy định pháp luật.
VI.
KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện
Kế hoạch thực hiện Đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị
mua bán trở về" giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn thành phố được chi từ:
1. Nguồn vốn sự nghiệp Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục
tiêu cho Đề án 3 thuộc Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người
giai đoạn 2011 - 2015.
2. Nguồn ngân sách thành phố, quận - huyện đảm bảo trong dự
toán được giao hàng năm của các Sở - ngành, đơn vị có liên quan để thực hiện
nhiệm vụ theo Kế hoạch được duyệt.
3. Nguồn viện trợ quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.
VII. TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Công an thành phố chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức
triển khai thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện
Tiểu Đề án 1, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng
kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh
giá việc thực hiện Tiểu Đề án 2, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
Định kỳ hàng quý, 06
tháng, 1 năm các Sở - ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận,
huyện báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch gửi về Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội (thông qua Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố) để tổng
hợp báo cáo trình Ủy ban nhân dân thành phố.