BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số: 41/QĐ-QLCL
|
Hà Nội, ngày 25 tháng
04 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH TẠM THỜI QUY ĐỊNH ÁP DỤNG PHẦN MỀM TRACES TRONG VIỆC CẤP CHỨNG
THƯ CHO CÁC LÔ HÀNG THỦY SẢN XUẤT KHẨU VÀO EU
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
Căn cứ Quyết định số 29/2008/QĐ-BNN ngày 28
tháng 1 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Chất lượng
Nông lâm sản và Thủy sản;
Căn cứ Quyết định số 650/2000/QĐ-BTS ngày 4 tháng 8 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ
Thủy sản (trước đây) ban hành Quy chế kiểm tra và chứng nhận Nhà nước về chất
lượng hàng hóa thủy sản;
Xét đề nghị của Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Thực phẩm thủy sản, Trưởng
phòng Kế hoạch, Tổng hợp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời áp dụng phần mềm TRACES trong
việc cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào EU.
Điều 2. Phòng
Kế hoạch, Tổng hợp chịu trách nhiệm là đầu mối quản trị mạng TRACES của hệ
thống Cục và xây dựng tài liệu đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm tại các đơn
vị thuộc Cục.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2008 và áp dụng tạm thời trong thời gian 6
tháng.
Điều 4. Các
Ông Chánh văn phòng, Trưởng phòng các Phòng thuộc Cục và Giám đốc các Trung tâm
vùng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận:
-
Như điều 4;
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- Các Phó Cục trưởng (để biết);
- Lưu VT, CL1.
|
CỤC TRƯỞNG
Lương Lê Phương
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
ÁP
DỤNG PHẦN MỀM TRACES TRONG VIỆC CẤP CHỨNG THƯ ĐIỆN TỬ CHO CÁC LÔ HÀNG THỦY SẢN
XUẤT KHẨU VÀO EU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/QĐ-QLCL ngày 25 tháng 4 năm 2008 của Cục
trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản)
Chương 1.
NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và
phạm vi áp dụng
1. Văn bản này quy định trình tự và thủ tục áp
dụng phần mềm TRACES trong việc cấp chứng thư điện tử đối với lô hàng tôm đông
lạnh xuất khẩu vào EU.
2. Trong trường hợp chứng thư chuyển tiếp, đơn
vị cấp chứng thư sau cùng sẽ phải sử dụng phần mềm TRACES để cấp chứng thư điện
tử.
3. Việc cấp chứng thư theo các quy định hiện
hành vẫn được thực hiện song song với việc cấp chứng thư điện tử nêu tại Khoản
1 Điều này.
Điều 2. Giải thích
thuật ngữ
Một số từ ngữ sử dụng trong quy định này được
hiểu như sau:
1. TRACES: là hệ thống phần mềm kiểm soát thương
mại (TRAde Control Expert System) hỗ trợ hoạt động quản lý cấp chứng thư cho
các lô hàng xuất khẩu vào các nước EU.
2. HS code: là danh mã hàng hóa theo phân loại của
Hệ thống Hải quan quốc tế.
3. Lô hàng: là tập hợp nhiều đơn vị sản phẩm cùng HS
code, có cùng một điều kiện bảo quản, thuộc một chủ sở hữu, được tập kết hoặc
giao nhận cùng một thời gian và địa điểm.
4. Cơ quan kiểm tra là Cục Quản lý Chất
lượng Nông lâm sản và thủy sản (bao gồm Cục và 06 Trung tâm vùng trực thuộc).
5. Chứng thư: Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực
phẩm được Cơ quan kiểm tra cấp cho các lô hàng thủy sản đáp ứng quy định EU.
6. Tài khoản: là thông tin về tên sử dụng kèm theo
mật khẩu truy cập vào phần mềm TRACES.
7. Quản trị mạng: là đầu mối đề xuất
phân quyền các loại tài khoản, quản lý và giám sát việc vận hành hệ thống phần
mềm TRACES.
Điều 3. Nguyên tắc phân
quyền và sử dụng tài khoản
1. Cục quản lý thống nhất hệ thống tài khoản sử
dụng mạng TRACES.
2. Hệ thống tài khoản bao gồm tài khoản của
quản trị mạng và tài khoản của các đơn vị trực thuộc.
a. Tài khoản quản trị mạng: được sử dụng để cấp
tài khoản cho các đơn vị trực thuộc truy cập vào hệ thống TRACES sau khi được
Lãnh đạo Cục phê duyệt.
b. Tài khoản của các đơn vị trực thuộc: được sử
dụng để truy cập, xử lý thông tin và cấp chứng thư điện tử gửi trực tiếp sang Trạm
kiểm soát biên giới của các nước EU (BIP).
Điều 4. Sử dụng phần
mềm TRACES
1. Việc cấp chứng thư điện tử được chỉ được
thực hiện sau khi chứng thư cấp theo các quy định hiện hành đã được phê duyệt.
2. Cơ quan kiểm tra sử dụng phần mềm TRACES để
thực hiện toàn bộ quá trình cấp chứng thư điện tử với tài khoản được quản trị
mạng cung cấp theo hướng dẫn thống nhất của Cục.
Chương 2.
CẤP CHỨNG
THƯ ĐIỆN TỬ BẰNG PHẦN MỀM TRACES
Điều 5. Tiếp nhận và xử
lý thông tin lô hàng
1. Các nội dung thông tin bắt buộc
Các thông tin khai báo về lô hàng cần đảm bảo
đầy đủ các nội dung trong mẫu chứng thư nêu tại Phụ lục 1 gửi kèm.
2. Quy định một số thông tin được khai báo trên
chứng thư phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a. Xuất xứ lô hàng (Place of origin):
i. Các lô hàng phải có xuất xứ (được sản xuất)
tại cơ sở có tên trong Danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép chế biến thủy
sản xuất khẩu vào EU.
ii. Địa chỉ tỉnh thành phố Việt Nam phải bao
gồm tên, mã số theo quy định tại Phụ lục 2.
b. Đơn vị xuất khẩu (consignor)
i. Đơn vị đứng tên là nhà xuất khẩu phải nằm
trong danh sách các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã được cập nhật trên
mạng TRACES.
ii. Việc xây dựng và cập nhật danh sách này sẽ
do cơ quan kiểm tra thực hiện và định kỳ hàng tuần tập hợp, báo cáo Danh sách
về quản trị mạng TRACES.
c. Đơn vị nhận hàng (consignee)
i. Đơn vị nhận lô hàng nhập khẩu tại EU theo
nội dung đăng ký kiểm tra của doanh nghiệp phải có tên trong Danh sách các
doanh nghiệp nhận hàng được cập nhật sẵn trong phần mềm TRACES.
ii. Trong trường hợp đơn vị nhận hàng chưa có
tên trong danh sách nêu trên, Các cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo kịp
thời về quản trị mạng TRACES.
ii. Quản trị mạng hàng tuần có trách nhiệm tổng
hợp danh sách các đơn vị nhận hàng mới và thông báo tới bộ phận TRACES - Ủy ban
châu Âu để bổ sung danh sách.
d. Nước xuất xứ và nước đến (Country of origin/country
of destination)
Tên quốc gia phải được ký hiệu theo tiêu chuẩn
ISO.
e. Mô tả sản phẩm
i. Thông tin sản phẩm phải bao gồm ký hiệu danh
mã theo hệ thống Hải quan quốc tế - HS code và các thông tin chi tiết về sản
phẩm (như tên khoa học, tên thương mại, dạng công nghệ chế biến, trọng lượng
tổng, trọng lượng tịnh,…) theo nội dung đăng ký của doanh nghiệp kèm theo Bảng
kê chi tiết hàng hóa.
ii. Cách khai danh mã đối với sản phẩm tôm đông
lạnh trong quy định này như sau:
HS-code 0306: áp dụng đối với sản phẩm tôm
nguyên con hoặc bóc vỏ ở các dạng đông lạnh; tôm nguyên con hấp chín hoặc luộc
chín ở dạng đông lạnh dùng làm thực phẩm.
HS-code 1605: áp dụng đối với sản phẩm tôm đông
lạnh chế biến dạng làm sẵn khác với các sản phẩm tương ứng với HS-code 0306.
3. Các thông tin khác trên chứng thư phải tuân
thủ quy định số (EC) 1664/2004 và các quy định hiện hành khác của Cục.
Điều 6. Xác nhận thông
tin đăng ký
Sau khi hoàn thiện việc khai báo thông tin đăng
ký, cán bộ cấp chứng thư cần phải kiểm tra lại toàn bộ thông tin đã nhập bằng
chức năng “xác nhận” (validate) trên phần mềm TRACES.
Điều 7. Cấp chứng thư
điện tử
1. Chứng thư điện tử đã hoàn thiện cần được in
ra và trình cán bộ được lãnh đạo Cơ quan kiểm tra ủy quyền xem xét và phê
duyệt.
2. Chỉ các chứng thư điện tử đã được phê duyệt
theo quy định tại khoản 1 điều này mới được chuyển tới trạm kiểm soát biên giới
của các nước thuộc EU (BIP) thông qua chức năng “gửi chứng thư” (submit
decision) trên phần mềm TRACES.
Điều 8. Thông báo và
lưu trữ kết quả
1. Các chứng thư điện tử cần được đồng gửi tới
quản trị mạng TRACES của Cục qua thư điện tử để theo dõi và kịp thời phối hợp
xử lý khi có sự cố phát sinh.
2. Các bản đã xác nhận của cán bộ được ủy quyền
cần được lưu trữ đầy đủ.
Điều 9. Điều chỉnh/hủy
chứng thư điện tử đã cấp
Trong trường hợp cần thay đổi thông tin về
chứng thư đã cấp, Cơ quan kiểm tra cần mở lại chứng thư điện tử đã cấp, cập
nhật các nội dung thay đổi, chọn hình thức “thay thế” (replace) và thực hiện
đầy đủ các nội dung nêu trên hoặc “hủy” (cancel)
Chương 3.
TRÁCH
NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN
Điều 10. Cơ quan kiểm
tra
1. Chịu trách nhiệm thực hiện cấp chứng thư
điện tử bằng phần mềm TRACES theo đúng trình tự, thủ tục nêu tại chương II của
quy định này.
2. Kịp thời báo cáo các sự việc phát sinh về Bộ
phận quản trị mạng của Cục để kịp thời phối hợp giải quyết.
3. Định kỳ 2 tháng có báo cáo đánh giá kết quả
áp dụng phần mềm TRACES về Cục.
4. Có quyền đề xuất trang thiết bị, nhân lực
cần thiết để triển khai áp dụng phần mềm TRACES.
Điều 11. Bộ phận Quản
trị mạng của Cục
1. Chịu trách nhiệm là đầu mối của Cục phối hợp
với Ủy ban châu Âu triển khai phần mềm TRACES tại Việt Nam.
2. Đề xuất và phân quyền cho các tài khoản tham
gia sử dụng TRACES sau khi được Lãnh đạo Cục phê duyệt; hướng dẫn, hỗ trợ các
đơn vị sử dụng phần mềm TRACES.
3. Tiếp nhận thông tin cảnh báo từ Ủy ban châu
Âu thông qua mạng TRACES và thông báo kịp thời đến các đơn vị liên quan để xử
lý theo đúng quy định.
4. Đề xuất áp dụng các biện pháp bảo mật thông
tin nhằm đảm bảo hệ thống phần mềm TRACES được triển khai an toàn và có hiệu
quả.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 12. Sửa đổi, bổ
sung
1. Các đơn vị, cá nhân đều có quyền kiến nghị
sửa đổi, bổ sung bằng văn bản gửi Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm
sản và Thủy sản.
2. Mọi sửa đổi, bổ sung Quy định tạm thời này
do Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xem xét và quyết
định bằng văn bản.