ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
41/2021/QĐ-UBND
|
Bắc Giang, ngày
27 tháng 8 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CỤ THỂ PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP CẮM MỐC
CHỈ GIỚI PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19
tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số
67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Thông tư số
05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 124 /TTr-SNN ngày 09 tháng
8 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quyết định này quy định phạm vi
vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh ngoài quy định
tại Điều 40 của Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội; các trường
hợp cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh
theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm
2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một
số điều của Luật Thủy lợi. Đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan quản
lý nhà nước và các đơn vị, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công
trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với
các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công trình
thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Công trình thủy lợi khác là
công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm: Đập dâng nước, tràn xả lũ được
xây dựng dâng nước trên các sông, suối; hệ thống trạm bơm; hệ thống kênh mương
tưới, tiêu có lưu lượng nhỏ hơn 02 m3/s chưa được quy định tại Điều
40 Luật Thủy lợi.
2. Vùng phụ cận là vùng không
gian theo phương ngang và phương thẳng đứng tiếp giáp công trình thủy lợi, được
quy định áp dụng đối với từng loại công trình nhằm bảo vệ an toàn công trình.
Vùng phụ cận còn được gọi là hành lang bảo vệ công trình.
3. Kênh chìm là kênh có mặt cắt
ngang kênh đào hoàn toàn trong nền đất tự nhiên.
4. Kênh nổi là kênh có mặt cắt
ngang kênh đắp hoặc xây nổi trên nền đất tự nhiên hoặc nửa đào, nửa đắp.
5. Lưu lượng kênh là lưu lượng
lớn nhất theo thiết kế mà công trình phải chuyển tải.
6. Đập dâng là đập hoặc tường
chắn ngang dòng chảy để nâng cao mực nước thượng lưu và cho phép dòng chảy tràn
qua đập.
Điều 4. Phạm
vi vùng phụ cận công trình thủy lợi khác
1. Đập dâng:
a) Phần thuộc lòng sông, suối:
Phạm vi vùng phụ cận tính từ phần xây đúc cuối cùng trở ra về phía thượng lưu
và hạ lưu. Đập cấp II tối thiểu là 50 m, đập cấp III tối thiểu là 30 m, đập cấp
IV tối thiểu là 20 m. Cấp công trình đập dâng căn cứ theo quy định tại Phụ lục
II, Bảng 2 của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.
b) Phần trên cạn của hai vai đập
dâng: Phạm vi vùng phụ cận được tính từ phần xây đúc ngoài cùng trở ra, tối thiểu
là 20 m.
2. Tràn xả lũ:
Vùng phụ cận của tràn xả lũ
(bao gồm cả tràn tự do và tràn có cửa van điều tiết): Phạm vi vùng phụ cận tính
từ phần xây đúc ngoài cùng (đối với tràn kiên cố) và từ mép ngoài cùng của tràn
(đối với tràn có kết cấu bằng đất) trở ra mỗi bên tối thiểu 50 m đối với tràn
có lưu lượng thiết kế lớn hơn 200 m3/s, 30 m đối với tràn có lưu lượng
thiết kế từ 20 m3/s đến 200 m3/s và 10 m đối với tràn có
lưu lượng nhỏ hơn 20 m3/s.
3. Trạm bơm:
a) Đối với trạm bơm có hàng rào
bảo vệ: Phạm vi vùng phụ cận tính từ điểm xây đúc ngoài cùng của hàng rào bảo vệ
trở vào.
b) Đối với trạm bơm không có
hàng rào bảo vệ: Phạm vi vùng phụ cận được tính là toàn bộ diện tích đất được
Nhà nước giao khi xây dựng công trình đưa vào sử dụng.
4. Kênh tưới, tiêu, cầu máng có
lưu lượng nhỏ hơn 02 m3/s.
a) Đối với kênh nổi, phạm vi
vùng phụ cận được tính từ chân mái ngoài trở ra (hoặc từ mép ngoài thành cầu
máng trở ra) như sau:
Kênh có lưu lượng nhỏ hơn 0,5 m3/s,
phạm vi vùng phụ cận từ 0,5 m đến 01 m đối với kênh đất, từ 0,3 m đến 0,5 m đối
với kênh đã kiên cố, cầu máng;
Kênh có lưu lượng từ 0,5 m3/s
đến dưới 02 m3/s, phạm vi vùng phụ cận từ 01 m đến 02 m đối với kênh
đất, từ 0,5 m đến 01 m đối với kênh đã kiên cố, cầu máng.
b) Đối với kênh chìm:
Đối với kênh không có đường quản
lý, phạm vi vùng phụ cận tính từ điểm giao mái trong của kênh đối với mặt đất tự
nhiên trở ra như sau:
Kênh có lưu lượng nhỏ hơn 0,5 m3/s,
phạm vi vùng phụ cận từ 0,5 m đến 01 m đối với kênh đất, từ 0,3 m đến 0,5 m đối
với kênh đã kiên cố;
Kênh có lưu lượng từ 0,5 m3/s
đến dưới 02 m3/s, phạm vi vùng phụ cận từ 01 m đến 02 m đối với kênh
đất, từ 0,5 m đến 01 m đối với kênh đã kiên cố;
Đối với kênh chìm có đường quản
lý, phạm vi vùng phụ cận tính từ mép ngoài đường trở ra một khoảng như quy định
đối với kênh không có đường quản lý.
5. Đối với những đoạn kênh, tuyến
kênh có bờ kết hợp làm đường giao thông, phạm vi vùng phụ cận ngoài việc đảm bảo
quy định trên còn phù hợp với quy định về hành lang bảo vệ công trình giao
thông.
6. Khi kênh đi dưới đường dây tải
điện hoặc đi song song với đường dây tải điện, phạm vi vùng phụ cận ngoài việc
đảm bảo các quy định trên, hành lang bảo vệ an toàn tuân theo tiêu chuẩn của đường
dây tải điện hiện hành.
Điều 5. Các
trường hợp cắm mốc chỉ giới
Thực hiện theo quy định tại khoản
1, 2, 3, 4 Điều 19 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT.
Điều 6.
Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc
các địa phương, các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy
lợi tổ chức thực hiện Quyết định này và các quy định về quản lý, khai thác và bảo
vệ công trình thủy lợi khác có liên quan.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra
chuyên ngành về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Kịp thời xử lý theo thẩm
quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về
phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
c) Chủ trì, phối hợp với các tổ
chức, cá nhân có liên quan trong việc phổ biến các quy định của pháp luật về
khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho
người làm công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
d) Hướng dẫn các tổ chức, cá
nhân trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi lập phương án bảo
vệ công trình, tổ chức triển khai cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy
lợi trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
2. Sở Giao thông vận tải:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc xác định
phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có kết hợp giao thông.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân
trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy lợi rà soát hiện trạng sử dụng đất
trong hành lang bảo vệ công trình; phối hợp với địa phương, đơn vị có liên quan
tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các trường hợp
bị thu hồi đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp
luật.
4. Sở Tài chính:
Căn cứ khả năng cân đối của
ngân sách, chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các
cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh
cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ
công trình thủy lợi.
5. Sở Công Thương:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đơn vị quản lý công
trình thủy lợi trong việc xác định phạm vi vùng phụ cận có liên quan đến quy định
về hành lang bảo vệ đường dây tải điện.
6. Các sở, ban, ngành khác:
Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác công
trình thủy lợi thực hiện Quyết định này.
Điều 7.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công
trình thủy lợi, các tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác công trình thủy lợi
1. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố:
a) Tuyên truyền, phổ biến các
quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và
Quyết định này trên địa bàn để các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai
thác công trình thủy lợi và người dân được biết để thi hành.
b) Chỉ đạo, phối hợp với đơn vị
quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn trong việc xây dựng phương
án bảo vệ công trình, phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình và
trong việc thực hiện cắm mốc chỉ giới trên thực địa.
c) Căn cứ vào Quyết định này và
các quy định của pháp luật có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ
chức thực hiện theo thẩm quyền việc xử lý đối với công trình xây dựng không
phép, trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý.
Trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý.
d) Tổ chức thực hiện việc thu hồi
đất, giao đất theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện công tác di dời nhà và công
trình nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi sau khi được cấp có thẩm quyền
phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi.
2. Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn:
a) Tuyên truyền, phổ biến các
quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và Quyết định
này để nhân dân biết, thực hiện.
b) Tham gia, phối hợp với đơn vị
quản lý khai thác công trình thủy lợi trong việc xây dựng phương án bảo vệ công
trình, phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình và trong việc thực
hiện cắm mốc chỉ giới trên thực địa đối với các công trình nằm trên địa bàn.
c) Ngăn chặn và xử lý theo thẩm
quyền các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi
tại địa phương, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với cơ quan nhà nước
có thẩm quyền để xử lý.
d) Thực hiện bảo vệ công trình
thủy lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tiếp nhận, quản lý và bảo vệ
các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi được bàn giao; phối hợp
thực hiện công tác di dời nhà và công trình nằm trong phạm vi bảo vệ công trình
thủy lợi trên địa bàn.
3. Các Công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi, các tổ chức, cá nhân trực tiếp
khai thác công trình thủy lợi:
a) Lập phương án bảo vệ công
trình thủy lợi theo quy định tại Điều 41 Luật Thủy lợi.
b) Lập phương án cắm mốc chỉ giới
phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
theo quy định; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cắm mốc chỉ giới
trên thực địa và bàn giao mốc chỉ giới cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị
trấn nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ; trực tiếp quản lý, bảo vệ mốc
chỉ giới và lưu trữ hồ sơ cắm mốc.
c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện,
thành phố nơi có công trình, rà soát hiện trạng sử dụng đất trong hành lang bảo
vệ công trình, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định
hiện hành.
d) Thường xuyên kiểm tra, phát
hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi
và báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý vi phạm; phối hợp với các sở, ban, ngành,
Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyền việc thực hiện Quyết định này trên
địa bàn quản lý.
Điều 8. Điều
khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể
từ ngày 16 tháng 9 năm 2021.
2. Thủ trưởng các Sở, Ban,
ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn; Giám đốc các Công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên khai thác công trình thủy lợi; các tổ chức, cá nhân có liên quan căn
cứ Quyết định thi hành.
3. Trong quá trình triển khai
thực hiện Quyết định này, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành
liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn; các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình
thủy lợi đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như khoản 2 Điều 8;
- Vụ pháp chế, Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP Tỉnh ủy;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP, KTN, TH, TTTT;
+ Lưu: VT, KTN Việt Anh.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Ô Pích
|