ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4095/2013/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa,
ngày 21 tháng 11 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TẠO LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TỪ
NGÂN SÁCH TỈNH ỦY THÁC QUA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH TỈNH THANH HOÁ
ĐỂ CHO VAY HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày
04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính
sách khác;
Căn cứ Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày
19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối
với Ngân hàng Chính sách xã hội; Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 về
việc ban hành cơ chế xử lý nợ rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội;
Căn cứ Thông tư số 24/2005/TT-BTC ngày
01/4/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính đối với
Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg
ngày 19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 161/2010/TT-BTC ngày
20/10/2010 hướng dẫn thực hiện quy chế xử lý nợ rủi ro của NHCSXH ban hành kèm
theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số
2689/STC-QLNS.TTK ngày 30/7/2013 về việc ban hành Quy chế tạo lập, quản lý và sử
dụng nguồn vốn từ Ngân sách tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã
hội tỉnh Thanh Hoá để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính
sách khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạo lập, quản lý, sử
dụng nguồn vốn từ Ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi
nhánh tỉnh Thanh Hóa để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng
chính sách khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Lao động
- Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi
nhánh tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Xứng
|
QUY CHẾ
TẠO LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TỪ NGÂN SÁCH TỈNH ỦY
THÁC QUA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH TỈNH THANH HOÁ ĐỂ CHO VAY HỘ
NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4095/2013/QĐ-UBND ngày 21/11/2013 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy chế này quy định về việc tạo lập, quản lý, sử
dụng vốn từ ngân sách tỉnh uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh
Thanh Hoá (NHCSXH tỉnh) để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và
các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý
Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh chuyển qua NHCSXH tỉnh
được giải ngân, quản lý, sử dụng theo quy định tại Quy chế này và các quy định
của pháp luật có liên quan; bảo đảm an toàn và phát triển vốn.
Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng, tham ô và sử dụng
vốn từ ngân sách tỉnh không đúng mục đích. Nguồn vốn cho vay phải thu hồi được
gốc và lãi, riêng các trường hợp vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan
thì được xử lý theo quy định tại Quy chế này.
Chương II
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Đối tượng được vay
vốn từ nguồn ngân sách tỉnh uỷ thác cho NHCSXH tỉnh
a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú
hoặc đăng ký tạm trú dài hạn tại địa phương nơi cho vay, có tên trong danh sách
hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã, phường, thị trấn theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội công bố từng thời kỳ.
b) Người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài
thuộc các đối tượng:
- Vợ (chồng), con của liệt sĩ;
- Thương binh (kể cả thương binh loại B được xác
nhận từ ngày 31/12/1993 trở về trước, nay gọi là quân nhân bị tai nạn lao động),
người hưởng chính sách như thương binh, mất sức lao động từ 21% trở lên (gọi
chung là thương binh);
- Vợ (chồng), con của thương binh;
- Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao
động; con của người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được
thưởng huân, huy chương kháng chiến; con của cán bộ hoạt động cách mạng trước
tháng 8/1945;
- Vợ (chồng), con của các đối tượng bị nhiễm chất
độc da cam, đioxin;
- Người lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo
theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc điều
chỉnh chuẩn hộ nghèo trong từng giai đoạn.
Điều 4. Cơ chế tạo lập nguồn
vốn để cho vay
Hàng năm, NHCSXH tỉnh báo cáo kết quả quản lý, sử
dụng nguồn vốn cho vay và Kế hoạch sử dụng vốn năm tiếp theo, gửi Sở Tài chính
và UBND tỉnh.
Căn cứ kết quả sử dụng nguồn vốn cho vay của các
năm trước, Kế hoạch sử dụng nguồn vốn cho vay năm tiếp theo (được xây dựng dựa
trên mục tiêu giảm nghèo và tạo việc làm của tỉnh, số lượng lao động của địa
phương đi làm việc tại nước ngoài…) và khả năng cân đối của ngân sách địa
phương, Sở Tài chính tham mưu, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh phê duyệt bổ
sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác
uỷ thác qua NHCSXH tỉnh để thực hiện.
Điều 5. Cơ chế quản lý, sử dụng
vốn cho vay
Trên cơ sở tham mưu của NHCSXH tỉnh, Trưởng ban
đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh quyết định phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng
hàng năm để làm căn cứ thực hiện. Cụ thể:
- Đối với cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo: Thực
hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn cơ chế cho
vay hộ nghèo, hộ cận nghèo của NHCSXH Việt Nam.
- Đối với cho vay các đối tượng chính sách đi
lao động có thời hạn ở nước ngoài: Thực hiện theo quy định hiện hành của Chính
phủ, của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay đối với lao động Việt Nam đi làm việc
tại nước ngoài và các văn bản hướng dẫn cơ chế cho vay Xuất khẩu lao động hiện
hành của NHCSXH Việt Nam.
Mức cho vay áp dụng mức trần đối với từng thị
trường theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 6. Quản lý, sử dụng lãi
thu được từ nguồn vốn ngân sách tỉnh
Hàng quý, căn cứ vào số lãi thu được, NHCSXH tỉnh
thực hiện việc phân bổ theo tỷ lệ phân chia lãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo
và các đối tượng chính sách từ nguồn vốn Ngân sách tỉnh uỷ thác qua NHCSXH Chi
nhánh Thanh Hoá. Cụ thể:
- Trích lập quỹ dự phòng rủi ro: 5%;
- Trích bổ sung vốn gốc để cho vay: 20%;
- Chi phí quản lý của NHCSXH tỉnh để chi trả hoa
hồng cho Tổ tiết kiệm và vay vốn, chi trả phí uỷ thác cho tổ chức Hội, đoàn thể
nhận uỷ thác và các chi phí quản lý khác: 65%;
- Chi phí cho hoạt động Ban đại diện Hội đồng quản
trị NHCSXH tỉnh: 10%.
Điều 7. Xử lý rủi ro tín dụng
1. Phạm vi xử lý nợ bị rủi ro: Chỉ xử lý rủi ro
đối với các trường hợp do nguyên nhân khách quan vay vốn từ nguồn vốn Ngân sách
địa phương.
2. Nguyên tắc xử lý nợ, biện pháp xử lý nợ, thời
điểm xem xét xử lý, hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý rủi ro được thực hiện theo
quy định của Chính phủ đối với các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh và cơ
chế xử lý nợ rủi ro tại NHCSXH.
3. Về thẩm quyền xử lý rủi ro
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hình thức xử lý rủi
ro do nguyên nhân khách quan đối với vốn vay từ nguồn Ngân sách địa phương; đồng
thời, ủy quyền cho Giám đốc NHCSXH tỉnh quyết định việc gia hạn nợ đối với
khách hàng.
4. Về nguồn vốn xử lý rủi ro
a) Nguồn vốn để xoá nợ gốc, lãi cho khách hàng
được sử dụng từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của NHCSXH tỉnh được tạo lập từ
nguồn vốn địa phương. Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro được trích lập không đủ để
xử lý rủi ro thì NHCSXH tỉnh lập đề xuất, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ
tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý quyết định cấp kinh phí bù đắp hoặc giảm trừ nguồn
vốn cho vay.
b) Nguồn vốn để gia hạn nợ, khoanh nợ cho khách
hàng được tính trong tổng nguồn vốn địa phương đã uỷ thác cho NHCSXH tỉnh.
Trong thời gian gia hạn nợ, NHCSXH tính lãi, thu
lãi đối với khách hàng theo Hợp đồng tín dụng đã ký kết và theo chế độ quy định;
Trong thời gian khoanh nợ, NHCSXH tỉnh không
tính lãi, không thu lãi đối với khách hàng. Khi tính toán, xác định số cấp bù
chênh lệch lãi suất hàng năm, đối với số dư nợ cho vay được khoanh, NHCSXH tỉnh
được tính lãi suất cho vay bằng 0% trong thời gian khoanh nợ.
Điều 8. Hạch toán, theo dõi
Việc ghi chép, hạch toán kế toán đối với nguồn vốn
và dư nợ cho vay được theo dõi trên tài khoản riêng theo quy định của NHCSXH Việt
Nam và các quy định có liên quan của Nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của các
cơ quan, đơn vị, địa phương
1. Sở Tài chính
- Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của NHCSXH tỉnh,
Sở Tài chính tham mưu, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh phê duyệt bổ sung
nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác uỷ
thác qua NHCSXH Thanh Hóa để thực hiện.
- Thẩm định xử lý nợ bị rủi ro, báo cáo Chủ tịch
UBND tỉnh xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của NHCSXH tỉnh;
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện kiểm tra tình hình và kết quả tạo lập, quản lý,
sử dụng vốn ngân sách uỷ thác qua NHCSXH tỉnh;
- Thẩm tra, quyết toán đối với việc phân phối và
sử dụng lãi thu được tại NHCSXH tỉnh hàng năm.
2. Các cơ quan, tổ chức được cử người tham gia
Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, ngoài chức năng quản lý chuyên ngành thuộc
thẩm quyền, có trách nhiệm tham mưu cho Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và UBND tỉnh
về chủ trương, chính sách và giải pháp cơ bản để thực hiện tín dụng ưu đãi đối
với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
3. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác
- Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập
Tổ Tiết kiệm và Vay vốn để thực hiện uỷ thác cho vay. Đồng thời, thường xuyên tập
huấn nghiệp vụ ủy thác cho đội ngũ cán bộ các cấp và Ban quản lý Tổ Tiết kiệm
và Vay vốn; trường hợp cần thiết có thể phối hợp với NHCSXH cùng cấp thực hiện.
- Kết hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến
lâm, khuyến ngư... hướng dẫn giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính
sách khác sử dụng vốn vay có hiệu quả và thực hiện lồng ghép các chương trình dự
án tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập.
- Tổ chức kiểm tra giám sát, quản lý hoạt động
tín dụng theo văn bản liên tịch và Hợp đồng uỷ thác đã ký với NHCSXH.
4. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
- Định kỳ hàng năm, NHCSXH tỉnh báo cáo kết quả
quản lý, sử dụng nguồn vốn cho vay được ủy thác và kế hoạch sử dụng vốn năm tiếp
theo gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính theo quy định.
- Quản lý và sử dụng vốn ngân sách của tỉnh uỷ
thác cho NHCSXH tỉnh theo đúng quy định của pháp luật;
- Chủ động tham mưu cho Trưởng ban Đại diện HĐQT
NHCSXH cấp tỉnh trong việc kịp thời phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hàng
năm.
- Phối hợp với tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy
thác các cấp tập huấn qui trình nghiệp vụ các chương trình cho vay cho cán bộ Hội,
đoàn thể và Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn; trực tiếp giải ngân và thu hồi vốn.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra vốn
vay, xử lý nợ theo quy định; lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro (nếu có) gửi Sở Tài
chính thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
Định kỳ 30/6; 31/12 hoặc khi có yêu cầu đột xuất,
lập báo cáo kết quả xử lý nợ rủi ro, gửi Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương
binh & Xã hội và Ban Đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh.
- Lập báo cáo quyết toán việc phân chia và sử dụng
lãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo các đối tượng chính sách theo định kỳ 06
tháng và hàng năm, gửi Sở Tài chính (thời hạn nộp báo cáo quyết toán năm chậm
nhất là sau 45 ngày, sau khi kết thúc kỳ kế toán năm).
5. Chủ tịch UBND cấp huyện
- Chỉ đạo các ngành và Ban Chỉ đạo giảm nghèo của
huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền,
vận động và tạo điều kiện để thực hiện chính sách tín dụng đối với người vay
trên địa bàn.
- Chỉ đạo UBND cấp xã chấp hành đầy đủ các quy định
về thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét cho vay, xác nhận danh sách hộ
nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay,
trả nợ, trả lãi tiền vay của người vay.
6. Chủ tịch UBND cấp xã
- Lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn
nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố.
- Tổ chức và chỉ đạo Ban Chỉ đạo Chương trình giảm
nghèo cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng thôn giám sát
việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại đơn vị
cấp thôn để thực hiện cho vay vốn, bảo đảm dân chủ và công khai; xác nhận danh
sách hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn; phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội
nhận uỷ thác, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay và
đôn đốc thu lãi, thu hồi nợ.
- Có xác nhận và ý kiến về đề nghị của người vay
đối với các trường hợp được xử lý rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật về
tính trung thực của nội dung xác nhận.
- Chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời vào Danh
sách những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo theo tiêu chí được cấp có thẩm quyền
quy định;
- Phối hợp với các Ban, ngành chức năng cấp huyện,
các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tổ chức mở các lớp hướng dẫn về kỹ
thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kiến thức về thị trường..., quy chế vay
vốn, trả nợ của NHCSXH.
Điều 10. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế này,
tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở, ban,
ngành, đoàn thể, địa phương và các đơn vị liên quan có văn bản phản ánh, gửi Sở
Tài chính để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình
hình thực tế nhằm đảm bảo sử dụng vốn ngân sách tỉnh chuyển qua NHCSXH đúng mục
đích và có hiệu quả./.