Quyết định 40/2015/QĐ-UBND quy định nội dung và mức chi hỗ trợ lao động nông thôn học nghề đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 40/2015/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/07/2015
Ngày có hiệu lực 17/07/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Văn Bình
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2015/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 07 tháng 7 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH NỘI DUNG VÀ MỨC CHI HỖ TRỢ LAO ĐỘNG NÔNG THÔN HỌC NGHỀ ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010 của liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 128/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 09 tháng 8 năm 2012 của liên Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Thực hiện Quyết định số 1549/QĐ-BNN-TCCB ngày 18 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp nghề phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn;

Thực hiện Quyết định số 539/QĐ-BNN-TCCB ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp nghề phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn;

Thực hiện Quyết định số 590/QĐ-BNN-TCCB ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chương trình, giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp nghề phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 16 tháng 8 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc thông qua Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1332/TTr-SLĐTBXH ngày 24 tháng 6 năm 2015 và Báo cáo thẩm định số 1134/BC-STP ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ học nghề

1. Đối tượng:

- Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác;

- Lao động nông thôn thuộc hộ cận nghèo;

- Lao động nông thôn khác theo quy định tại Điểm 1 Mục III Điều 1 Quyết định số 1956/QĐ-TTg.

2. Điều kiện người lao động được hỗ trợ học nghề: trong độ tuổi lao động (nữ từ 16 - 55 tuổi; nam từ 16 - 60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn (riêng những người không biết đọc, viết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề, ...) và sức khoẻ phù hợp với ngành nghề cần học.

3. Mỗi lao động nông thôn chỉ được hỗ trợ học nghề một lần theo chính sách của Quyết định này. Những người đã được hỗ trợ học nghề theo các chính sách khác của Nhà nước không được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Quyết định này. Riêng những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của Quyết định này nhưng tối đa không quá 03 lần.

Điều 2. Nội dung và mức chi đặc thù cho hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề

1. Hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng:

a) Chi phí đào tạo cho từng nghề bao gồm:

- Chi phí đào tạo đối với nhóm nghề nông nghiệp:

+ Tuyển sinh, khai giảng, bế giảng, cấp chứng chỉ nghề không quá 10% tổng số kinh phí cho lớp đào tạo.

+ Chi mua tài liệu, giáo trình, học liệu học nghề, nước uống cho học viên, chỉnh sửa, biên soạn lại chương trình, giáo trình không quá 5% tổng số kinh phí cho lớp đào tạo.

+ Thù lao giáo viên, người dạy nghề, phụ cấp lưu động cho giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề thường xuyên phải xuống thôn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để dạy nghề từ 15 ngày trở lên trong tháng (mức phụ cấp là 0,2 lần so với mức lương tối thiểu chung như đối với giáo viên thực hiện công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục thường xuyên phải xuống thôn) không thấp hơn 25% tổng số kinh phí cho lớp đào tạo.

[...]