Quyết định 394/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu Dữ trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An, giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 394/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/02/2024
Ngày có hiệu lực 28/02/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Văn Đệ
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 394/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 28 tháng 02 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2023-2027, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh: Số 5232/QĐ-UBND ngày 05/11/2013 thành lập Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An; số 1830/QĐ-UBND ngày 27/6/2022 kiện toàn Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An; số 2812/QĐ-UBND ngày 19/9/2022 ban hành Quy chế hoạt động của Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 471/TTr-SNN-KHTC ngày 07/02/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Miền Tây Nghệ An và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (để b/c);
- UB MAB Việt Nam;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, NN(TP, N.Toàn).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đệ

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN
(Kèm theo Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 28/02/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

PHẦN 1

THÔNG TIN CHUNG VỀ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN

I. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

1. Vị trí địa lý, địa hình

Khu Dự trữ sinh quyển (gọi tắt là Khu DTSQ) Miền Tây Nghệ An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận là Khu DTSQ thế giới vào ngày 18/9/2007. Đây là Khu DTSQ có diện tích lớn nhất trong số 11 Khu DTSQ thế giới của Việt Nam với tổng diện tích 1.299.795 ha (gồm: Vùng lõi 168.301 ha; vùng đệm 608.547 ha; vùng chuyển tiếp 522.947 ha).

Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi với 182 xã và thị trấn, 2.125 xóm, bản; bao gồm toàn bộ lưu vực đầu nguồn sông Cá với 3 chi lưu quan trọng là sông Hiếu, sông Nậm Nơn và sông Nậm Mộ, thuộc phạm vi vùng sinh thái dãy Trường Sơn. Vùng lõi là 3 khu rừng đặc dụng gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Địa hình của Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An có đặc điểm địa hình của các huyện vùng núi cao, như: Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp và Quế Phong. Độ cao địa hình giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Bậc địa hình cao nhất phân bố dọc theo biên giới Việt - Lào thành một dải dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam tạo thành các đỉnh như đỉnh Pù Mát, Pù Miêng, Pù Samtie, Pù Tong Chinh, Pù Xông, Pù Xai Lai Leng với độ cao từ 2.000-2.711m. Thấp nhất là các bề mặt đáy thung lũng với độ cao từ 0-10 m phân bố dọc theo sông Cả và các sông suối trong khu vực. Địa hình khá dốc và hiểm trở ở hầu hết các vùng lõi của Khu DTSQ.

2. Khí hậu, thủy văn

Các huyện thuộc Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, chia làm 2 mùa rõ rệt:

+ Mùa Hạ (từ tháng 5 đến tháng 9) nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình từ 33 °C - 34 °C, gió Tây - Nam gây ra khô, nóng và hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống. Lượng mưa trung bình từ 1.800 - 2000mm/ năm, chiếm 80 - 85% lượng mưa cả năm.

[...]