Quyết định 39/2005/QĐ-UBND về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 39/2005/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/05/2005
Ngày có hiệu lực 10/06/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Nguyễn Văn Lạng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂKLĂK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2005/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 31 tháng 5 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐĂKLĂK

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK LĂK

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 171/2004/NĐ-CP, ngày 29/9/2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV, ngày 05/5/2005 của Liên bộ Bộ Tư pháp-Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp ủy ban nhân dân quản lý Nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương;

Xét Tờ trình số 123/TTr-TP ngày 20/ 5 /2005 của Giám đốc Sở Tư pháp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng:

Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, con nuôi có yếu tố nước ngoài, lý lịch tư pháp, luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp, hòa giải ở cơ sở, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực công tác tư pháp theo sự ủy quyền của ủy ban nhân dân tỉnh.

Sở Tư pháp chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của BộTư pháp.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

1- Trình UBND tỉnh chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó sau khi được phê duyệt.

2- Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:

a) Phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, điều chỉnh chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của uỷ ban nhân dân tỉnh;

b) Trình uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các Quyết định, Chỉ thị về quản lý công tác tư pháp ở địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ;

c) Tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan chuyên môn khác của Uỷ ban nhân dân chủ trì soạn thảo theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

d) Thẩm định và chịu trách nhiệm trước ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật;

đ) Tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

e) Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp;

3- Về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:

a) Giúp ủy ban nhân dân tỉnh tự kiểm tra văn bản do uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành;

b) Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện; hướng dẫn uỷ ban nhân dân cấp huyện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật;

c) Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định các biện pháp xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định của pháp luật;

4- Về phổ biến, giáo dục pháp luật:

a) Xây dựng, trình UBND tỉnh kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, hàng năm ở địa phương; tổ chức thực hiện kế hoạch đó sau khi được phê duyệt;

b) Làm Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh;

[...]