Quyết định 383/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 383/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/08/2024
Ngày có hiệu lực 20/08/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Dương Mah Tiệp
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 383/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 20 tháng 8 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/ĐH ngày 01/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành; đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh VP, các Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Mah Tiệp

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
(Kèm theo Quyết định số: 383/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh Gia Lai)

I. KẾT QUẢ CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 ĐẾN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

Ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã có bước phát triển khá toàn diện theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 33.123,7 tỷ đồng, gấp 1,09 lần so với năm 2020. Phương thức sản xuất có sự chuyển biến tích cực từ khâu giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP) và tổ chức sản xuất quy mô lớn, hình thành các vùng chuyên canh tập trung và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo ra các loại hàng hóa có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần chuyển dịch về cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Kết quả cụ thể đạt được như sau:

1. Lĩnh vực Nông nghiệp

1.1 Lĩnh vực Trồng trọt

Giá trị sản xuất ngành Trồng trọt năm 2023 đạt 25.410,83 tỷ đồng, tăng 0,4% so với năm 2020 (tăng 105,83 tỷ đồng).

Tổng diện tích gieo trồng năm 2023 đạt 589.251,7 ha, tăng 46.813,7 ha so với năm 2020 (năm 2020 đạt 542.438 ha). Tổng sản lượng lương thực năm 2023 đạt 626.539 tấn, tăng 297,74 tấn so với năm 2020. Duy trì phát triển ổn định diện tích cây công nghiệp lâu năm 238.404 ha[1]; các cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm, cây hàng năm khác đạt 119.954 ha[2]; cây lương thực đạt 114.794 ha[3]; cây tinh bột có củ 85.559 ha[4]; cây ăn quả đạt 30.257 ha; cây dược liệu 1.083,6 ha.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO chiếm 41,5% trên tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh; trong đó có 59.633,14 ha cây trồng được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, hữu cơ, Rainforest Alliance,… cho các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, chè, rau, củ, trái cây, lúa,…; có 51.509,8 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước (nhân dân 41.483,3 ha; doanh nghiệp 9.838,9 ha; nhà nước 187,6 ha); toàn tỉnh đã được cấp 227 mã số vùng trồng với diện tích 9.668,7 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.500 - 1.700 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ…; đã thực hiện chuyển đổi 17.519,8 ha sang các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu (năm 2021: 2.011,9 ha, năm 2022: 2.944,45 ha, năm 2023: 7.105,29 ha, Vụ Đông Xuân 2023 - 2024: 5.458,16 ha). Toàn tỉnh có khoảng 239.246 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (gồm 16 chuỗi liên kết các loại cây trồng với 35 đơn vị đầu chuỗi; 06 chuỗi chăn nuôi với 06 đơn vị đầu chuỗi); đối tượng tham gia liên kết gồm 95 hợp tác xã, 72 Tổ hợp tác, trên 23.806 hộ nông dân và trên 69 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được chú trọng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích 3.489,6 ha, tập trung vào các sản phẩm chính như: Bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau hoa, dược liệu (14 vùng trồng cây ăn quả; 01 vùng trồng hồ tiêu giống và thương phẩm; 01 vùng trồng cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn Organic USDA; 01 vùng sản xuất giống rau hoa và rau hoa; 01 vùng sản xuất dược liệu). Có 03 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao[5] (Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú, Công ty Cổ phần chè Bầu Cạn, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp).

[...]