Kế hoạch 1306/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1306/KH-UBND
Ngày ban hành 31/05/2024
Ngày có hiệu lực 31/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Dương Mah Tiệp
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1306/KH-UBND

Gia Lai, ngày 31 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÂY CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Kế hoạch số 638/KH-UBND ngày 22/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai;

Thực hiện Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai được chủ động, đồng bộ, đạt mục tiêu, hiệu quả cao.

- Phát triển cây công nghiệp chủ lực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái; phù hợp với truyền thống sản xuất, điều kiện kinh tế, xã hội từng vùng. Sử dụng tối đa các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực; phát triển kinh tế tuần hoàn, khai thác đa giá trị giữa sản xuất cây công nghiệp chủ lực với văn hóa, du lịch và dịch vụ.

- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh; chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường; giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cây công nghiệp chủ lực.

2. Yêu cầu

- Phát triển các cây công nghiệp chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chè) trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; không gây mất rừng, suy thoái rừng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành, đơn vị liên quan làm cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 431/QĐ- BNN-TT ngày 26/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn với trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển bền vững các cây công nghiệp chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chè), đảm bảo sản phẩm có sức cạnh tranh cao, gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống dân cư nông thôn và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Diện tích cây công nghiệp chủ lực của tỉnh đạt khoảng 195 - 200 ngàn ha; sản lượng cà phê nhân đạt 300 - 310 ngàn tấn, mủ cao su thô 100 - 105 ngàn tấn, chè búp tươi 5,5 - 6 ngàn tấn, hạt điều 35 - 36 ngàn tấn, hồ tiêu 31 - 32 ngàn tấn.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực của tỉnh đạt trên 550 triệu USD (không tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su).

III. ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN

1. Định hướng chung

1.1. Tổ chức lại sản xuất các cây công nghiệp chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chè) theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng. Phát triển và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất trên cơ sở hợp đồng tạo điều kiện thuận lợi để cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Liên kết các khâu sản xuất, phân phối theo chuỗi các sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra thị trường. Đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm các cây công nghiệp chủ lực của tỉnh được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 60%. Hình thành trên 10 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Tăng tỷ trọng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, theo hướng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ (Organic), nông nghiệp sinh thái kết hợp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, tiêu thụ trong nước và phục vụ du lịch.

1.2. Phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực theo hướng tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường; sử dụng tối đa các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực. Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, không gây mất rừng, suy thoái rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng khoảng 10 - 15%/năm. Trên 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực của tỉnh là qua chế biến và chế biến sâu.

1.3. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu sản xuất giống cây trồng theo hướng công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh liên kết công tư trong nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất cung ứng cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh. Nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội, chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng của thị trường.

1.4. Ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh giống cây trồng; quản lý chặt chẽ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong dự tính dự báo sinh vật gây hại cây trồng. Đến năm 2030, có trên 70% diện tích cây công nghiệp chủ lực của tỉnh ứng dụng IPHM; qua đó giảm ít nhất 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học.

1.5. Đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ nông sản; tăng cường trao đổi thông tin về cảnh báo thị trường, yêu cầu thị trường, rào cản kỹ thuật, kiến thức về hội nhập… để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững, ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất địa phương và yêu cầu của thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.

[...]