Kế hoạch 3212/KH-UBND năm 2023 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025

Số hiệu 3212/KH-UBND
Ngày ban hành 25/09/2023
Ngày có hiệu lực 25/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3212/KH-UBND

Kon Tum, ngày 25 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045;

Căn cứ Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và các văn bản có liên quan.

- Xây dựng nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại, sản xuất an toàn, hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững; tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của tỉnh, chú trọng phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng bình quân của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2025 đạt 7,21%, chiếm tỷ trọng 19-20% trong cơ cấu kinh tế.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây gọi là nông sản) được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 15%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 10%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trên 7,0%/năm.

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 61,6%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 35%; trên 70% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 01-1,5 lần so với năm 2020.

- Mở rộng diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 0,5 - 1% tổng diện tích gieo trồng với một số cây trồng chủ lực, ở các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh; cơ cấu 1-2% sản phẩm hữu cơ trên tổng sản phẩm chăn nuôi; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế: cá nước ngọt, các loài thủy sản bản địa...; tỷ lệ sản lượng dược liệu hữu cơ đạt khoảng 75-80% trên tổng sản lượng dược liệu.

- Tỷ lệ người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đạt trên 30%; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trên tổng số sản phẩm phân bón lên 15%; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định 64%, tăng cường chất lượng rừng.

II. NHIỆM VỤ ĐẾN NĂM 2025

1. Cơ cấu theo 03 nhóm sản phẩm

a) Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh

Thực hiện theo định hướng phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, gồm:

- Lúa gạo (sản phẩm chủ lực quốc gia): Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, giữ ổn định diện tích gieo trồng lúa đến năm 2025: 23.215 ha, sản lượng lúa từ 89.962 tấn đến 92.452 tấn. Nâng tỷ lệ diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao trong tổng diện tích gieo trồng lúa lên từ 40 đến 50%; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận lên khoảng 70%. Đẩy mạnh phát triển sản xuất gạo theo tiêu chuẩn VietGap, gạo hữu cơ và đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo và phụ phẩm của lúa gạo (rơm, rạ, trấu, cám) để tăng giá trị gia tăng.

- Cà phê (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh): Ổn định diện tích cà phê đạt khoảng 25.000 ha vào năm 2025, sản lượng từ 54.563 tấn đến 63.270 tấn/năm, trong đó sản lượng chế biến sâu khoảng 1.400 tấn/năm. Đẩy mạnh tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi; sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao; thực hiện trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với những vùng cà phê tái canh có đủ điều kiện. Tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

- Cao su (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh): Tiếp tục giảm và ổn định diện tích cao su khoảng 70.000 ha vào năm 2025, sản lượng mủ đạt từ 97.538 tấn đến 105.000 tấn/năm. Rà soát, thu hồi một số diện tích trồng cao su tại các vị trí thuận lợi để quy hoạch phát triển đô thị các huyện, thành phố. Đẩy mạnh tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng.

- Cây ăn quả (sản phẩm chủ lực quốc gia): Rà soát, chuyển đổi một số diện tích trồng cao su và các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở những nơi có điều kiện, phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả lên khoảng 10.000 ha vào năm 2025.

- Rau (sản phẩm chủ lực quốc gia): Tăng diện tích gieo trồng lên khoảng 2.850 ha, sản lượng 39.045 tấn/năm. Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất rau tập trung, áp dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất tốt, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

- Sắn (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh): Giảm và ổn định diện tích khoảng 34.100 ha, sản lượng đạt khoảng trên 518.320 tấn/năm. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình canh tác bền vững; áp dụng cơ giới hóa, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ sắn phục vụ cho công nghiệp chế biến tinh bột, sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học.

- Thịt lợn (sản phẩm chủ lực quốc gia): Phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp; tăng đàn lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; phát triển các giống lợn bản địa có giá trị kinh tế cao. Tổng đàn lợn khoảng 156,5 nghìn con đến 180 nghìn con. Phát triển hệ thống quản lý đàn chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, hệ thống giết mổ công nghiệp hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm gắn với vùng chăn nuôi tập trung.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ