Kế hoạch 1307/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1307/KH-UBND
Ngày ban hành 31/05/2024
Ngày có hiệu lực 31/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Dương Mah Tiệp
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1307/KH-UBND

Gia Lai, ngày 31 tháng 05 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỒNG TRỌT ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 811/QĐ-BNN-TT ngày 20/3/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 03/7/2019 của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/11/2019 của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040;

Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040;

Căn cứ Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 13/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 14/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 638/KH-UBND ngày 22/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tổ chức lại sản xuất, phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết các khâu sản xuất, phân phối theo chuỗi các sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra thị trường; tăng tỷ trọng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, kết hợp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả, chất lượng các loại cây trồng; đảm bảo phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nội dung của Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các chủ trương, định hướng, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Các nhiệm vụ triển khai phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phát huy được lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, từng bước khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương liên quan làm cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh và an ninh lương thực Quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 4 - 5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân trên 10%/năm.

- Đảm bảo tưới chủ động trên 85% diện tích đất chuyên trồng lúa; 70% diện tích cây trồng cạn được tưới, trong đó ít nhất 30% diện tích có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

- Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và tương đương trên 50%, trồng trọt hữu cơ trên 1%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 60%.

[...]