Quyết định 383/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 383/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/02/2017
Ngày có hiệu lực 27/02/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Ngọc Thọ
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 383/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ các văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông: Công văn số 1178/BTTTT-THH ngày 24 tháng 4 năm 2015 ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Phiên bản 1.0; Công văn số 2384/BTTTT-THH ngày 28 tháng 7 năm 2015 hướng dẫn mẫu Đề cương Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp Bộ, mẫu Đề cương Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 3500/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về Phê duyệt đề cương và dự toán xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Văn bản thẩm định số 90/THH-KH ngày 21 tháng 02 năm 2017của Cục Tin học hóa về việc ý kiến góp ý đối với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 122/TTr-STTTT ngày 22/02/2017 và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 372/TTr-SKHĐT ngày 24/02/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển

1.1. Quan điểm phát triển

- Công nghệ thông tin (CNTT) trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội: Xây dựng được môi trường thông tin điện tử cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, và toàn xã hội; cung cấp được các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; ứng dụng hiệu quả Chính quyền điện tử (CQĐT).

- Ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh: CNTT cần phải lồng ghép vào các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể; CNTT giúp nâng cao tốc độ phát triển, tốc độ hội nhập, khả năng quảng bá thương hiệu và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp; giúp khai thác triệt để tiềm năng du lịch, thương mại của tỉnh; phát triển cổng giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; thúc đẩy phát triển nâng cao quản lý, phát triển giáo dục đào tạo; nâng cao việc phổ cập kiến thức, khả năng tiếp cận các tiện ích trong y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, cộng đồng qua mạng; phổ cập và cung cấp nhiều thông tin hữu ích về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, lao động việc làm, văn hóa, giải trí.

- Tối ưu hóa đầu tư ứng dụng và phát triển CNTT, bảo đảm tính kế thừa và tính hiện đại: Xây dựng mô hình CQĐT tỉnh Thừa Thiên Huế phải được triển khai trên cơ sở bảo đảm không lạc hậu, phải kế thừa, tận dụng tối đa những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của tỉnh; phù hợp với các quy định của Quốc gia về CNTT, đồng thời cũng cần có những đột phá, đi tắt đón đầu trong phát triển với những mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn.

- Cơ sở hạ tầng CNTT đã và sẽ vẫn tiếp tục được ưu tiên phát triển: Áp dụng mức ưu tiên, ưu đãi cao nhằm thu hút, dành cho các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ CNTT, các ngành tham gia xây dựng và triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước và toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển, ứng dụng CNTT.

- Nâng cao nhận thức, ý thức hành động và trách nhiệm của chính quyền các cấp, lãnh đạo các cấp, mỗi cán bộ và người dân về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

- CNTT xác định là công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc; là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh; đảm bảo phát triển nhanh, bền vững trong tình hình mới, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

- CNTT được ng dụng rộng rãi và trở thành một ngành kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của tỉnh, chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người, nâng cao khả năng phòng thủ và góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, đưa năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ CNTT của tỉnh đạt mức độ khá trong toàn quốc; tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành tỉnh mạnh về CNTT.

Như vậy, việc phát triển, ứng dụng CNTT và xây dựng CQĐT tỉnh có vai trò góp phần tích cực thúc đẩy phát triển, phát huy được hầu hết các thế mạnh của tỉnh; trong hầu hết các lĩnh vực và nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

1.2. Mc tiêu

a) Mục tiêu chung:

Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm mục đích quy hoạch việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính của tỉnh giúp cung cấp dịch vụ công tới người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, đơn giản, thuận lợi và tiết kiệm chi phí. Quy hoạch theo một trình tự khoa học, tránh đầu tư dàn trải, trùng lặp, dư thừa dữ liệu; giúp lãnh đạo các cấp đưa ra những quyết định chính xác, hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.

[...]