Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 3828/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 3828/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/12/2015
Ngày có hiệu lực 29/12/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3828/-UBND

Quảng Bình, ngày 29 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH VĂN HÓA TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ; Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chính và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung (Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 5, ngày 18/6/2009); Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009; Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/12/2000; Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2020; Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2010-2015) tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030; Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 phê duyệt đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06/8/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện; Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật;

Xét đề nghị tại Công văn số 1647/KHĐT ngày 15/10/2015 của Sở Kế hoạch-Đầu tư và Tờ trình số 124/TTr-SVHTTDL ngày 11/12/2015 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chính như sau:

1. Tên dự án quy hoạch

Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Cơ quan lập quy hoạch: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Bình.

3. Quan điểm phát triển

- Phát huy mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển văn hoá mang tính dân tộc, khoa học và nhân dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, phát triển chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và góp phần hội nhập kinh tế quốc tế.

- Văn hoá sẽ phát triển rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi vùng, mọi dân tộc, đồng thời phát triển nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp, theo xu hướng chung của quốc gia, quốc tế và được đầu tư mạnh mẽ, cơ bản hơn.

- Phát triển văn hoá theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, tích cực trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, đảm bảo sự tăng trưởng liên tục, khắc phục về tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân ở các vùng, miền, khu vực trong toàn tỉnh, gắn liền với bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

4. Mục tiêu phát triển

- Cùng với cả nước bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức giữ gìn và không ngừng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Xây dựng nền văn hóa, con người Quảng Bình phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

- Phát triển ngành Văn hoá Quảng Bình phù hợp với sự phát triển của đất nước, của tỉnh. Đảm bảo sự phát triển văn hoá đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh.

- Từng bước hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng với các đức tính tốt đẹp: yêu nước, tự hào dân tộc, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng. Hình thành cơ bản các nền nếp, các giá trị văn hóa trong hệ thống chính trị, trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình và cộng đồng; hạn chế đến mức thấp nhất các biểu hiện thiếu văn hóa trong đời sống xã hội.

- Từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; tạo môi trường và điều kiện để đảm bảo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Bình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Làm tốt công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, dân tộc. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa các vùng, miền, văn hóa thế giới làm phong phú thêm các loại hình văn hóa của tỉnh, bắt kịp sự phát triển của thời đại. Tăng cường quảng bá, giới thiệu những tinh hoa văn hóa Quảng Bình đến với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế.

- Quản lý, tổ chức các dịch vụ văn hóa trên địa bàn đúng quy định của pháp luật, bảo đảm trong sạch, lành mạnh. Ngăn chặn và đẩy lùi văn hóa phẩm độc hại và sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

- Nâng cao đời sống văn hoá, rút ngắn dần sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng trong tỉnh, cơ bản đáp ứng được những nhu cầu của người dân về hưởng thụ văn hoá, thưởng thức nghệ thuật, xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá, xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hoá, đẩy lùi các hủ tục và các mặt tiêu cực khác. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá nhằm tạo điều kiện toàn dân được tham gia sáng tạo và hưởng thụ thành quả văn hoá ở mức độ ngày càng cao.

- Sáng tạo các sản phẩm văn hoá có giá trị cao, coi trọng công tác nghiên cứu khoa học về văn hoá và việc khai thác, sử dụng, phát huy giá trị các di sản văn hoá truyền thống.

[...]