ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
381/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 01
năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẠI TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG HÀ NỘI TRỰC THUỘC SỞ Y TẾ
TRÊN CƠ SỞ SÁP NHẬP TRUNG TÂM BẢO VỆ SỨC KHỎE LAO ĐỘNG VÀ MÔI TRƯỜNG HÀ NỘI,
TRUNG TÂM KIỂM DỊCH Y TẾ QUỐC TẾ, TRUNG TÂM KIỂM NGHIỆM HÀ NỘI, TRUNG TÂM PHÒNG
CHỐNG HIV/AIDS HÀ NỘI, TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE HÀ NỘI VÀ QUỸ HỖ
TRỢ PHÒNG, CHỐNG DỊCH, BỆNH NGUY HIỂM HÀ NỘI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày
28/6/2012 của Chính phủ qui định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự
nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Căn cứ Quyết định số
37/2016/QĐ-UBND ngày 08/9/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về việc quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số
103/2009/QĐ-UBND ngày 24/9/2009 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về
quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, tiền
công, cán bộ, công chức, viên chức lao động hợp đồng trong các cơ quan đơn vị
thuộc thành phố Hà Nội và Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND
ngày 22/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số điều
của Quyết định số 103/2009/QĐ-UBND;
Căn cứ Quyết định số 1245/QĐ-UBND
ngày 13/10/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập Trung
tâm Y tế Dự phòng Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 1250/QĐ-UBND
ngày 13/10/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập Trung
tâm Kiểm nghiệm Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 1242/QĐ-UBND
ngày 13/10/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập Trung
tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 2823/QĐ-UBND
ngày 22/5/2003 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập Trung tâm
Kiểm dịch Y tế Quốc tế;
Căn cứ Quyết định số 1244/QĐ-UBND
ngày 13/10/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập Trung
tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 3717/QĐ-UBND
ngày 22/7/2009 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập Trung tâm
Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 4515/QĐ-UBND
ngày 01/9/2009 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS Hà Nội; Quyết định số 4204/QĐ-UBND ngày
02/8/2016 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc Kiện toàn Quỹ hỗ trợ
phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm HIV/AIDS Hà Nội thành Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại
Tờ trình số 5528/TTr-SYT ngày 28/11/2016 và Giám đốc
Sở Nội vụ tại Tờ trình số 29/TTr-SNV ngày 05/01/2017 về việc tổ chức lại Trung
tâm Y tế Dự phòng Hà Nội trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Bảo vệ
sức khỏe lao động và Môi trường Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung
tâm Kiểm nghiệm Hà Nội, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, Trung tâm Truyền
thông Giáo dục sức khỏe Hà Nội và Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm
Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tổ chức lại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội trực
thuộc Sở Y tế trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường
Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội, Trung
tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hà Nội
và Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm Hà Nội (sau đây gọi chung là
các đơn vị sáp nhập).
1. Tên gọi, trụ sở và địa chỉ giao dịch
sau khi sáp nhập
- Tên giao dịch tiếng Việt: Trung tâm
Y tế Dự phòng Hà Nội.
- Tên giao dịch tiếng Anh: Hanoi
Preventive Medicine Center.
- Tên tiếng Anh viết tắt: Hanoi PMC.
- Trụ sở chính (cơ
sở 1): Số 70, phố Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
+ Cơ sở 2: Số 35, phố Trần Bình, Quận
cầu Giấy, thành phố Hà Nội (duy trì các hoạt động về lĩnh vực Kiểm dịch y tế Quốc
tế).
+ Cơ sở 3: Số 23, phố Nguyễn Viết Xuân,
Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (duy trì các hoạt động về lĩnh vực Sức khỏe nghề
nghiệp và Môi trường).
+ Cơ sở 4: Khu Hành chính mới Quận Hà
Đông, thành phố Hà Nội (duy trì các hoạt động về Lĩnh vực Phòng chống
HIV/AIDS).
+ Cơ sở 5: Số 1, ngõ 2, phố Quang
Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (duy trì các hoạt động về lĩnh vực Truyền
thông Giáo dục sức khỏe).
+ Cơ sở 6: Số 7, ngõ 107, phố Nguyễn
Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (duy trì các hoạt động về lĩnh vực Kiểm nghiệm Dược phẩm và Mỹ phẩm).
+ Cơ sở 7: Số 20, phố Bế Văn Đàn, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (duy trì các hoạt động về Lĩnh
vực Kiểm nghiệm Dược phẩm và Mỹ phẩm).
+ Cơ sở 8: Số 86, phố Thợ Nhuộm, quận
Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (duy trì các hoạt động về lĩnh vực Quỹ hỗ trợ phòng,
chống dịch, bệnh nguy hiểm).
2. Vị trí, chức năng:
a. Vị trí:
- Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội là
đơn vị sự nghiệp y tế công lập hạng I trực thuộc Sở Y tế; Trung tâm có tư cách pháp
nhân, con dấu, tài khoản riêng tại kho bạc và ngân hàng, trụ sở làm việc theo
quy định của pháp luật.
- Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội chịu
sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, hoạt động và các nguồn lực của Sở Y tế Hà Nội;
đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật,
nghiệp vụ của Bộ Y tế.
b. Chức năng:
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe trên địa
bàn thành phố, tổ chức thực hiện các dịch vụ công về y tế theo quy định của
pháp luật;
- Tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế tổ chức
triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về
y tế dự phòng; truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia tài trợ, hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh
nguy hiểm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn:
a. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực
hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên cơ sở định hướng,
chính sách, chiến lược, kế hoạch của Bộ Y tế và tình hình thực tế của thành phố
trình Sở Y tế phê duyệt: giám sát, phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh
không lây nhiễm; Kiểm dịch y tế; Sức khỏe môi trường, sức khỏe lao động, sức khỏe
trường học; chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; Xét
nghiệm an toàn thực phẩm; Dinh dưỡng cộng đồng; Vệ sinh phòng bệnh; Quản lý, sử
dụng vắc xin và sinh phẩm y tế; An toàn sinh học; Phòng chống tai nạn thương
tích; Các hoạt động nâng cao sức khỏe, phòng chống các yếu
tố nguy cơ tác động lên sức khỏe; Khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm và quản lý,
điều trị dự phòng ngoại trú các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; Phòng
chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất; Truyền thông giáo dục sức khỏe; Kiểm
nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm; Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm;
b. Chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát
chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe đối với
các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, Trạm y tế xã, phường, thị trấn, các bệnh
viện, trung tâm chuyên khoa và các cơ sở y tế trên địa bàn;
c. Triển khai các hoạt động truyền
thông nguy cơ; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức
triển khai thực hiện công tác thông tin, truyền thông, nâng cao sức khỏe thuộc
lĩnh vực y tế; Cung cấp thông tin cho báo chí, người dân về công tác chăm sóc và
bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố; Biên soạn, xuất bản Tạp chí Y
dược phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thành
phố Hà Nội; Quản lý Website của Sở Y tế, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật website của
các đơn vị trong ngành y tế Hà Nội.
d. Tổ chức vận động và tiếp nhận tiền, tài sản, vật chất
kỹ thuật, công nghệ...của các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài, tài trợ
ủng hộ hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm trên địa bàn Thành
phố. Tổ chức các hoạt động phù hợp với mục đích của Quỹ và theo đúng quy định
đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
đ. Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo
liên tục về chuyên môn, kỹ thuật cho công chức, viên chức, người lao động của
Trung tâm; tham gia đào tạo, đào tạo liên tục về chuyên môn, kỹ thuật thuộc
lĩnh vực y tế dự phòng, HIV/AIDS, Truyền thông giáo dục sức khỏe theo kế hoạch
của thành phố, Trung ương trên địa bàn; là cơ sở thực hành của các cơ sở đào tạo
nhân lực y tế trên địa bàn và của Trung ương trong lĩnh vực y tế dự phòng,
HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Truyền thông giáo dục sức khỏe và kiểm nghiệm
dược phẩm và mỹ phẩm;
e. Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu
khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế dự phòng,
HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Truyền thông giáo dục sức khỏe, Kiểm nghiệm
dược phẩm và mỹ phẩm;
g. Đề xuất, quản lý và tổ chức thực
hiện các đề án, dự án, chương trình mục tiêu y tế quốc gia và hợp tác quốc tế về
y tế dự phòng, Kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm, truyền thông giáo dục sức khỏe
trên địa bàn thành phố khi được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt;
h. Tổ chức thực hiện các hoạt động dịch
vụ về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và khám sàng lọc phát hiện bệnh
sớm, quản lý, điều trị dự phòng ngoại trú các bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm;
HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Truyền thông giáo dục sức khỏe; Kiểm nghiệm
dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm;
i. Tổ chức thực hiện công tác kiểm
tra, đánh giá các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dự phòng; Phòng chống HIV/AIDS
và điều trị nghiện chất; Kiểm dịch y tế; Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường; Kiểm
nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm; Truyền thông giáo dục sức khỏe; Quỹ hỗ trợ phòng,
chống dịch, bệnh nguy hiểm trên địa bàn Thành phố;
k. Thực hiện quản lý cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động và quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định
của pháp luật;
l. Thực hiện các chế độ thống kê, báo
cáo theo quy định của pháp luật;
m. Thực hiện các quyền hạn, nhiệm vụ
khác do Sở Y tế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
4. Cơ chế tài chính:
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội là đơn
vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên theo Nghị
định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn
vị sự nghiệp công lập.
5. Cơ cấu tổ chức
a. Ban Giám đốc: Giám đốc và 04 Phó
Giám đốc;
- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà
Nội chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động
của Trung tâm;
- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự
phòng Hà Nội là người phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc
Trung tâm phân công; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật
về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Trung tâm vắng mặt, một Phó Giám đốc
được Giám đốc ủy quyền điều hành hoạt động của Trung tâm;
- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc,
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thực hiện theo quy định của pháp luật
và phân cấp quản lý cán bộ của UBND thành phố Hà Nội.
b. Phòng chức năng: gồm 04 phòng
- Phòng Hành chính Quản trị.
- Phòng Tổ chức cán bộ.
- Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ.
- Phòng Tài chính
Kế toán.
c. Khoa, phòng chuyên môn: gồm 22
khoa, phòng
- Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm;
- Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm
và Dinh dưỡng;
- Khoa Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng;
- Khoa Sức khỏe môi trường và Sức khỏe
trường học;
- Khoa Bệnh nghề nghiệp;
- Khoa Vệ sinh lao động;
- Khoa Kiểm dịch y tế;
- Khoa Xử lý y tế;
- Khoa Tiêm chủng quốc tế và quản lý
sức khỏe;
- Khoa Giám sát HIV/AIDS;
- Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và
điều trị nghiện chất;
- Khoa Quản lý điều trị HIV/AIDS;
- Khoa Truyền thông và Can thiệp HIV/AIDS;
- Khoa Kiểm nghiệm Dược phẩm và Mỹ phẩm;
- Khoa Xét nghiệm;
- Tạp chí Y học;
- Phòng Khoa học đào tạo và giáo dục
sức khỏe;
- Phòng Chỉ đạo tuyến;
- Phòng Thông tin báo chí;
- Phòng khám, tư vấn bệnh nghề nghiệp
và điều trị dự phòng;
- Phòng khám đa khoa xã hội hóa.
- Quỹ Hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh
nguy hiểm;
6. Biên chế:
Biên chế Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội
là biên chế sự nghiệp trong tổng số biên chế sự nghiệp của Sở Y tế được UBND
Thành phố phân bổ hàng năm.
Trước mắt, biên chế của Trung tâm Y tế
Dự phòng Hà Nội sau khi tổ chức lại là 631 người (Viên chức: 561 người, lao động
hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP: 70 người), là tổng số biên chế đã được
UBND Thành phố giao cho các đơn vị sáp nhập năm 2017 sau khi đã tinh giản 5%
biên chế viên chức (theo lộ trình đến năm 2021 tiếp tục tinh giản bộ phận hành
chính theo quy định).
Điều 2. Các đơn vị sáp nhập vào
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội trực thuộc Sở Y tế theo nguyên tắc, cụ thể:
- Công chức, viên chức, lao động hợp
đồng và hồ sơ tài liệu có liên quan đến công chức, viên chức, lao động hợp đồng
của các đơn vị sáp nhập vào Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.
- Toàn bộ cơ sở vật chất và hồ sơ tài
liệu liên quan đến tài sản, vật tư, đất đai, máy móc, trang
thiết bị... của các đơn vị sáp nhập vào Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.
- Việc sáp nhập phải đảm bảo không để
thất thoát tài sản của Nhà nước, tập thể; đảm bảo quyền lợi của người lao động
và duy trì hoạt động bình thường của đơn vị.
- Giám đốc các đơn vị sáp nhập và người
có liên quan chịu trách nhiệm toàn bộ về tài sản, tài chính, trang thiết bị và
tất cả những vấn đề phát sinh từ các hoạt động của đơn vị thực hiện trước thời
điểm sáp nhập mà không phụ thuộc vào thời điểm phát sinh vấn đề. Giám đốc Trung
tâm Y tế Dự phòng Hà Nội sau khi sáp nhập có trách nhiệm kế thừa quyền, nghĩa vụ
của Giám đốc các đơn vị sáp nhập kể từ thời điểm sáp nhập
theo Quyết định này và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao theo qui định.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các
Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai Quyết định
và theo dõi trong quá trình các đơn vị sáp nhập vào Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội bảo đảm theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Giám đốc Sở Y tế:
- Chỉ đạo các đơn vị sáp nhập thống
kê tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính hiện đang quản lý, các
khoản công nợ, lập danh sách, hồ sơ tài liệu công chức, viên chức và lao động hợp
đồng của đơn vị, chuyển sang Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội quản lý;
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà
Nội tiếp nhận bàn giao nguyên trạng từ các đơn vị sáp nhập. Đối với việc tiếp
nhận nhân sự phải căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn, năng lực chuyên môn nghiệp vụ,
vị trí việc làm để bố trí cán bộ công chức, viên chức và lao động hợp đồng của
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội theo đúng quy định.
- Xây dựng phương án, và lộ trình sắp
xếp trụ sở chính và các cơ sở của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội theo hướng thu
gọn đầu mối, tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động,
báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Giám đốc Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng
dẫn các đơn vị sáp nhập vào Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thực hiện các nội
dung có liên quan đến việc bàn giao tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, trang
thiết bị theo đúng qui định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng
dẫn việc phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2017 của các đơn vị sáp nhập vào
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.
4. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng
kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên và nguồn vốn đầu tư phát
triển Trung tâm theo kế hoạch hoạt động trong những năm tiếp theo.
5. Giám đốc Sở Xây dựng:
Chủ trì, hướng dẫn Sở Y tế, Trung tâm
Y tế Dự phòng Hà Nội và các đơn vị sáp nhập hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ tài
liệu và chuyển giao trụ sở, các công trình xây dựng từ các đơn vị sáp nhập về
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội quản lý;
6. Giám đốc các đơn vị sáp nhập:
- Tổng hợp, thống kê tài chính, tài sản,
cơ sở vật chất, trang thiết bị, các chứng từ, hồ sơ tài liệu có liên quan; lập
danh sách cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng để tiến hành thủ tục
chuyển giao nguyên trạng về Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.
- Làm việc với Công an thành phố Hà Nội
để tiến hành thủ tục thu hồi con dấu theo đúng quy định.
7. Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng
Hà Nội:
- Tiếp nhận toàn bộ tài chính, tài sản,
cơ sở vật chất, trang thiết bị, các chứng từ, hồ sơ tài liệu có liên quan; cán
bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng và hồ sơ cán bộ từ các Trung tâm Bảo
vệ sức khỏe lao động và Môi trường Hà Nội; Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế;
Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội; Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội; Trung tâm
Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hà Nội; Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh nguy
hiểm Hà Nội chuyển sang.
- Bố trí công chức, viên chức, lao động
hợp đồng làm việc tại các khoa, phòng của đơn vị theo tiêu chuẩn trình độ
chuyên môn nghiệp vụ, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, năng lực
cá nhân và tình hình thực tế của đơn vị.
8. Các cơ quan, đơn vị được nêu tại
khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 của Điều này có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ được giao trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành.
Trong thời gian bàn giao, đơn vị được tiếp tục sử dụng con dấu theo quy định.
Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp
1. Tạm thời giữ nguyên số lượng Phó
Giám đốc Trung tâm sau khi tổ chức lại nếu nhiều hơn so với quy định tại điểm
a, khoản 5, Điều 1 Quyết định này, mà Sở Y tế không thể bố trí được vị trí khác
phù hợp tại các đơn vị trong ngành. Trung tâm chỉ được bổ sung Phó Giám đốc khi
số lượng ít hơn quy định.
2. Đối với những trường hợp sau khi sắp
xếp mà thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ cấp
chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ thì được hưởng bảo
lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, áp dụng theo quy định tại Quyết định số
140/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về
bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối
với các chức danh lãnh đạo trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày 01/02/2017; bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định của Quyết định
này.
2. Chánh Văn phòng UBND Thành phố,
Giám đốc các Sở: Nội vụ, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành Thành phố, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự
phòng Hà Nội, Giám đốc các đơn vị: Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi
trường Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung tâm
Kiểm nghiệm Hà Nội, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hà Nội, Quỹ hỗ trợ
phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm Hà Nội và các tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ Y tế;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- PCT UBNDTP Ngô Văn Quý;
- VP UBNDTP: PCVP N.N.Kỳ,
P.C.Công;
KGVX, TKBT, NC, TH;
- Lưu: VT, SNV (06 bản).
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Chung
|