Quyết định 38/2007/QĐ-UBND ban hành quy chế về tổ chức tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 38/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/09/2007
Ngày có hiệu lực 21/09/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Đức Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2007/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 11 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế về tổ chức tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hải

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38 /2007/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này cụ thể hóa việc tổ chức tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định của Pháp luật hiện hành.

Điều 2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân và bố trí cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nghiệp vụ chuyên môn, am hiểu pháp luật, nắm bắt thực tiễn, có ý thức trách nhiệm làm nhiệm vụ chuyên trách tiếp công dân giúp Thủ trưởng theo dõi công tác tiếp công dân tại đơn vị.

Việc tiếp công dân chỉ được thực hiện tại công sở.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan công an để tổ chức bảo vệ, bảo đảm an toàn, trật tự, văn minh lịch sự tại nơi tiếp công dân. UBND xã, phường, thị trấn và công an phụ trách địa bàn có trách nhiệm bảo vệ an toàn nơi tiếp công dân của các cơ quan trên địa bàn mình quản lý.

Điều 4. Nghiêm cấm các hành vi

1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu đối với công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

2. Lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống, lôi kéo, kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật, gây rối trật tự, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; tố cáo sai sự thật, đe dọa, trả thù, xúc phạm người khiếu nại, tố cáo, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan nhà nước, người tiếp công dân, người thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Chương II

TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN

Điều 5. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức, bố trí địa điểm thuận tiện, đảm bảo các điều kiện vật chất cần thiết và trực tiếp tiếp công dân để nghe và chỉ đạo xử lý, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc thẩm quyền và trách nhiệm quản lý.

[...]